Thực hiện đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh CLC, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu hécta lúa CLC) không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế, an ninh lương thực, tạo thu nhập cao hơn cho nông dân mà còn bảo đảm nhiều mục tiêu trong tình hình mới như thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm lượng khí metan (gây hiệu ứng khí nhà kính) do canh tác lúa gây ra.
Đồng thời, thực hiện đề án góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất của nông dân, hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững cho Vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An nói riêng.
Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa (Ảnh: Lê Hoàng Thái)
Theo đó, Đề án 1 triệu hécta lúa CLC sẽ được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL, trong đó, Long An với vùng chuyên canh lúa Đồng Tháp Mười đăng ký thực hiện 120.000ha. Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh sẽ có 60.000ha lúa CLC và đến năm 2030 sẽ có 120.000ha lúa CLC.
Tại huyện Tân Hưng, diện tích gieo sạ lúa cả năm khoảng 82.457ha, năng suất bình quân 6,17 tấn/ha, sản lượng 508.763,4 tấn. Trong đó, diện tích lúa CLC là 69.659ha, sản lượng đạt 435.519 tấn. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ, thực hiện Đề án 1 triệu hécta lúa CLC trong vụ Đông Xuân 2023-2024, huyện đăng ký 6.660ha.
“Vụ Đông Xuân 2023-2024 sắp tới, huyện tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan tìm kiếm doanh nghiệp (DN) để liên kết sản xuất; phối hợp UBND các xã, thị trấn vận động nông dân chuẩn bị các điều kiện cần thiết để gieo sạ theo lịch thời vụ. Đồng thời, huyện tập trung xây dựng các cánh đồng lớn gắn với vùng lúa CLC; tổ chức tập huấn đầu vụ cho nông dân về các biện pháp phòng trừ cỏ dại; bón phân cân đối, áp dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm;... nhằm tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư. Năm 2024, huyện phấn đấu đạt 390.000 tấn lúa CLC” - ông Phan Văn Nỉ cho biết.
Huyện Tân Thạnh là địa phương gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 sớm của tỉnh. đến thời điểm này, toàn huyện đã gieo sạ được trên 26.400ha lúa Đông Xuân 2023-2024, đạt trên 91% kế hoạch. Cơ cấu giống chủ yếu là lúa nếp (IR4625) chiếm trên 47% và OM18 chiếm trên 38%, các giống lúa khác (OM4900, OM6976, OM5451, IR50404, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, ST25) chiếm 15%.
Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh giúp nông dân giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, trên cơ sở thực hiện Dự án VnSAT, Chương trình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa đến năm 2025 và nội dung tiêu chí Đề án 1 triệu hécta lúa CLC, huyện đã tiến hành rà soát, tổng hợp và đăng ký tham gia đề án với diện tích 5.700ha trong năm 2024 tại tất cả các xã của huyện. Trong đó, vụ Đông Xuân 2023-2024 là 3.675ha và vụ Hè Thu 2024 là 2.025ha.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Trần Thị Kham Ly thông tin: “Thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, năm 2023, toàn huyện triển khai, thực hiện 38 mô hình nhân rộng với tổng diện tích 2.412,1ha, đạt 96,48% kế hoạch; duy trì 46 mô hình với tổng diện tích 2.863,3ha, đạt 93,57% kế hoạch. Qua tổng kết, các mô hình đều được nông dân đánh giá cao về các nội dung và hiệu quả, giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 2-4 triệu đồng/ha so với phương thức sản xuất truyền thống”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Phước Vẹn, kết quả thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa có tác động tích cực đến việc áp dụng sạ thưa, giảm được 20-60kg/ha lượng giống gieo sạ, giảm được 20-35kg phân đạm, kết hợp áp dụng tưới ngập khô xen kẽ, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Đây là tiền đề thuận lợi để huyện tham gia Đề án 1 triệu hécta lúa CLC.
“Huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp ngành chuyên môn tỉnh và UBND các xã trong vùng đề án tuyên truyền, triển khai các nội dung tiêu chí Đề án 1 triệu hécta lúa CLC; tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất lúa phát thải thấp, ghi chép nhật ký canh tác; tăng cường hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ,... để thuận lợi cho việc điều tra đánh giá đối với các khu vực diện tích đăng ký” - ông Lê Phước Vẹn cho biết.
Nâng cao chất lượng lúa, gạo
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích lúa gieo sạ năm 2023 ước đạt 513.877ha, tăng 4.818ha so cùng kỳ. Năng suất ước đạt 59,3 tạ/ha, tăng 3,3 tạ/ha so cùng kỳ; sản lượng ước đạt trên 3 triệu tấn, tăng 186.967 tấn so cùng kỳ, trong đó, lúa CLC đạt trên 1,8 triệu tấn.
Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu giống lúa và tăng cường liên kết bao tiêu với DN, do đó, diện tích gieo sạ các giống lúa thơm, đặc sản và CLC ngày càng tăng. Một số giống lúa CLC như OM5451, OM18, Jasmin 85, RVT, Đài thơm 8, ST24, ST25,... thường được nông dân lựa chọn để gieo sạ.
Nông dân thu hoạch lúa Hè Thu 2023
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết, sản xuất các nhóm giống lúa CLC giúp bán được giá cao, nông dân có thể tăng lợi nhuận từ 10-17% so với trồng giống lúa có chất lượng trung bình. Ðây là điều kiện thuận lợi để ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến cáo nông dân sản xuất các nhóm giống lúa CLC trong thời gian tới.
Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn trong phát triển sản xuất các loại lúa CLC như tình trạng nguồn giống lúa CLC tại nhiều nơi vẫn chưa bảo đảm, giá cả còn cao; số lượng DN tham gia đặt hàng sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân vẫn còn ít, nông dân gặp khó trong tìm kiếm DN liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nhiều nông dân còn tâm lý muốn canh tác những giống lúa đã quen thuộc cho an toàn, ngại chuyển đổi sang những giống lúa mới khi chưa nắm rõ kỹ thuật canh tác và chưa có DN bao tiêu;...
Diện tích gieo sạ các giống lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng
Để người dân sản xuất lúa CLC đạt hiệu quả, các cấp, các ngành tỉnh cần tạo điều kiện, hành lang pháp lý thông thoáng, có sự liên kết chặt chẽ với nhiều DN hơn nữa để ổn định đầu ra sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ các DN xây dựng mới hoặc nâng cấp hệ thống kho chứa để thu mua tạm trữ; đồng thời, xây dựng, quảng bá thương hiệu lúa, gạo Long An và tổ chức tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, để xây dựng thương hiệu gạo của địa phương thì ngoài yếu tố ngon còn cần phải sạch, bởi người tiêu dùng trong và ngoài nước luôn hướng đến sản phẩm sạch, hữu cơ.
Việc canh tác, sản xuất theo tập quán cũ sẽ làm thương hiệu lúa, gạo của địa phương bị ảnh hưởng do không bảo đảm được vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, việc mở rộng các diện tích lúa CLC là điều cần thiết và cần được các địa phương chú trọng thực hiện./.
Đề án 1 triệu hécta lúa lúa chất lượng không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, bảo đảm sức khỏe con người, tăng thu nhập cho nông dân,... mà còn nhằm xây dựng thương hiệu lúa, gạo giảm phát thải. Qua đó, tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị ngành hàng lúa, gạo của tỉnh và cả Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền
|
Bùi Tùng