Tiếng Việt | English

01/12/2019 - 19:57

Long An - “thương hiệu” mạnh trong thu hút đầu tư

Vị trí địa lý thuận lợi, cùng với việc tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, Long An trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tại Long An, doanh nghiệp FDI có môi trường sản xuất tốt, kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn

“Thương hiệu” mạnh

Long An có vị trí địa lý khá thuận lợi cùng với hạ tầng phát triển công nghiệp đang được quy hoạch, đầu tư nên dễ dàng thu hút doanh nghiệp (DN), đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. 10 tháng năm 2019, tỉnh cấp mới 109 dự án (DA), DN FDI với tổng vốn cấp mới 320 triệu USD, tăng 38 DA so cùng kỳ năm 2018. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.009 DN FDI với tổng vốn đăng ký 6.166 triệu USD, trong đó có 576 DN đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.614 triệu USD. Các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI là may mặc, da giày, chế biến thức ăn, chế biến thực phẩm, đồ uống. Các DA FDI tập trung chủ yếu tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. Hiện có khoảng 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore có số DA nhiều nhất. 

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần khẳng định: Các DN FDI đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Điều này thể hiện rất rõ qua việc DN FDI góp phần đáng kể vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, phát triển kết cấu hạ tầng, đóng góp thu ngân sách, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ trong nước,… 

Một điều rất đáng ghi nhận là thời gian qua, các DN FDI góp phần nhiều vào hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất, nhập khẩu của tỉnh, chiếm tỷ lệ đóng góp cao hơn các DN trong nước và tăng trưởng rõ rệt qua các năm. Hiện nay, tỉnh có gần 900 DN tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó DN FDI chiếm số lượng khá lớn. Hàng hóa xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Gạo, hạt điều, thủy sản, giày da, may mặc, vải dệt, sợi, cơ khí, sắt thép, bình ắc-quy, sản phẩm điện tử, máy vi tính,... Qua ghi nhận, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh tăng trưởng khá tốt qua từng năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2019 trên toàn tỉnh đạt 4,46 tỉ USD, tăng 16,6% so cùng kỳ và kim ngạch nhập khẩu đạt 3,27 tỉ USD, tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2018. 

Nói về môi trường đầu tư tại Long An, Phó Tổng Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Khoa Kỹ sinh vật Thăng Long (huyện Đức Hòa) - Uông Tự Hùng chia sẻ, công ty đầu tư tại Long An vì tin rằng đây là môi trường thuận lợi. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, thân thiện, hiệu quả cho DN thông qua các buổi trao đổi, đối thoại. Từ đó, DN an tâm sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn. Công ty TNHH Khoa Kỹ sinh vật Thăng Long chuyên sản xuất thức ăn dành cho tôm và cá tiêu thụ trong, ngoài nước. Theo ông Uông Tự Hùng, chính vì môi trường kinh doanh tại Long An thuận lợi nên kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2018 của đơn vị tăng trưởng gấp 30 lần so với năm 2011. Theo đó, sản lượng tiêu thụ năm 2018 đạt 300.000 tấn, doanh thu khoảng 300 triệu USD. Dự kiến năm 2019, sản lượng tiêu thụ khoảng 400.000 tấn, doanh thu đạt 400 triệu USD. 

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Semitec Electronics (Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc)

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Semitec Electronics (Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc)

Chiến lược trong tương lai

Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Trương Văn Triều, nếu như toàn tỉnh hiện có 576 DA, DN FDI đi vào hoạt động thì tại các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh có 397 DN đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư thực hiện 1,87 tỉ USD. 9 tháng năm 2019, khối DN FDI hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KCN có doanh thu trên 1.248 triệu USD, tăng 3,63% so cùng kỳ năm 2018. Các DN này nộp ngân sách nhà nước trên 37,9 triệu USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất, nhập khẩu của DN FDI trong các KCN đạt những con số ấn tượng. Theo đó, DN FDI có doanh số xuất khẩu đạt 950 triệu USD, tăng 20,6% so cùng kỳ năm 2018 và đóng góp trên 89% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả khu vực FDI và DDI. Kim ngạch nhập khẩu của DN FDI trong các KCN đạt 685 triệu USD, tăng 0,63% so cùng kỳ năm 2018 và đóng góp 83,67% vào tổng kim ngạch nhập khẩu của cả khu vực FDI và DDI. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, tuy thu hút đầu tư FDI đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng Long An cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là các DA FDI phần lớn có quy mô nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao. Bên cạnh đó, các DA FDI còn tập trung nhiều vào các ngành hàng thâm dụng lao động như dệt may, da giày,... ít DA đầu tư ngành hàng sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, chưa có nhiều tập đoàn quy mô lớn, thương hiệu nổi tiếng đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. 

Ngoài ra, tại Long An, DN FDI đi vào hoạt động còn thấp so với DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hiện chỉ 576 DN/1.000 DN FDI đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 3.614 triệu USD trong tổng vốn đăng ký 6.166 triệu USD. Hiện tượng “né” thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra ở không ít DN, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - Cao Văn Tạo, tình trạng này đang dần chuyển biến tích cực từ đầu năm 2019 đến nay. Cụ thể, 10 tháng năm 2019, nguồn thu từ DN FDI đạt khá cao với số thu 1.760 tỉ đồng, đạt 95% dự toán năm và bằng 139,6% so cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, các năm trước, nguồn thu lĩnh vực này rất thấp, không đạt kế hoạch đề ra. Để đạt kết quả này, ngành thuế tăng cường hỗ trợ người nộp thuế, giúp người nộp thuế, DN thông suốt chính sách, pháp luật về thuế, thay đổi nhận thức. Qua đó, họ chuyển biến tích cực trong việc tự giác kê khai nộp thuế đầy đủ, kịp thời theo thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Có một số DN trước đây kê khai lỗ thường xuyên thì nay kê khai có lãi và có số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước. 

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết thêm, thời gian tới, Long An tiếp tục phát huy lợi thế về vị trí địa lý để thu hút đầu tư, nhất là DN FDI. Theo đó, tỉnh đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh các trục động lực kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm phục vụ phát triển công nghiệp, bao gồm các trục nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng, đặc biệt là các trục giao thông kết nối với TP.HCM. Chính quyền tỉnh Long An tiếp tục nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư thông thoáng, nhằm đưa Long An trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, một thương hiệu mạnh trong thu hút đầu tư tại Việt Nam./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích