Tiếng Việt | English

19/12/2016 - 10:01

Long An tự hào có thêm 253 “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”

“Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con. Lần lượt ra đi... đi mãi mãi...Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang”. Lời bài hát chính là nỗi lòng của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) một đời tần tảo, hy sinh vì chồng, vì con. Ngày hòa bình lập lại, mẹ thầm mong gia đình được đoàn tụ. Nhưng có lẽ, giấc mơ đó ngày càng xa vời khi chồng, con của mẹ đi mãi không về,...


Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Văn Liên trao danh hiệu cao quý cho Mẹ Việt Nam Anh hùng - Phạm Thị Hoa huyện Thủ Thừa

Mặc dù là người có tuổi thấp nhất trong 7 mẹ được phong tặng danh hiệu "Bà mẹ VNAH" lần này nhưng mẹ Phạm Thị Hoa, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa cũng ngoài 70 tuổi. Mẹ Hoa có chồng là liệt sĩ Lê Văn Phấn và con là liệt sĩ Lê Văn Nông. Những vất vả trong thời chiến tranh, nỗi đau mất đi người thân ruột thịt vẫn còn theo mẹ đến tận hôm nay.

Những đau thương, mất mát khiến mẹ không một phút nào nguôi ngoai khi nhớ về chồng và con trai hy sinh. Không thể kể hết những khó khăn của một người mẹ suốt đời lam lũ lo cho chồng, cho con. Mẹ Hoa bây giờ mắt mờ, chân run, bước từng bước khó nhọc và trí nhớ có phần giảm sút sau một lần bệnh "thập tử nhất sinh". Dẫu vậy, khi nhắc về chồng, con, mắt mẹ lại ngấn lệ. "Tôi nhớ ông ấy nhiều lắm! Tội nghiệp thằng Nông, nó mất khi tuổi đời còn quá trẻ và không kịp nhắn nhủ gì với mẹ. Dù ngày ấy, nó hứa với mẹ là khi nào hết chiến tranh, nó sẽ quay về. Ai ngờ..." - mẹ Hoa rưng rưng nước mắt.

Khi hay tin được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý, mẹ vừa mừng, vừa nhớ chồng, nhớ con, cả đêm thao thức không ngủ được. Mẹ nói, biết ơn Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đến gia đình mẹ. Cả cuộc đời vất vả, chăm sóc các con để chồng yên tâm đi đánh giặc, mẹ chịu nhiều cay đắng. Duy nhất an ủi tuổi già là sự yêu thương, hiếu thảo của vợ chồng người con trai út và các cháu. Bấy nhiêu đó thôi cũng khiến mẹ yên lòng.

Đối với các mẹ được truy tặng, dù qua đời nhưng người thân vẫn cảm thấy rất vinh dự. Ông Tô Phước Ngọc, ngụ thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc cho biết: "Tôi là cháu nội của Mẹ VNAH Trần Thị Thôi (có 2 con là liệt sĩ). Dù bà nội tôi đã mất nhưng chắc hẳn sẽ ấm lòng khi nhận được danh hiệu này. Chúng tôi nguyện tiếp nối truyền thống gia đình và giáo dục con cháu sống có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước".


Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Văn Liên trao danh hiệu cao quý cho các mẹ

Từ tháng 12/1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã phong, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” cho trên 44.200 bà mẹ. Trong số này, Long An có trên 1.800 mẹ được phong, truy tặng. Ngày 22/5/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP. Nghị định này mở rộng đối tượng được xét tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.

Theo nghị định này, Long An có 3.080 bà mẹ được phong, truy tặng; nâng tổng số Bà mẹ VNAH trong toàn tỉnh hiện nay lên 4.926 mẹ. Hiện có 301 mẹ còn sống, 4.625 mẹ từ trần.

Trong 7 mẹ được phong tặng lần này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh phân công các, sở, ngành, đoàn thể,... nhận phụng dưỡng đến suốt đời.

(nguồn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Tại Long An, tổng số mẹ được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước đợt 7/2016 này là 253 (7 mẹ được phong tặng và 246 mẹ được truy tặng). Trong số các mẹ được truy tặng, có 1 mẹ có người con duy nhất là liệt sĩ; 1 mẹ có chồng và 2 con là liệt sĩ; 76 mẹ có chồng và 1 con là liệt sĩ; 166 mẹ có 2 con là liệt sĩ; đặc biệt, có 2 mẹ bản thân là liệt sĩ, đồng thời có 1 con là liệt sĩ. Đó là mẹ Đặng Thị Tiệm (sinh năm 1914), quê ở xã Tân Phú, huyện Đức Hòa và mẹ Huỳnh Thị Kiểng (sinh năm 1911), quê ở xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ. Địa phương có số mẹ được phong, truy tặng nhiều nhất đợt này là huyện Cần Đước với 54 mẹ (truy tặng); Đức Hòa 50 mẹ (3 phong tặng, 47 truy tặng); Cần Giuộc 46 mẹ được truy tặng;...

Trong số 7 mẹ được phong tặng lần này đều có chồng và 1 con là liệt sĩ. Hầu hết các mẹ đều tuổi cao, sức yếu. Mẹ có tuổi cao nhất là mẹ Võ Thị Thơ (sinh năm 1913), hiện ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa. Mẹ có chồng là liệt sĩ Lê Văn Quê và con là liệt sĩ Lê Văn Xây.

Trong số 246 mẹ được truy tặng lần này, mẹ có tuổi cao nhất là Huỳnh Thị Lồng (sinh năm 1866), ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. Mẹ Lồng có 2 con là liệt sĩ Trần Văn Lưới và Trần Văn Thương. Mẹ có tuổi thấp nhất là mẹ Nguyễn Thị Anh (sinh năm 1942), ngụ xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Mẹ Nguyễn Thị Anh có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Cấn và con là liệt sĩ Ngô Văn Lập.

Đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ VNAH", thoáng trên khóe mắt của các mẹ và người thân rưng rưng giọt nước mắt. Đó là những giọt nước mắt thương nhớ những người thân anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn và thể hiện lòng biết ơn Đảng, Chính phủ.


Chăm lo cho thân nhân gia đình các mẹ

Theo Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo, tuổi trẻ Long An luôn phát huy truyền thống anh hùng của cha anh, ra sức phấn đấu học tập và xây dựng quê hương. Không những vậy, các bạn đoàn viên, thanh niên còn có nhiều mô hình, việc làm ý nghĩa như nhận phụng dưỡng, chăm sóc, thăm hỏi các mẹ cũng như gia đình thương binh, liệt sĩ vào những ngày lễ, Tết Cổ truyền của dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho rằng, những năm qua, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An dành sự quan tâm đặc biệt đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Những Bà mẹ VNAH còn sống không chỉ được phụng dưỡng mà còn được các cơ quan, ban, ngành tỉnh và địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, việc làm đó còn quá nhỏ bé so với sự hy sinh, mất mát của các mẹ. Vì vậy, ông đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan,... và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chăm lo nhiều hơn nữa cho các gia đình chính sách; đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; tích cực giải quyết các tồn đọng sau chiến tranh, chính sách hậu phương quân đội và xem đó là trách nhiệm, lương tâm, đạo lý, nhân văn cao đẹp.

Trong chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết quả thật quá mong manh, xin các mẹ nén đau thương để tự hào rằng, chồng, con của các mẹ góp phần rất to lớn cho đất nước, quê hương. Chúc các mẹ sống vui, sống khỏe, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết