Cá bố mẹ được chọn nuôi vỗ thành thục sinh dục có điều kiện ngoại hình tốt, không dị tật, trọng lượng dao động từ 0,7 - 1 kg/con, tương ứng với tuổi cá nuôi từ 8 - 10 tháng
Một trong những nguyên nhân khiến việc nuôi cá thất bại, đó là do đa số người dân mua cá giống từ nơi khác về, không rõ nguồn gốc giống loài, chất lượng không tốt, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế.
Nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào nuôi cá lóc tiếp tục phát triển, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học & Công nghệ (thuộc Sở Khoa học & Công nghệ Long An) triển khai “Xây dựng mô hình sản xuất giống cá lóc quy mô nông hộ tại huyện Tân Thạnh”, giúp cho 3 hộ nuôi mẫu nắm vững quy trình kỹ thuật, chủ động sản xuất và cung cấp con giống chất lượng tốt cho người nuôi cá lóc thương phẩm trong vùng.
Nguồn cá lóc phục vụ đề tài được thu mua có chọn lọc từ các ao, bè nuôi cá thương phẩm ở các huyện Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Cá được mua từ nhiều nguồn khác nhau để tránh hiện tượng đồng huyết. Cá bố mẹ được chọn nuôi vỗ thành thục sinh dục có điều kiện ngoại hình tốt, không dị tật, trọng lượng dao động từ 0,7 - 1 kg/con, tương ứng với tuổi cá nuôi từ 8 - 10 tháng.
Sau khi thu mua, cá được chuyển về nuôi vỗ thành thục trong vèo đặt trong ao đất, nhằm tạo cho cá không gian gần gũi tự nhiên, giúp việc sinh sản của cá được thuận lợi hơn. Vèo được làm bằng lưới thái, dài 50m, rộng 20m, và cao 3m. Mật độ thả nuôi vỗ 3-4 con/m2. Thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi vỗ thành thục là cá tạp nước ngọt, khẩu phần ăn dao động từ 5 - 7 %/trọng lượng thân/ngày. Thiết lập hệ thống ống nước xung quanh vèo. Dùng moter điện bơm nước phun mưa nhân tạo. Hàng ngày phun mưa nhân tạo từ 1 - 2 giờ để kích thích cá bố mẹ thành thục tốt.
Vèo được làm bằng lưới thái, dài 50m, rộng 20m, và cao 3m
Nông dân tham gia xây dựng mô hình được ban chủ nhiệm đề tài hướng dẫn kỹ thuật cho cá sinh sản nhân tạo như: kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ, kỹ thuật làm tổ, chuẩn bị vèo cho cá đẻ, kỹ thuật thăm trứng,… Đề tài được thực hiện từ tháng 12/2015 và đến nay, Ban Chủ nhiệm đề tài đã xây dựng được 1 mô hình nuôi vỗ cá bố mẹ và 3 mô hình sinh sản cá lóc nhân tạo, ở 3 hộ dân tại xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh.
Ông Lê Xuân Hết - 1 trong 3 nông dân tham gia mô hình “Xây dựng mô hình sản xuất giống cá lóc quy mô nông hộ tại huyện Tân Thạnh” cho biết: “Tôi rất thích nuôi cá lóc vì chi phí đầu tư cho nó không nhiều và cũng tạo được nguồn thu nhập khá cho gia đình. Nhưng lâu nay cá lóc lại không đảm bảo, đôi khi cá bệnh chết sạch mà mình không biết lí do tại sao. Nay phía Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học & Công nghệ xây dựng đề tài, chúng tôi được hướng dẫn cho cá lóc sinh sản, được hỗ trợ vôi, lưới, thức ăn và cả thuốc cho cá. Bây giờ, chúng tôi đã có thể tự sản xuất cá lóc ở gia đình để mà nuôi, nông dân chúng tôi mừng lắm”.
Sản xuất cá lóc tương đối đơn giản, nhưng từ trước đến nay, hầu như chưa có nông dân nào nghĩ đến tự cung, tự cấp. Đề tài được triển khai đã giải quyết phần lớn câu hỏi: Mua giống ở đâu để có chất lượng tốt và những lúc khan giống thì phải làm thế nào? Nếu được tập huấn, mỗi hộ dân đều có thể thực hiện nuôi cá lóc sinh sản để cung cấp tại chỗ, vừa đảm bảo chất lượng, lại có thể tăng thu nhập cải thiện cuộc sống.
Chia sẻ về hướng phát triển mô hình trong thời gian tới, kỹ sư Phạm Thanh Dung – Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức Hội thảo để giới thiệu về quy trình sản xuất cá lóc mà chúng tôi đang thực hiện để nhiều bà con nông dân biết đến. Ở mỗi hộ nông dân nuôi thử nghiệm, sau khi cá mẹ sinh sản những lứa đầu tiên thì chúng tôi sẽ thu lại cá bố mẹ để tiếp tục sinh sản cá giống cho hộ nông dân khác. Sau tập huấn nếu bà con nông dân nào còn thắc mắc thì chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để bà con có thể tự sản xuất cá giống và nhân rộng mô hình”.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất giống cá lóc quy mô nông hộ tạo điều kiện cho các hộ nuôi nắm vững quy trình công nghệ sản xuất giống cá lóc, tạo ra con giống có chất lượng tốt, cung cấp cho các mô hình nuôi cá thương phẩm, góp phần nâng cao tỉ lệ sống, năng suất đồng thời hạ giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận cho người chăn nuôi,… là hoạt động nghiên cứu ứng dụng cần thiết và có ý nghĩa xã hội rất lớn, vì thế luôn được người dân đồng tình ủng hộ./.
Mỹ Yến