Tiếng Việt | English

12/10/2016 - 10:40

Lòng thành kính dâng Ông Nguyễn

Ông Nguyễn là tiếng tôn kính của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Theo tư liệu công bố trên Tạp chí Xưa&Nay (số tháng 10/2009) - cơ quan của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thì Ông Nguyễn lấy tên Nguyễn Trung Trực sau khi đốt chiến hạm Espérance của Pháp. Cụ nội ông là Nguyễn Văn Đạo, ngư dân Xóm Lưới ở vùng biển nay thuộc thôn Vĩnh Hội, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Cuối thế kỷ XVIII, cụ Đạo và em trai là Nguyễn Văn Chong vào lập nghiệp tại hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, vùng đất nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.


Bia tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Ảnh: Thùy Hương

Khi vào đất này, gia đình ông cũng làm nghề chài lưới, về sau, nơi đây được mệnh danh là Xóm Nghề. Hiện phần đất hương hỏa của hậu duệ Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề vẫn còn con rạch mang tên rạch Ông Thắng (Thăng-Nguyễn Văn Thăng - đọc trại ra Thắng) hoặc Nguyễn Văn Phụng (tên cha đẻ của Nguyễn Trung Trực). Chính vì gốc dân Bình Định có truyền thống võ nghệ và rất đề cao tinh thần võ đạo mà gia đình đã hun đúc nên tính cách anh hùng của Nguyễn Trung Trực.

Tháng 2/1859, quân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định, Nguyễn Văn Lịch hay Chơn (tên gọi ở nhà của Nguyễn Trung Trực) ứng nghĩa, chiêu mộ quân lính tham gia bảo vệ Đại đồn Chí Hòa dưới quyền chỉ huy của Trương Định. Nhờ lập được nhiều chiến công qua các trận đánh ở Gia Định, Biên Hòa, mà người dân chài này sớm được triều Nguyễn phong chức Quản cơ, rồi Lãnh binh, rồi Hà Tiên thành Thủ úy.


Tượng đài Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang. Ảnh: Internet

Từng đánh chiếm và làm chủ tỉnh Rạch Giá rồi bị Pháp tập trung lực lượng phản công, quân ít thế cô, ông Nguyễn rút ra Hòn Chông (đảo Phú Quốc) lập căn cứ đánh Pháp cho tới lúc thế cùng lực kiệt, bị rơi vào tay giặc và ông Nguyễn bị lên máy chém vào ngày 27/10/1868 tại chợ Rạch Giá, lúc đó, ông 31 tuổi. Ngay khi rơi vào tay giặc Pháp, Ông Nguyễn còn dõng dạc nói một câu bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

Đến với lễ giỗ Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang đều nghe mọi người tôn kính gọi Ông Nguyễn chứ không bao giờ gọi Nguyễn Trung Trực và vào ngày ngày này thường có 30-40 vạn người về dâng hương, dâng hoa cúng ông. 

Còn nhớ năm ấy, Huyện ủy, UBND huyện Tân Trụ có cử một đoàn đại biểu đi dự lễ giỗ Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang. Đoàn mang theo di vật là mảnh gỗ của xác tàu Espérance bọc trong tấm vải điều. Khi vừa tới chợ Rạch Giá, dưới tượng đài ông, toàn Ban cúng tế đình Nguyễn Trung Trực với áo thụng, khăn đóng, cờ phướn, lọng che nghiêm trang đón rước. Chiêng trống vang rền. Bọc vải điều đựng di vật được đặt trên kiệu hoa đi đầu đưa vào dưới trướng Ông Nguyễn trong ngôi đình trước khi diễn ra cúng tế theo nghi thức cổ truyền.


Khách thập phương về dự lễ giỗ Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang. Ảnh: Internet

Hiện nay, tại quê gốc Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Bình Định, dưới chân dãy núi Bà hùng vĩ dài hơn 30km có đường nhựa lớn chạy suốt chân núi và mé biển từ TP.Quy Nhơn đến tận cửa biển Đề Gi. Tại xã Cát Tiến quê gốc ông có chùa lớn Linh Phong nằm ở lưng chừng núi với cảnh trí thâm u, thơ mộng. Gần đó là bãi tắm biển Trung Lương cát trắng, nước trong, thật là một nơi du lịch và đáng cho con cháu Ông Nguyễn hành hương về cội nguồn quê cha đất tổ… /.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết