Dù đã hết tuần thứ nhất của tháng 12 nhưng nhiều nông dân tại tỉnh Tiền Giang vẫn bất chấp rủi ro xâm nhập mặn xuống giống lúa vụ 3 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
"Giá lúa chưa năm nào cao như thế. Nếu không gieo sạ, để đất trống thì tiếc không chịu nổi nên mình cứ làm, năm ăn năm thua" - bà Út Lan, một nông dân tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, nói.
Nhanh chóng làm vụ 3 vì giá lúa cao
Những ngày đầu tháng 12, bà Út Lan sốt ruột đứng cạnh ruộng lúa 4 công của gia đình chờ máy cắt liên hợp đến để thu hoạch. "Mấy ngày này nhà nào cũng muốn cắt sớm để quay lại xới đất sạ giống vụ mới nên khó kêu máy lắm", bà Út Lan cho biết.
Bà cũng cho biết vụ thu đông năm nay, gia đình bà gieo sạ giống lúa Hương Châu 6. Cách đây vài hôm, thương lái đến coi lúa và ra giá 8.600 đồng/kg. Đây là mức giá cao chưa từng có.
Trước đó khoảng một tuần, gia đình con trai bà Út Lan cũng vừa thu hoạch xong 4 công lúa VD 20, bán được với giá 9.500 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, mỗi công ruộng mang lại lợi nhuận khoảng gần 4 triệu đồng, tăng khoảng 1,5 triệu đồng so với mức bình quân.
Nhờ giá lúa tốt nên năm nay hầu hết nông dân trồng lúa đều có lợi nhuận cao hơn hẳn những năm trước.
Theo ghi nhận, giá các loại lúa tại các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang như Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công, trong vụ thu đông đang ở mức rất cao. Cụ thể, lúa OM 5451 có giá 8.400 đồng/kg, Đài Thơm 8 và Hương Châu 6 có giá 8.600 đồng/kg, ST25 từ 9.200 - 9.400 đồng/kg, VD20 hơn 9.500 đồng/kg.
Cách ruộng bà Út Lan không xa, ông Nguyễn Văn Nghề (65 tuổi, ngụ xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây) cũng vừa thu hoạch xong 4 công lúa vụ thu đông và đang chuẩn bị sạ tiếp vụ đông xuân.
Ông Nghề cho biết dù biết có nhiều rủi ro nhưng với giá lúa cao như hiện nay, hầu hết người dân đều chọn xuống giống vụ đông xuân với hy vọng nước mặn sẽ lên trễ hơn các năm, hoặc nếu mặn có lên sớm thì sẽ lấy gạn nước ngọt qua cống Xuân Hòa, huyện Chợ Gạo.
"Gia đình tui chọn lúa Đài Thơm 8, khoảng 95 ngày là thu hoạch được. Giống lúa này ngắn ngày hơn nên sẽ ít rủi ro "dính" mặn", ông Nghề chia sẻ.
Theo dõi diễn biến hạn mặn để báo động cho người dân
Để tránh rủi ro nếu xảy ra tình trạng xâm nhập mặn sớm, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã vận động người dân cắt vụ lúa thu đông, tập trung sạ vụ đông xuân. Trường hợp nếu đã sạ vụ thu đông rồi thì không xuống giống vụ đông xuân nữa.
Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ để ứng phó với hạn mặn cho khu vực phía đông của tỉnh Tiền Giang trong những năm qua.
Tuy nhiên, nông dân các huyện, thị xã vùng phía đông của tỉnh vẫn xuống giống vụ thu đông và ngay sau khi thu hoạch thì họ quay lại sạ giống vụ đông xuân.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết dự báo mặn năm nay đến sớm hơn trung bình nhiều năm nên sở đã có nhiều văn bản khuyến cáo nông dân xuống giống vụ đông xuân đúng lịch, đúng thời vụ. "Do giá lúa tăng cao nên người dân không tuân thủ lịch thời vụ đưa ra", ông Mẫn cho biết.
Hiện nay dù đã kết thúc tuần đầu tiên của tháng 12 nhưng nhiều nông dân tại vùng ngọt hóa Gò Công vẫn tiếp tục xuống giống vụ đông xuân.
Tương tự, tại một số huyện của tỉnh Bến Tre như Ba Tri và Giồng Trôm, nông dân cũng xuống giống vụ đông xuân bất chấp những rủi ro về hạn mặn.
Ông Võ Văn Nam, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, nhìn nhận dù đã khuyến cáo nông dân xuống giống đúng thời vụ nhưng nhiều người vẫn bất chấp rủi ro. Thống kê sơ bộ hiện Bến Tre có khoảng 5.000ha lúa đông xuân xuống giống trong đợt vừa rồi.
"Nông dân thấy giá lúa tốt nên họ làm bất chấp. Bây giờ ngành chức năng sẽ theo dõi diễn biến nước mặn như thế nào để kịp cảnh báo cho người dân mà thôi", ông Nam nói.
Kiên Giang khuyến cáo gieo sạ lúa đông xuân sớm để né mặn
Sở NN&PTNT tỉnh cho biết kế hoạch gieo sạ lúa đông xuân 2023 - 2024 ở tỉnh Kiên Giang khoảng 281.000ha. Vùng U Minh Thượng, An Biên, An Minh nhiễm mặn nên gieo sạ lúa - tôm; các vùng Tứ giác Long Xuyên và tây sông Hậu, người dân nên gieo sạ sớm hơn 15 ngày đến một tháng và chọn giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày để đảm bảo năng suất mùa vụ.
UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành và địa phương vận hành các hệ thống cống ở TP Rạch Giá, Châu Thành để trữ ngọt và ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Cái Sắn, kênh Rạch Giá - Long Xuyên; vận hành cống Ba Hòn và đẩy nhanh tiến độ sửa chữa cống Hà Giang (huyện Giang Thành).
Các đơn vị liên quan phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành hợp lý cống Cái Lớn - Cái Bé và cống Xẻo Rô, gia cố và đắp mới 45 đập ngăn mặn theo thời vụ./.
|
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/lua-co-gia-cao-nong-dan-mien-tay-lieu-xuong-giong-vu-3-du-han-man-de-doa-20231208230238598.htm