Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Lo ngại về logistics (kho vận), theo lãnh đạo Bộ Công Thương, chi phí vận chuyển một con tôm từ đồng bằng sông Cửu Long lên biên giới phía Bắc còn cao hơn từ Ecuador về Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã có một ví dụ thực tế rất dễ hiểu về năng lực của ngành kho vận Việt Nam, nhân “Hội nghị triển khai kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025,” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 6/3, tại Hà Nội.
Chi phí trong nước cao gần gấp đôi
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, logistic hiện đóng vai trò hết sức quan trọng với sức cạnh tranh của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh thêm đến sức cạnh tranh của ngành này khi cho rằng, cùng một mặt hàng, các doanh nghiệp có thể sản xuất với chất lượng và giá cả tương đương nhau, nhưng ưu thế cạnh tranh lại chính là ở logistics.
Ông Khánh cho hay, ở các quốc gia phát triển thì chi phí logistics chỉ chiếm khoảng từ 10- 20% GDP còn tại Việt Nam, chi phí này có thể lên tới trên 20% GDP, nghĩa là cao gần gấp đôi.
Nguyên nhân theo lãnh đạo Bộ Công Thương là do sự hệ thống logistics vẫn chưa phát triển đều trên tất cả các địa phương, mới chỉ tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh trong khi tại nhiều nơi như Đồng bằng Sông Cửu Long được coi là vựa lúa, vựa thủy sản lớn nhất đất nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển.
Chế biến mặt hàng tôm xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
“Với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 lên tới 300 tỷ USD và dự báo mức tăng trưởng có thể từ 8-10% đều đặn trong những năm tới sẽ là điều kiện để đưa logistics lên tầm cao mới,” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Đưa logistics lên tầm cao mới
Hiện cả nước có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực logistics, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là doanh nghiệp 100% vốn trong nước.
Tuy vậy, theo lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu, dù chiếm số đông nhưng 80% doanh thu từ lĩnh vực này lại rơi vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Những yếu kém trên, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu là do doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là vừa và nhỏ, lại nằm phân tán và thiếu sự liên kết, do vậy sức cạnh tranh trong lĩnh vực logistics còn yếu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tham gia tại thị trường Việt Nam là những doanh nghiệp rất lớn, có sự liên kết trên toàn thế giới và đang áp đảo về thị phần trong lĩnh vực logistics.
Trước thực tế trên, để tạo động lực mới và đưa ngành logistics của Việt Nam lên tầm cao mới, theo ông Hải, ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Điểm nhấn của kế hoạch này sẽ tạo ra nhiều hành lang pháp lý hơn cho hoạt động logistics, trong đó có cả kế hoạch tích hợp hệ thống logistics vào các ngành sản xuất.
Cụ thể, Kế hoạch hành động này sẽ tập trung vào việc hỗ trợ khung pháp lý, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và bồi dưỡng cho các doanh nghiệp vươn lên, bắt kịp với hoạt động xuất nhập khẩu...
“Kế hoạch hành động này quan tâm đến việc làm sao có được những doanh nghiệp đầu tàu, đầu tư vào logistic để tạo ra làn sóng, tạo ra sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp với hoạt động này,” ông Hải cho hay./.
Theo TTXVN