Các cụ già neo đơn cùng kể cho nhau nghe quãng đời đã qua và trong câu chuyện của họ đều nặng tâm sự, nhưng ai cũng cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi có chỗ nương tựa đến cuối đời
Những trái tim yêu thương
Không phải người già nào cũng có gia đình, người thân ở bên cạnh chăm sóc, thậm chí có người bị chính con mình bạo hành như trường hợp một cụ già tại xã Long Hòa, huyện Cần Đước, mà khi nhắc đến, ai cũng xót xa. Tuy nhiên, vẫn có những người sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ các cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Họ làm việc bằng chính trái tim yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia với các mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.
Ông Phan Văn Hạnh (đại diện Mái ấm tình người Đức Ái) cho biết: “Mái ấm do tôi và chị Lê Thị Kính thành lập cách đây 11 năm. Ban đầu chỉ là căn nhà sàn nhỏ nhận nuôi 3 cụ già tật nguyền. Sau đó, nhiều cụ già có hoàn cảnh khó khăn biết đến mái ấm và xin vào nương tựa. Hiện nay, mái ấm cưu mang 22 cụ già neo đơn từ 62-96 tuổi, hầu hết các cụ đều rất yếu, sinh hoạt cá nhân đều cần người khác giúp đỡ”.
Các cụ già còn khỏe chủ động hỗ trợ mái ấm dọn dẹp vệ sinh, nấu ăn và chăm sóc các cụ già yếu hơn
Để chăm sóc 22 cụ già cần đến 5-7 người. Khi các cụ tìm đến mái ấm ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc nguồn kinh phí duy trì các hoạt động càng tăng, nhất là khi các cụ thường xuyên đau ốm phải chạy chữa thuốc men và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Song, tất cả khó khăn đó cũng chẳng dập tắt được ngọn lửa trong trái tim yêu thương của bà Kính, ông Hạnh dành cho những mảnh đời bất hạnh.
Bà Kính đã qua đời hơn 1 năm qua, ông Hạnh và những tình nguyện viên ở mái ấm vẫn viết tiếp câu chuyện thấm đậm tình người. Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai trải lòng: “Thông qua cô Kính, tôi biết được Long An có mái ấm cưu mang các cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Ban đầu, tôi dự định đến đây hỗ trợ nấu ăn cho các cụ già 2 tuần rồi về. Vậy mà đến nay, tôi gắn bó với mái ấm hơn 4 năm. Ở đây, tôi không chỉ nấu ăn, giúp các cụ việc vệ sinh cá nhân. Tôi xem đây như mái nhà thứ 2 của mình”.
Ông Hạnh hỏi thăm, động viên sức khỏe người già đang được nuôi dưỡng tại mái ấm
Chăm lo đến cuối đời
Chính trái tim nhân ái, sự sẻ chia của ông Hạnh, bà Kính, bà Mai đã kết nối được nhiều nhà hảo tâm đến đóng góp vật chất chăm lo cho người già neo đơn tại mái ấm. Hiện nay, mái ấm được xây dựng trong khuôn viên gần 3.000m2, trong đó gồm 8 phòng ngủ, 1 nhà bếp, 1 phòng y tế, 1 phòng khách. Khuôn viên rất sạch sẽ, thoáng mát, được bố trí nhiều cây xanh. Sinh hoạt của các cụ từ 5-19 giờ với 3 bữa ăn chính. Ban Đại diện khuyến khích các cụ thường xuyên tập luyện thể dục để rèn luyện sức khỏe. Các cụ khỏe thì hỗ trợ chăm sóc các cụ yếu hơn.
Không chỉ quan tâm về vật chất, mái ấm còn chăm lo tốt đời sống tinh thần cho các cụ. Mỗi cụ đến với mái ấm có một hoàn cảnh khác nhưng hầu hết đều xuất thân từ những gia đình khó khăn, neo đơn, không người nuôi dưỡng. Bà Nguyễn Thị Phi Long (quê TP.HCM) chia sẻ: “Tôi vào mái ấm được hơn 9 năm. Ở đây, Ban Đại diện mái ấm chăm sóc chẳng khác nào người thân trong gia đình. Giờ đây, tôi xem nơi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình”.
Có đến mái ấm mới thấy được sự quan tâm, chăm sóc của các tình nguyện viên cho các mảnh đời bất hạnh. Đó là hình ảnh các cụ còn khỏe hay tình nguyện viên kiên nhẫn, tỉ mỉ chăm từng muỗng cơm, cháo cho các cụ già yếu. Mái ấm chính là nơi những tâm hồn bị tổn thương cùng nương tựa, sưởi ấm cho nhau trong những tháng năm còn lại của cuộc đời. Ông Lương Văn Sâm (quê Bình Dương) nói: “Không có mái ấm này chắc tôi chết lâu rồi. Lúc chưa vào mái ấm, tôi bệnh không có tiền chữa trị, thậm chí cả ngày không có gì để ăn. Giờ vào đây, tôi được chăm sóc chu đáo lắm!”.
Ở mái ấm lúc nào cũng có tiếng xe lăn, tiếng bước chân đi tập tễnh hay hình ảnh các cụ quây quần kể cho nhau nghe quãng đời sóng gió từng trải qua. Và trong câu chuyện của họ đều nặng tâm sự nhưng ai cũng cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi có chỗ nương tựa đến cuối đời./.
Lê Ngọc