Thời tiết ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Giáp Thìn trên cả nước cơ bản thuận lợi - Ảnh: NAM TRẦN
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Giáp Thìn trên cả nước cơ bản thuận lợi, ở miền Bắc và miền Trung chỉ có mưa vài nơi, sương mù vào đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng. Còn ở các tỉnh phía Nam phổ biến ít mưa, ngày nắng, nhưng cần đề phòng triều cường và xâm nhập mặn.
Tiền Giang: Mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền hơn 50km
Ở Bắc Bộ: Có mưa vài nơi, sáng có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều hửng nắng. Đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ cao nhất 23 - 26 độ C, riêng khu vực phía Tây Bắc Bộ có nơi trên 26 độ C. Nhiệt độ thấp nhất 14 - 19 độ C, vùng núi có nơi dưới 14 độ C.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế: Có mưa vài nơi, sáng có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều hửng nắng. Đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ cao nhất 23 - 26 độ C, có nơi trên 26 độ C. Nhiệt độ thấp nhất 16 - 19 độ C.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận: Phía Bắc có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Phía Nam ít mưa, ngày trời nắng. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 24 - 27 độ C, phía Nam 28 - 31 độ C, có nơi trên 31 độ C. Nhiệt độ thấp nhất phía Bắc 19 - 22 độ C, phía Nam 23 - 25 độ C.
Khu vực Tây Nguyên: Ít mưa, ngày trời nắng. Nhiệt độ cao nhất 27 - 30 độ C, có nơi trên 30 độ C. Nhiệt độ thấp nhất 15 - 19 độ C.
Khu vực Nam Bộ: Ít mưa, ngày trời nắng, riêng miền Đông Nam Bộ có nơi nắng nóng. Nhiệt độ cao nhất 32 - 35 độ C, miền Đông có nơi trên 35 độ C. Nhiệt độ thấp nhất 21 - 25 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay và ngày mai mực nước tại ven biển phía Đông Nam Bộ ở mức cao, độ cao lớn nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,25m.
"Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với gió mạnh, sóng lớn, các vùng trũng, thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng trong khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông ở khu vực phía Đông Nam Bộ" - cơ quan khí tượng cảnh báo.
Miền Tây ngập nặng đầu năm Giáp Thìn
Ông Phùng Tiến Dũng - trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết từ nay đến 20-2, mực nước triều tại trạm Rạch Giá (Kiên Giang) dao động ở mức thấp, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 25 - 35cm, thời gian xuất hiện trong khoảng 6h đến 8h hằng ngày.
Theo ông Dũng, từ nay đến 20-2, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng dần tới giữa tuần sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 2-2023.
Dự báo chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính ở Đồng bằng sông Cửu Long vào sâu từ 25 đến 60km.
Cụ thể, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây xâm nhập mặn vào sâu 50 - 60km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 32 - 37km; sông Hàm Luông từ 35 - 42km; sông Cổ Chiên từ 45 - 52km; sông Hậu từ 50 - 57km; sông Cái Lớn từ 25 - 32km.
"Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh" - ông Dũng khuyến cáo.
Theo ghi nhận, trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 nhiều khu vực tại một số tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre… bị ngập nặng.
Tại Bến Tre, nhiều tuyến đường tại huyện Mỏ Cày Nam, huyện Giồng Trôm bị ngập nặng. Theo người dân địa phương, từ ngày mùng 1 Tết, triều cường bắt đầu dâng cao, tràn qua các đê bao gây ngập úng vườn cây ăn trái.
Tương tự, tại huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cũng có một số khu vực nước tràn vào nhà dân. Không chỉ gây ngập úng vườn cây ăn trái, tình trạng triều cường dâng cao còn ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, khu vực ngã ba Trung Lương liên tiếp xảy ra ngập nặng gây khó khăn cho xe cộ qua lại. Đặc biệt, do lượng xe trên các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 60 tăng cao trong những ngày qua cộng với tình trạng ngập do triều cường tại khu vực vòng xoay Trung Lương nên đã xảy ra nhiều vụ kẹt xe cục bộ.
Trước tình trạng trên, đài khí tượng các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang đã đưa ra cảnh báo ngập lụt. Theo đó, Đài khí tượng thủy văn Bến Tre đưa ra cảnh báo về khả năng gây ngập úng, sạt lở do triều cường kết hợp gió đông bắc và các tác nhân khác tại các khu vực trũng thấp, khu vực đê bao yếu, ngoài đê bao, khu vực cồn, cù lao, vùng ven sông rạch, ven biển./.
Xâm nhập mặn ở miền Tây tập trung từ nay đến tháng 4
Dự báo xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020.
Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và 3-2024 (từ 10 đến 13-2, từ 22 đến 27-2, từ 7 đến 12-3). Các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4-2024 (từ 7 đến 12-3, từ 22 đến 27-3, từ 7 đến 12-4 và từ 21 đến 26-4).
Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
|
Theo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/mien-bac-suong-mu-sang-som-mien-nam-de-phong-trieu-cuong-xam-nhap-man-20240212171016624.htm