Gia đình bà Nguyễn Thị Lợi, xã Thường Thới Hậu A, đánh bắt thủy sản trên cánh đồng xả lũ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Đ.TUYẾT)
Đặc biệt, mưa lớn xuất hiện ở một số khu vực Chiang Saen, Nakhon Phanom (Thái Lan), Thakhek, Savannakhet (Lào), Kratie, Sesan (Campuchia).
Với tình hình mưa bão cộng với việc xả lũ các đập thủy điện ở thượng nguồn, nhiều chuyên gia dự báo trong thời gian tới mực nước trên sông Cửu Long sẽ lên nhanh và cao hơn những năm trước.
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ ngày 16/9 tại các xã đầu nguồn huyện Hồng Ngự như xã Bình Thạnh, xã Thường Lạc, xã Thường Thới Hậu A thuộc vùng đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, nhiều cánh đồng đã có nước, người dân địa phương hối hả ra đồng đặt dớn, giăng lưới đánh bắt thủy sản.
Ông Lê Hoàng Long, chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh, cho biết mực nước trên đồng tuần qua tương đối thấp, hai ngày nay có mưa nhưng không làm mực nước trên đồng tăng.
"Chúng tôi cũng nhận được khuyến cáo của ngành nông nghiệp là trong vài ngày tới sẽ có mưa nhiều, nước từ đầu nguồn về nhiều để sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với các nguy cơ", ông Long nói.
Ông Nguyễn Phước Thiện, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, yêu cầu các đơn vị tập trung theo dõi diễn biến lũ, kiên quyết không cho phương tiện giao thông thủy xuất bến khi có tình huống thiên tai nguy hiểm; nghiêm cấm xây dựng các công trình, kho tàng, nhà ở, lán trại dọc bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở.
Đồng thời tỉnh Đồng Tháp còn giao các huyện đầu nguồn Hồng Ngự, Thanh Bình, Tân Hồng triển khai nhanh các dự án di dân, tái định cư trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở cao vào các tuyến dân cư di dân tập trung.
Trong khi đó, UBND tỉnh Vĩnh Long và An Giang cũng đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, TP chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ, triều cường, mưa lớn, dông lốc, sạt lở bờ sông.
Xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra...
Các ngành chức năng của Vĩnh Long cũng đang yêu cầu theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng chống thiên tai từ sớm, từ xa và chủ động khắc phục hậu quả.
Chỉ đạo gia cố, duy tu sửa chữa các tuyến đê bao ngăn lũ, triều cường, quản lý chặt chẽ hệ thống cống, bộng dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch, nhất là đối với vùng nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái.../.
Mực nước lũ Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cao hơn, nhưng không nên quá lo lắng
PGS.TS Lê Anh Tuấn thuộc Trường đại học Cần Thơ cho rằng với tình hình mưa bão cộng với việc xả lũ các đập thủy điện ở thượng nguồn, trong thời gian tới mực nước Đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ cao hơn những năm trước.
Ông cho biết: "Theo tôi, chúng ta không nên quá lo lắng mà ngược lại đây là điều đáng mừng cho Đồng bằng sông Cửu Long vì nhiều năm qua chỉ có lũ thấp hoặc trung bình, năm nay hy vọng lũ khá hơn, sẽ có tác động rất tốt cho môi trường sinh thái và mang lại nguồn thủy sản tôm cá cho cuộc sống người dân.
Tuy nhiên cũng cần tiếp tục theo dõi diễn biến thủy văn đầu nguồn để chủ động nơi nào có nguy cơ bị ngập úng thì có giải pháp ứng phó phù hợp như di chuyển đồ vật, tài sản lên chỗ cao hoặc chú ý bảo vệ tính mạng con người, đặc biệt là trẻ em, ở vùng bị ngập".
|
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/mien-tay-cho-don-mua-nuoc-noi-20240916223306074.htm