Sáng 7-10, tại Hà Nội, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường cho gạo Việt sạch và nông sản an toàn hữu cơ” nhằm đáp ứng xu hướng mới của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Mất dần thị phần
Từ thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, gạo Việt đang mất dần thị phần bởi bị cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 9-2016, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 396.000 tấn, trị giá 176 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu gạo 9 tháng ước đạt 3,76 triệu tấn, trị giá 1,69 tỉ USD - giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Gạo Việt ngày càng yếu thế trên thương trường Ảnh: Ngọc Trinh
Không chỉ giảm về chất lượng và số lượng, gạo Việt còn phải đối mặt nguy cơ bị Mỹ “cấm cửa” do bị phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Theo ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối - từ đầu năm đến nay, nhiều lô gạo xuất khẩu sang Mỹ đã bị trả về do dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định của nước nhập khẩu. Tình trạng này cũng xảy ra ở một số thị trường khác. Ông Đô cảnh báo nếu tình trạng này không được cải thiện, gạo Việt có nguy cơ bị mất thị trường Mỹ.
Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong nhiều năm qua, đặc biệt là 2016, rất nhiều lô hàng gạo thơm xuất khẩu đã bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, hàng loạt thương hiệu gạo của Campuchia, Thái Lan đang tràn ngập thị trường trong nước.
Còn làm tự phát thì chẳng thể có thương hiệu
GS Võ Tòng Xuân, Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng gạo Việt cạnh tranh kém là do sản lượng lớn nhưng giá thành cao, chất lượng kém. Bên cạnh đó, kỹ thuật tụt hậu và lạm dụng hóa chất trong canh tác, cộng với môi trường kinh doanh manh mún, không tập hợp được liên minh sản xuất theo chuỗi đã làm cho gạo Việt thất thế trên thương trường.
“Trong nước, gạo Việt phần lớn không nhãn mác và nguồn gốc nên bị gạo có nhãn hiệu của Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản lấn lướt. Còn xuất khẩu, gạo Việt chủ yếu theo hợp đồng chính phủ, mang nhãn hiệu của khách hàng” - GS Xuân phân tích.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sang Singapore, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, thừa nhận phải mất 3 năm tìm hiểu luật pháp, gu tiêu dùng, thị trường mới đưa được gạo sang thị trường này. “Người Singapore thích dùng gạo cũ, ít dẻo - loại không được ưa chuộng ở Việt Nam. Do đó, nắm bắt được gu tiêu dùng là rất quan trọng” - ông Thiện nhận xét.
Để gạo Việt phát triển bền vững, GS Võ Tòng Xuân gợi ý trước mắt, trong các nhóm đang phổ biến, mỗi nhóm chọn 2-3 giống được ưa chuộng nhất làm thương hiệu quốc gia. Sau đó, áp dụng công nghệ lai tạo nhằm cải tiến các giống đã chọn để có thêm đặc tính theo nhu cầu thị trường. Sau khi có giống phù hợp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và phải theo chuẩn thương mại quốc tế. “Không nên cho các thành viên tham gia thị trường gạo hoạt động tự phát, không tổ chức, không được kiểm tra như hiện nay” - ông Xuân nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP, đề nghị xây dựng thương hiệu gạo Việt bằng 2 yếu tố ngon và sạch cho cả thị trường trong và ngoài nước. Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận gạo Việt gặp khó là do tư duy theo lối mòn, sản xuất thì nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cánh đồng mẫu lớn dẫn đến chất lượng không đồng đều.
“Một cánh đồng có hàng ngàn thửa ruộng. Hai thửa ruộng kề nhau trồng 2 giống lúa khác nhau. Lúc lúa trổ bông, phấn lúa ở ruộng bên này bay sang ruộng bên kia nên hạt gạo không bao giờ đạt chất lượng cao, rất khó làm thương hiệu. Nếu quyết tâm, chỉ cần sau 3-4 vụ là có thể làm được thương hiệu gạo Việt. Ngược lại, nếu vẫn làm như hiện nay, đầu ra cho gạo Việt sẽ ngày càng khó khăn hơn” - ông Doanh nhận định./.
Văn Duẩn/nld.com.vn