Tiếng Việt | English

26/06/2016 - 11:53

Thương nhân nước ngoài săn tìm gạo Việt

Từng nhiều năm bị đánh giá thấp hơn gạo Thái Lan, Ấn Độ, thậm chí cả gạo Campuchia, nhưng từ đầu năm đến nay một số loại gạo Việt có thương hiệu được thương nhân nước ngoài tìm mua nhiều hơn.

 

PGS.TS Dương Văn Chín trao đổi với nông dân An Giang trên cánh đồng sản xuất lúa Lộc Trời 1 - Ảnh: V.TR.

Một số loại gạo khác do người Việt nghiên cứu, lai tạo cũng được các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới săn tìm để cung cấp cho các thị trường cao cấp.

Gạo ngon không đủ bán!

Ông Phạm Thanh Thọ (phó giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời) cho biết từ đầu năm 2016 đến nay tập đoàn phải từ chối rất nhiều đơn hàng gạo Lộc Trời 1 (tên cũ là AGPPS 103) do diện tích sản xuất giống lúa này chỉ mới hơn 10.000ha, sản lượng không đủ cung cấp.

Theo ông Thọ, sở dĩ loại gạo này được các nhà nhập khẩu đặt mua nhiều vì vừa được Tổ chức The Rice Trader công nhận là một trong ba loại gạo ngon nhất thế giới vào cuối năm 2015, tại cuộc tranh tài diễn ra ở Malaysia với 25 loại khác đến từ nhiều quốc gia.

Theo đánh giá của một số thành viên ban giám khảo, loại gạo này thậm chí còn ngon hơn cả Jasmine 85 - từng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới trong các cuộc thi trước đây.

Ngay sau khi gạo Lộc Trời 1 lọt vào top 3 của cuộc thi nêu trên, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài như Tập đoàn Louis Dreyfus, Công ty Abound Zoom Trading và nhiều doanh nghiệp của Hong Kong, Canada, Trung Đông, Philippines... đã đặt hàng mua với sản lượng lớn.

Theo ông Thọ, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 20.000 tấn gạo Lộc Trời 1 có mặt trên kệ siêu thị ở nước ngoài.

PGS.TS Dương Văn Chín (giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, An Giang) cho biết giống lúa này được trung tâm bắt tay vào nghiên cứu từ năm 2004.

Và phải mất 10 năm lai tạo rất gian nan, trung tâm mới tạo được loại giống lúa với các tiêu chuẩn như mong muốn, trước khi được Bộ NN&PTNT cho sản xuất thử trên đồng ruộng và chính thức được công nhận là giống quốc gia vào đầu năm nay.

“Lúa sản xuất từ giống này có chất lượng ổn định sau nhiều tháng dự trữ. Lúa để mấy tháng sau xay ra gạo vẫn cho cơm mềm, dẻo, thơm như lúc mới thu hoạch” - ông Chín cho biết.

Theo ông Đỗ Văn Ớt (xã Tân Tiến, huyện Tri Tôn, An Giang), sau khi được tập đoàn này ký hợp đồng bao tiêu lúa sản xuất từ giống lúa này vào năm 2015, gia đình ông làm ba vụ đều đạt năng suất 8 tấn/ha/vụ.

“Giống này dễ trồng hơn Jasmine 85 vì ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, lời nhiều” - ông Ớt nói. Một số nông dân ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) cho biết khi ruộng bị nhiễm mặn, lúa vẫn sống tốt và cho chất lượng gạo vẫn ngon.

Theo ông Chín, giống này trồng ở vùng nhiễm mặn sẽ cho hạt gạo bóng đẹp hơn, cơm ngon hơn khi trồng ở vùng nước ngọt hoàn toàn. “Chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng diện tích ở các vùng ven biển nhằm tăng chất lượng gạo, giúp nông dân ổn định sản xuất và thu nhập”, ông Chín nói.

Gạo Việt giá cao

Tương tự, theo ông Lê Hùng Lân (giám đốc Công ty TNHH Hoa Tiên, TP.HCM), giống lúa Nàng Hoa 9 do đơn vị này lai tạo được nông dân các tỉnh ĐBSCL trồng rất nhiều vì chất lượng gạo cao, bình quân mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn lúa giống xác nhận cho một số doanh nghiệp xuất khẩu đưa cho nông dân gieo sạ ở các cánh đồng lớn.

“Những diện tích này được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch và bao tiêu xuất khẩu sang các thị trường khó tính”, ông Lân cho biết.

Một lãnh đạo Công ty TNHH Highland Dragon (có nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Long An) cho biết đang bao tiêu hơn 1.000ha lúa của nông dân ở Đồng Tháp để chế biến gạo xuất khẩu cho thị trường Mỹ, Canada, Bắc Âu, Úc...

Công ty chỉ sản xuất hai giống lúa là Jasmine và Nàng Hoa 9 theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ, theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu như American Rice, Riviana Rice (Mỹ), Loblaws (Canada), COOP (Đan Mạch)...

“Các nhà nhập khẩu gạo đến tận vùng nguyên liệu và nhà máy để kiểm tra rất kỹ về quy trình sản xuất, chế biến và xét nghiệm xem gạo thành phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không mới nhập khẩu. Đương nhiên là họ đã trả giá khá cao để mua gạo của chúng tôi”, vị này cho biết.

Do đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường cao cấp, doanh nghiệp này đang có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu hàng trăm hecta tại huyện Vĩnh Hưng, Long An. Quá trình sản xuất được giám sát chặt chẽ cho đến khi thu hoạch.

“Chỉ có những loại thuốc nào phía Mỹ cho phép, nông dân mới được dùng. Người nào không phun thuốc, cuối vụ sẽ thưởng thêm tiền”, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp), việc các tập đoàn nhập khẩu gạo nổi tiếng thế giới chọn mua gạo Việt có chất lượng tốt là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy gạo Việt có nhiều loại rất ngon. Tuy nhiên, theo ông Xuân, do nhiều doanh nghiệp trộn đủ thứ gạo có kích cỡ hạt, chất lượng khác nhau vào một bao để xuất khẩu nên riết rồi gạo Việt bị mang tiếng.

“Cách làm hiện nay của một số doanh nghiệp rất phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới. Anh có giống lúa chất lượng cao, có vùng nguyên liệu “sạch”, có nhà máy chế biến hiện đại và có thương hiệu, nhà nhập khẩu sẽ tìm tới mua với giá cao thôi. Tôi cũng mong VN mình không còn những doanh nghiệp làm ăn chụp giật nữa để mỗi khi nhắc tới gạo Việt là người ta nói đó là gạo đẳng cấp” - ông Xuân nói.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn (tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời), đơn vị này còn một giống lúa chất lượng cao khác là Lộc Trời 18, hiện đang được sản xuất thử trên các cánh đồng lớn ở An Giang và Long An.

Giống lúa này có nhiều ưu điểm vượt trội là hạt gạo dài hơn 8mm, trồng được 3 vụ/năm cho năng suất, chất lượng tương đương nhau. Theo kế hoạch, tập đoàn sẽ mang giống lúa này đi tham dự đấu xảo chọn gạo ngon nhất thế giới, trước khi tung ra thị trường.

Vân Trường/Tuổi trẻ

Chia sẻ bài viết