Tiếng Việt | English

03/08/2021 - 09:42

Mở lối trở về cho người lầm lỗi

Nhiệt tình, nắm sát từng trường hợp, hoàn cảnh để có phương pháp giúp đỡ kịp thời, phù hợp là một trong những cách làm tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An trong cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.

Người lầm lỗi phải chịu án tù sau khi chấp hành xong hình phạt, trở về địa phương rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đoàn thể tại địa phương (Ảnh tư liệu)

Người lầm lỗi phải chịu án tù sau khi chấp hành xong hình phạt, trở về địa phương rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đoàn thể tại địa phương (Ảnh tư liệu)

Nắm rõ từng trường hợp, hoàn cảnh để cảm hóa

Trước đây, L.T.P., ngụ xã Long Hòa; N.T.H., ngụ xã Tân Lân; L.V.T., ngụ xã Long Cang, huyện Cần Đước, nhiều lần sử dụng ma túy, bị chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp giáo dục tại xã. Sau khi được các cấp, các ngành quản lý, giáo dục, cảm hóa, các anh nhận thức được những tác hại do ma túy gây ra và quyết tâm thay đổi bản thân để có tương lai tốt đẹp hơn. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ, kết nối của các cấp, các ngành, 3 anh đều có việc làm.

Các anh tâm sự: "Nhờ được sự cảm hóa, giáo dục, quan tâm giúp đỡ, động viên của các cấp, các ngành và gia đình, chúng tôi từ bỏ những cuộc chơi bời thâu đêm, suốt sáng, vô bổ với ma túy. Hiện nay, chúng tôi cố gắng lao động để có thu nhập trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình. Từ ngày từ bỏ tệ nạn ma túy, chúng tôi thấy người khỏe ra, đầu óc tỉnh táo và cảm nhận cuộc đời thật đẹp".

Đó là 3 trong số nhiều trường hợp được các thành viên trong mô hình 5 lực lượng cùng quản người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư đang được triển khai, thực hiện ở các xã, thị trấn của huyện Cần Đước. Mô hình này được gọi tắt là 5 quản 1. Theo đó, UBMTTQ và 4 đoàn thể: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tại địa phương sẽ kèm cặp, cảm hóa, giúp đỡ 1 người lầm lỗi tại cộng đồng để tiến bộ, từ bỏ những tệ nạn xã hội, hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống.

Đại tá Thái Hữu Đức - Trưởng Công an huyện Cần Đước, cho biết: Mô hình 5 quản 1 được Công an huyện phối hợp UBMTTQ Việt Nam huyện triển khai, thực hiện từ giữa năm 2017 và được nhân rộng trong toàn huyện. Trong quá trình triển khai, thực hiện mô hình, các xã, thị trấn khảo sát, lập danh sách những người trong diện cần cảm hóa và phân công các thành viên của các đoàn thể quản lý, giáo dục, giúp đỡ".

4 năm qua, kể từ khi mô hình được thực hiện tại huyện, có gần 700 trường hợp được các đoàn thể quản lý, giáo dục, cảm hóa (khi mới triển khai, thực hiện mô hình có 317 người). Trong đó, có gần 100 trường hợp áp dụng Nghị định 111/NĐ-CP, 211 trường hợp nghiện ma túy, 183 trường hợp tù tha về, 28 trường hợp tù hưởng án treo, 5 trường hợp cải tạo không giam giữ, gần 180 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh, trật tự và có nguy cơ nghiện ma túy.

Tùy theo từng trường hợp mà giao cho từ 1 đến 5 cơ quan cùng trực tiếp tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục. Thực hiện sự phân công, ít nhất 2 tuần/lần, các thành viên trong tổ được giao nhiệm vụ sẽ gặp trực tiếp người lầm lỗi hoặc gia đình, người thân để trò chuyện, tìm hiểu đời sống. Qua đây, giúp các đoàn thể nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và hoàn cảnh của từng người, từng gia đình để tuyên truyền, vận động, cảm hóa hoặc có báo cáo đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp.

Qua những lần như vậy, các thành viên, tổ công tác đều ghi chép nhật ký đầy đủ về sự thay đổi, chuyển biến của người được cảm hóa. Đó chính là cơ sở để đánh giá kết quả chuyển biến của từng người. Mặt khác, các đoàn thể cũng ghi chép đầy đủ về những trường hợp chưa chuyển biến; trong đó, đánh giá lý do, khó khăn gặp phải để rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp, cách thức thực hiện cho phù hợp nhằm đạt kết quả cao nhất.

Để người nghiện cai nghiện thành công, rất cần sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng (Ảnh tư liệu)

Để người nghiện cai nghiện thành công, rất cần sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng (Ảnh tư liệu)

Tiếp thêm động lực cho người lầm lỗi

Trong quá trình cảm hóa người lầm lỗi, các đoàn thể thường xuyên phối hợp chặt chẽ người thân trong gia đình của người lầm lỗi. Chính sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và gia đình đã giúp mô hình hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.

Đại tá Thái Hữu Đức cho biết thêm: "Sau 4 năm thực hiện, mô hình đã đạt những kết quả rất tích cực. Trong số gần 700 trường hợp được cảm hóa, giáo dục, đến nay có gần 200 trường hợp tiến bộ, hiện có việc làm ổn định, được đưa ra khỏi mô hình. Hiện UBMTTQ và 4 đoàn thể tiếp tục quản lý, cảm hóa, giáo dục gần 450 trường hợp (trong đó có gần 400 trường hợp có chiều hướng tiến bộ).

Qua triển khai, thực hiện mô hình, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ cùng các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân xem công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư là nhiệm vụ quan trọng. Việc làm này vừa góp phần phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vừa xây dựng và nâng cao hiệu quả, sức lan tỏa của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành còn quan tâm, kết nối với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để tìm việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lầm lỗi được cảm hóa; đồng thời, tuyên truyền xóa đi những định kiến xã hội còn tồn tại đối với người có quá khứ lầm lỗi và giúp chính người lầm lỗi gạt đi tự ti, mặc cảm để nỗ lực, cố gắng vươn lên trong cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Đánh giá về mô hình này, lãnh đạo UBND huyện Cần Đước nhấn mạnh, công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư là việc làm ý nghĩa. Việc này được huyện nhìn nhận là một trong những cách làm, giải pháp quan trọng để phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì xác định được tầm quan trọng này, gần đây, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải giãn cách xã hội nhưng công tác cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi của các cấp, các ngành, đoàn thể không bị đứt gãy mà vẫn có sự kết nối với những hình thức phù hợp.

Nếu trước đó, các đoàn đến nhà gặp gỡ, trao đổi trực tiếp thì bây giờ thường sử dụng điện thoại, mạng xã hội để tuyên truyền, vận động, hỏi thăm, động viên người lầm lỗi cố gắng sống tốt./.

"Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi vừa góp phần phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vừa xây dựng và nâng cao hiệu quả, sức lan tỏa của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết