Tiếng Việt | English

18/08/2015 - 16:55

Một ngày ở làng dệt chiếu lác Long Cang, Cần Đước 

“Đôi chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt. Bấy nhiêu tình em gửi hết vào đây”. Câu hát ngày nào vẫn đâu đây, bởi hình ảnh đôi chiếu dường như quen thuộc và gắn bó mỗi khi ai nhắc đến quê hương Cần Đước, Long An. Trải qua bao thăng trầm, đến tháng 12-2014 nghề dệt chiếu lác ở Long An chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chúng tôi đến với xã Long Cang, huyện Cần Đước, một trong những cái nôi truyền thống của nghề dệt chiếu lác ở Long An vào một ngày nắng đẹp. Nơi đây có nhiều thợ giữ bí quyết dệt chiếu truyền thống, tạo ra những sản phẩm đẹp có tiếng.


Trên con đường vào ấp 2, xã Long Cang, huyện Cần Đước dán vào mắt chúng tôi những bó lác được phơi ngay ngắn sát bên lề đường. Sau khi cắt lác, người dân nơi đây bó lại rồi đem phơi. Khi nào lác chuyển từ màu xanh sang màu vàng nhạt (thường thì phơi khoảng 4-5 nắng) thì có thể sử dụng để đan chiếu. Khâu này là khâu vất vả và mất nhiều thời gian nhất vì phải cắt và phơi lác 


Hầu hết các cơ sở dệt chiếu ở đây đều sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên đều tự trồng lác trước nhà để sử dụng


Lác sau khi được phơi, trước khi nhuộm cần nhúng vào nước để cọng lác sử dụng được lâu hơn. Trong ảnh bà Nguyễn Thị Mén (62 tuổi, ấp 2, xã Long Cang) đang nhúng bó lác vào nước


Sau khi lác được phơi khô sẽ trải qua công đoạn nhuộm màu. Những bó lác sau khi được nhuộm có màu sắc vô cùng đẹp mắt


Những bó lác sau khi được nhuộm màu sẽ được đan thành chiếu. Nghề dệt chiếu không khó nhưng lại vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn


Trước khi đem bán thì người dân ở đây thường đem chiếu sau khi đan xong ra phơi nắng 1-2 lần


Dù vất vả, gian nan là thế nhưng thu nhập của người dân làm chiếu nơi đây rất bấp bênh. Anh Phan Văn Mẫn (người trong ảnh) – chủ cơ sở sản xuất chiếu lác Bảo Thi ở ấp 2, xã Long Cang, huyện Cần Đước cho biết hiện nay trên địa bàn đang từng bước công nghiệp hóa chính vì vậy mà ruộng lác ngày càng thu hẹp, nông dân vào các khu công nghiệp làm có thu nhập cao hơn. Bởi vậy mà nghề dệt chiếu lác ở khu vực này không còn nhiều người mặn mà nữa.


Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Hữu Chơn (tổ 5, ấp 2, xã Long Cang) chia sẻ: “Thử hỏi chú bây giờ khu công nghiệp mọc lên như nấm mà làm nghề đan chiếu lác này thu nhập thua đi làm công nhân, thì chú chọn cái nào. Hiện nay, ở xã Long Cang này đa phần phải đi thu gom thêm lác ở các vùng lân cận rồi từ đó phát sinh thêm chi phí vận chuyển, thời gian. Trong khi đó tăng giá chiếu lên thì người ta nói này nói kia liền. Thử hỏi không nhiều người quay lưng với nghề sao được”.


Dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn là truyền thống của gia đình và là di sản văn hóa cần bảo tồn. Trong ảnh: bà Nguyễn Thị Mén (62 tuổi, ấp 2, xã Long Cang) vừa làm vừa chia sẻ với chúng tôi rằng, bà không thể bỏ nghề này được vì trước khi mất ngoại bà có nói là phải gắn bó với nghề vì nó là nghề truyền thống của gia đình.

Trên con đường nhựa, hai bên phơi đầy lác, chúng tôi rời khỏi xã Long Cang với hình ảnh những người dân chất phác, gắn bó với nghề đan chiếu lác. Dường như họ không chỉ làm vì thu nhập mà còn làm vì tình yêu nghề, với trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống của gia đình. Cần lắm sự chung tay giữ gìn!

CTV Duy Phong

Chia sẻ bài viết
  • Mong rằng những người dân ở đây tiếp tục yêu cái nghề truyền thống này. Bên cạnh đó cần sự chung tay góp sức của mọi người xung quanh và sự động viên từ nhà nước và chính quyền địa phương để cuộc sống của những người dân này ổ định và tiếp tục giữ vững cái nghề này

    Thanh thảo - Cách đây 9 năm

  • Mong rằng sẽ nhận được sự ủnng hộ và động viên của tất cả mọi người nói chung và chính quyền nói riêng để nghề truyền thống không bị mai mot

    Kẹo nhỏ - Cách đây 9 năm