Nông dân gặp khó trong sản xuất vào mùa mưa bão
Lúa bị thiệt hại
Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 71.059ha lúa Thu Đông 2016 (đạt 131,8% kế hoạch). Các huyện tập trung chỉ đạo gieo sạ lúa Thu Đông nhằm bù đắp sản lượng lúa Đông Xuân 2016 bị thiệt hại do hạn, mặn. Năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu đạt 72.160ha, tăng 18.260ha so với kế hoạch đầu năm. Đến nay, ở các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng và Tân Hưng, tỉnh Long An thu hoạch được 37.580ha, năng suất ước 52 tạ/ha, sản lượng 196.301 tấn. Cần Đước và Cần Giuộc gieo sạ lúa mùa 2016-2017 với diện tích 2.187ha, diện tích thu hoạch ước 35ha, năng suất khô 50 tạ/ha, sản lượng 175 tấn.
Ông Lưu Văn An, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng cho biết: “Năm nay, do chủ quan lũ không về nên nông dân gieo sạ lúa Đông Xuân sớm, nào ngờ lũ về muộn, phần lớn diện tích ngoài đê bị thiệt hại. Đến nay, bước sang tháng 11 mà nước còn ngập trắng đồng”. Ông Nguyễn Thanh Bình, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng chia sẻ: “Vụ này, gia đình tôi sản xuất 2ha lúa nhưng do mưa, bão kéo dài kết hợp triều cường làm mực nước lũ tăng cao gây thiệt hại cho diện tích gieo sạ. Nhiều nông dân trên địa bàn bị thiệt hại, mất trắng do gieo sạ sớm. Thiệt hại ước tính cả chục triệu đồng/ha”.
Qua khảo sát tại huyện Đức Huệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm đề nghị huyện khảo sát, xác định diện tích thiệt hại cụ thể và báo cáo kịp thời. Các xã huy động lực lượng xung kích giúp dân thu hoạch diện tích lúa chín, gia cố bờ bao bảo vệ diện tích sản xuất có nguy cơ bị ngập úng nhằm giảm thiệt hại cho dân. Huyện kiểm tra các tuyến đê bao trũng thấp, các tuyến đê bao xung yếu có nguy cơ mất an toàn, đồng thời, vận động người dân trong khu vực thi công, gia cố cấp bách các tuyến đê bao bị lũ đe dọa đến diện tích sản xuất. Chi cục Thủy lợi cần theo dõi sát tình hình xả lũ của hồ Dầu Tiếng, cập nhật diễn biến thủy triều trong thời gian tới, có thông báo kịp thời cho các địa phương chủ động ứng phó.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Long An: Mùa mưa năm 2016 có khả năng kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm, vào khoảng nửa cuối tháng 11-2016, một số nơi sang đầu tháng 12-2016. Lượng mưa dự báo cho 2 tháng đầu năm 2017 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm; từ tháng 3 và tháng 4, khả năng ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước lũ tại các huyện Đồng Tháp Mười hiện nay dao động giảm với cường suất từ 1-7cm/ngày đêm. So sánh với mực nước lũ các trạm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa cùng kỳ năm 2015, mực nước lũ các trạm cao hơn từ 0,43-0,66m. |
Người nuôi tôm gặp khó
Vào mùa mưa, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm gặp nhiều khó khăn bởi môi trường sống bị biến động, dễ lây lan mầm bệnh. Những ngày mưa, bão diễn ra liên tục, nước tràn bờ, tôm theo nước thất thoát ra ngoài, gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản. Tôm nước lợ mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, đặc biệt trong mùa mưa, bão. Hiện nay, toàn tỉnh có 5.236,8ha nuôi tôm nước lợ (kế hoạch 7.000ha), bằng 74,6% so với năm 2015. Trong đó, tôm sú 922,6ha, tôm thẻ chân trắng 4.314,2ha. Diện tích thu hoạch 3.604,9ha, năng suất bình quân ước 1,9 tấn/ha, sản lượng 6.782,2 tấn. Lũy kế từ đầu năm đến nay, diện tích tôm bị thiệt hại 942,8ha, chiếm 18% tổng diện tích thả nuôi.
Người nuôi tôm gặp khó trong sản xuất vào mùa mưa, bão
Gia đình anh Võ Văn Hoàng Nhật Nam, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ nuôi 2 đầm tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 0,5ha; thả nuôi được 40 ngày, tôm chết hàng loạt do bệnh gan tụy và ảnh hưởng do mưa, bão liên tục, môi trường nước thay đổi làm tôm bị sốc, ăn ít, chậm lớn; thiệt hại trên 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hiền, ở xã Tân Chánh, huyện Cần Đước cho biết: “Nuôi tôm sợ nhất là rủi ro do dịch bệnh. Vụ Xuân thường xuất hiện bệnh đốm trắng, vụ Thu ít bị đốm trắng nhưng tôm cũng dễ mắc các bệnh đen mang và bệnh đóng rong do tác động của môi trường, thời tiết. Mùa này, mưa lớn liên tục làm thay đổi nồng độ mặt của nước. Nhiều hộ nuôi không có ao lắng thì thiệt hại rất nhiều. Vì vậy, các hộ nuôi cần có ao lắng để dự trữ nước mặn, khi mưa xuống, nồng độ mặn trong ao nuôi giảm thì phải bổ sung nước mặn vào, đồng thời sử dụng vôi bột bón cho ao để khử khuẩn, phòng, chống bệnh cho tôm. Thuốc kháng sinh cũng phải chuẩn bị đầy đủ. Bên cạnh đó, để đối phó với mưa, bão, nhiều hộ thu hoạch tôm sớm hơn dự kiến. Một số hộ khác chủ động xây dựng bờ ao hoặc mua bạt trải để bảo vệ bờ các ao, đầm nuôi tôm, tránh xói lở đất khi mưa lớn”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Để người dân sản xuất hiệu quả, các ngành cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí tượng - thủy văn cũng như kết quả quan trắc môi trường nước, tùy tình hình, kết quả quan trắc môi trường nước mà khuyến cáo cụ thể đến người nuôi tôm. Người dân cần thường xuyên thăm đồng; tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo, nhất là biện pháp kỹ thuật của ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, bờ và đắp lại những nơi xung yếu, tránh tình trạng vỡ bờ”.
Hải Phong