Đoàn công tác của UBND tỉnh khảo sát, kiểm tra tình hình ngập úng tại huyện Mộc Hóa
Đoàn đến kiểm tra, khảo sát tình hình ngập úng và công tác ứng phó, khắc phục ảnh hưởng do mưa, lũ tại các xã: Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), xã Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường), xã Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa) và xã Bắc Hòa (huyện Tân Thạnh). Ghi nhận mực nước ngoài kênh đang cao hơn mặt ruộng từ 1,5-2m và một số đoạn đê đang rất yếu, có nguy cơ xảy ra vỡ đê gây ảnh hưởng đến sản xuất.
Xã Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường) và xã Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa) là 2 xã có diện tích lúa và hoa màu bị mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng, hàng trăm hécta lúa và hoa màu của nông dân vẫn đang chìm trong biển nước, chính quyền địa phương và nông dân đang tích cực bơm tát nước.
Trước đó, từ ngày 21-22/10, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn kéo dài trên diện rộng kết hợp lũ lên nhanh đã gây tràn các tuyến bờ bao gây thiệt hại cho lúa, hoa màu, cây ăn trái của các huyện vùng Đồng Tháp Mười.
Qua thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có hơn 1.142ha bị ảnh hưởng. Trong đó, thiệt hại mất trắng gần 703ha tại các huyện: Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn 15.630ha lúa, hoa màu, cây ăn trái có nguy cơ bị ngập úng.
Tại thị xã Kiến Tường, theo thống kê, có hơn 1.300ha lúa Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025 bị ngập do mưa, lũ. Diện tích này tập trung ở 3 xã: Bình Tân, Bình Hiệp và Thạnh Trị, trong đó, số diện tích bị thiệt hại hoàn toàn là hơn 600ha; số diện tích có khả năng khắc phục là gần 380ha. Ngoài ra, còn có hơn 200ha cây ăn trái và hoa màu,... cũng bị thiệt hại nặng.
Anh Nguyễn Quốc Công (ấp 3, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường) có 7ha lúa từ 20-42 ngày tuổi bị ngập úng thiệt hại hoàn toàn. Mặc dù anh cùng các chủ ruộng xung quanh đã cố gắng bơm thoát nước nhưng vẫn không thể cứu được ruộng lúa.
Anh Công chia sẻ: “Tôi và nông dân địa phương đều cố gắng bơm nước để cứu lúa nhưng do lượng nước mưa cùng với nước tràn từ phía nước bạn Campuchia qua quá nhiều, chúng tôi không thể làm gì được”.
Ruộng dưa hấu bị thiệt hại tại xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa
Còn tại huyện Mộc Hóa, tổng diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái bị thiệt hại mất trắng là 97,2ha. Đến thời điểm này, địa phương vẫn đang tập trung triển khai các giải pháp cấp bách nhằm cứu lúa và hoa màu, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.
Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Nguyễn Văn Minh cho biết: “Chúng tôi đã và đang tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện để cùng với nông dân gia cố lại tất cả các đê bao cũng như ngăn lại các cái cống nhằm hạn chế nước tràn từ bên kia biên giới về. Hiện cơ bản địa phương đã khống chế được mực nước dâng lên, về lâu về dài thì huyện sẽ tiếp tục gia cố những khu đê bao có nguy cơ bị ảnh hưởng, bảo đảm cho nông dân sản xuất và thu hoạch vụ lúa Đông Xuân sớm này”.
Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân chính gây ngập úng là mưa lớn kết hợp lũ và triều cường; đồng thời, các địa phương và nông dân vẫn còn chủ quan trong công tác gia cố đê bao. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các cống ngang đê của các địa phương cũng chưa được thực hiện tốt.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm thông tin: Tại huyện Mộc Hóa, các chủ ruộng cũng như chính quyền địa phương còn chủ quan, không nghĩ rằng lượng mưa có thể lớn đến như thế nên đã không kịp thời ngăn các cống thoát nước từ phía nước bạn. Đến khi phát hiện thì đã ảnh hưởng đến khoảng 45ha lúa và gần 10ha rau màu, dưa hấu. Đặc biệt là rau màu thì ngập úng qua một đêm là gần như hư hết, có nhiều đám dưa hấu chuẩn bị thu hoạch nhưng vẫn phải mất trắng.
Đây cũng như là một lời cảnh tỉnh cho các địa phương, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là đối với những diễn biến thời tiết bất thường của thời tiết. Từ đó, chủ động có những khuyến cáo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nông dân trong việc triển khai các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và lũ dâng cao gây ra.
Toàn tỉnh hiện có hơn 15.630ha lúa, hoa màu, cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ, triều cường
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình mực nước lũ, triều cường; tăng cường huy động các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai thường xuyên tuần tra, kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao, các cống đầu mối, xác định các vị trí hư hỏng, rò rỉ, triển khai phương án bảo vệ.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý khi có sự cố xảy ra; gia cố, tôn cao các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu không bảo đảm ngăn lũ, triều cường, không để xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê gây ngập úng kéo dài, bảo vệ an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân./.
Bùi Tùng - Hoàng Tuân