Minh họa: KT
- Ê Húc, năm nay học lớp mấy rồi?
- Lớp bốn, hỏi chi vậy?
- Hỏi cho biết, thằng này, bộ tao hỏi mày không trả lời được hay sao?
- Ngó người là biết học lớp mấy rồi, hỏi hỏi hoài. Bộ nhà mày qua nhà tao nhiều bước chân tới nỗi mày không biết đến việc học của tao?
- Kệ, tao hỏi thế, để đoán tuổi mày hết được ăn kẹo Trung thu đấy, chứ vui vẻ gì. Nhìn cái mặt đen thùi lùi, mốc meo, thấy ghét!
Thằng Ninh lè lưỡi, nhảy qua bờ rào trốn mất tiêu, bỏ lại Húc một mình ngẩn ngơ với lời chế giễu đầy miệt thị.
Năm nay, Húc đã tròn mười hai tuổi, đáng lẽ tuổi này nó sẽ bước sang lớp sáu, cấp hai trường làng. Nhưng điều kiện gia đình không có, lại lầm lũi dưới sông hàng ngày nên đến bây giờ, nó mới ngấp nghé chân vào lớp bốn. Chỉ có màu da đen là nó vượt trội bạn bè, còn chiều cao, cân nặng, nó chẳng khác gì một đứa lớp bốn.
Hôm rồi khai giảng, nó còn được cô giáo chủ nhiệm cho đứng đầu hàng. Cô bảo đứng một chỗ đó cho yên, chốc nữa lủi đi về trước, tui lại cho mấy cái cốc đầu bây giờ.
Húc tủm tỉm cười. Nó đứng im re, gãi gãi cái đầu cháy nắng, ra chiều sợ sệt. Hai tay nó bấu chặt lấy nhau, muốn rách ra. Chiếc cặp nặng trĩu sau lưng chỉ muốn rơi xuống chân. Mà chớ hề có cái gì trong đó, nặng là do nó đựng mấy trái bần chua, má nó hái từ dưới sông hôm qua. Nó lén bỏ vô cặp để lên lớp đổi mấy đứa khá giả lấy phấn viết. Cái thứ quả dại, chua lè ấy, ai mà thèm. Dưới sông đầy đứa được ăn.
Húc thích cảm giác “lừa” được mấy đứa ất ơ. Nó nghĩ tụi trong lớp là mấy đứa ất ơ hết. Vì dầu gì nó cũng nhiều tuổi nhất lớp, ai dám qua mặt nó.
*
- Ê cái lũ đần độn kia, hôm nay bơi ra sông làm gì đấy?
Thằng Húc hô to khi thấy bác Kẹo Anh chèo xuồng chở mấy đứa nhỏ thong dong trên sông. Buổi này, mấy đứa lít nhít như nó đang ì oạp dưới sông mò cá, mệt bơ phờ. Thế mà đám trẻ kia cứ hớn ha hớn hở, nhìn thôi đã thấy ngứa mắt. Cái đầu bờm xờm của bác Kẹo Anh ló ra, chửi tới liền:
- Húc kia, biết những ai trong này không mà kêu cái lũ đần độn?
Thằng Húc sợ, rụt cổ lại. Nó cúi đầu xuống sát thuyền thúng, xấu hổ muốn lặn sâu xuống sông luôn. Trong xuồng, có cô giáo chủ nhiệm, một số người lạ mặc áo màu đỏ, có chữ thập ở giữa. Nó ngơ ngác nhìn. Mấy đứa bạn cùng lớp cũng nhao nhao lên:
- Người ta xuống khảo sát cho quà đấy, chứ ở đó mà đần độn.
Húc lủi nhanh ra xa, bỏ lại chiếc xuồng và mấy đứa bạn cùng lớp đang ngẩn ngơ nhìn nó.
*
Húc ba tháng tuổi, nó được ba nhặt từ dưới sông, trên một chiếc thúng nhỏ, chòng chành. Lúc đó, nhà nó đã có ba anh chị em. Ngày ba hốt được nó, má nó vùng vằng, đòi tiếp tục quẳng xuống sông cho trôi tới đâu thì trôi. Nhưng ba một mực giữ lại, bảo gặp được nó coi như là có duyên, thôi thì cưu mang nó, nhà có nghèo thêm một chút cũng chẳng sao.
Trong chiếc thúng nhỏ, ngoài bọc đồ sơ sinh, chiếc bình bú, một ít sữa bột và một mảnh giấy ghi ngày, tháng, năm sinh của nó thì chẳng còn thứ gì khác. Trong buổi chiều âm u, Húc cứ nằm o oe nhìn bầu trời xanh phẳng lặng. Nó không biết sóng gió đã đến với cuộc đời nó sớm như vậy.
Trôi nổi trên sông không biết được bao lâu, cũng chẳng biết vì sao trong cái thúng có kiến. Nó cắn ngay bẹ sườn của Húc, đỏ tấy lên rồi nổi bọng nước. Vậy mà nó không khóc. Chắc nó biết được thân phận của nó.
Ba thống nhất với má đặt tên nó là Húc. Ý nghĩa của cái tên là mạnh mẽ, vươn lên, vượt qua những thử thách trên dòng sông nghiệt ngã này, sau này lớn, nó có thể lên bờ. Nhưng đến bây giờ, nó mới học tới lớp bốn. Trong khi số tuổi của nó đã đến lớp sáu.
Cũng vì vụ vướng giấy tờ, nó chẳng có miếng giấy lận lưng, ba má lên trường, lên ủy ban xin mấy lần cho nó có cái khai sinh. Đi tới đi lui, chạy xuồng hết mấy can dầu, chẳng làm được giấy cho nó. Vậy là tám tuổi, nó mới bắt đầu được học lớp một.
*
Mười hai tuổi, Húc chưa biết đến Trung thu là gì. Nó thường thấy đám bạn kéo nhau chạy dọc trên con đê. Phía sau có lác đác vài cái lồng đèn.
Dịp này ở xóm trên, người ta hay đọc tên các hộ gia đình đóng góp Trung thu cho các cháu trong năm, nhà ít, nhà nhiều, vài ba ngày lại cứ nghe ông ổng. Xóm mé sông nhà Húc, không có chủ trương thu tiền Trung thu vì chẳng nhà nào sẵn. Nếu có cũng chỉ lác đác vài người, trên sông khổ cực, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đến ăn còn phải lo từng bữa, nói gì đến việc đón rằm tháng tám.
Húc thường cùng mấy anh chị em trong nhà ngồi dập dìu bên ngôi nhà nổi, nhìn ánh trăng sáng rọi chiếu khắp mặt sông, lấp lóa. Ở đó, nó chắp tay ước bao điều kỳ diệu sẽ đến với nó và lũ trẻ xóm nhỏ này.
Năm nay thấy khác lạ, có thầy cô và mấy bạn trên lớp đi khảo sát trên sông, nó cũng khấp khởi mừng, chắc sắp tới, xóm Bè được ăn Trung thu. Nó sẽ được tham gia vào hội rước đèn. Đêm trăng của những đứa trẻ trên sông.
Nghĩ đến cảnh đó, Húc vui đến lạ. Hai ba hôm nay, tan học về là nó chui vào đoạn đường vắng có bóng mát, đợi tụi thằng Ninh, thằng Châu đi qua để về cùng. Đặng có cớ hỏi thông tin hôm nọ, để biết chắc chắn là sắp tới Trung thu sẽ có quà. Nó còn khao khát có thêm một chiếc cặp, in hình những siêu nhân, phi hành gia trên đó.
Năm ngoái, nó mang cặp cũ của chị ba, năm nay lại vẫn mang chiếc cặp đó. Dưới đáy cặp lủng mấy lỗ nhỏ, má cẩn thận vá lại cho nó. Má biểu cố gắng giữ gìn sạch sẽ, sang năm má có tiền, má mua cho mỗi đứa một cái cặp mới, sách mới toàn bộ và nhiều đồ dùng học tập khác.
Má không so đo gì với Húc, nhưng cảnh nhà nghèo, năm sáu miệng ăn, ngày chỉ vớt được ít tép, ít cá đem ra chợ bán lấy tiền mua đồ cho cả nhà. Ba Húc vay tiền ngân hàng nuôi cá trên sông, gặp ngay đợt lũ quét, cá chết sạch, nhà đã lao đao, nay còn lao đao hơn.
*
Đoàn khảo sát của ngân hàng chính sách xã hội xuống sông, ba rỉ tai má “hay mình xin vay thêm, tính kế làm ăn khác”. Má trợn tròn mắt nhìn ba, chửi đông đổng:
- Riết rồi ông cũng khùng ha, nợ cũ chưa hết đòi bồi thêm nợ mới. Rồi cái lũ lít nhít này bỏ sông cho cá ăn à?
Ba im lặng trong buổi chiều hoàng hôn đầy ảm đạm. Tiếng cá diêu hồng quẫy đạp bên nhà hàng xóm khiến lòng ông chộn rộn, bứt rứt.
Bao năm muốn thay đổi cuộc sống nhưng ông trời không cho. Miếng đất cắm dùi chưa có, muốn đưa lũ con lên bờ thoát cảnh sông nước cũng không được.
Hôm đó, má chửi lầm bầm hoài vì thâm tâm sợ ba đi lên bờ xin vay thêm vốn. Mà ông lên bờ thật. Canh lúc má đi bán cá, ông kéo Húc ra ngoài xuồng máy, cùng anh hai, ba cha con lục tục kéo nhau lên bờ, trình bày hoàn cảnh.
Mấy cán bộ ngân hàng chưa về, ngồi lại nghe ba Húc kể chuyện mùa mất cá, cả nhà có sáu miệng ăn, lại muốn lũ nhỏ không bị thất học.
Nghe ba giãi bày, mắt rưng rưng, quyết tâm cho lũ trẻ đi học đã khiến mấy anh chị ngân hàng không kìm lòng nổi. Nghe ba kể phương án sản xuất, cũng có vẻ khả thi nên họ đồng ý cho ba vay thêm một lần nữa.
*
Những cây lúa nặng trĩu bông, vàng óng, chờ tay người gặt. Đó là thành quả của ba Húc khi ông thành công vay được tiền mua giống lúa mới về gieo sạ trên đất bồi của sông. Nhờ những đợt phù sa bồi đắp nên những cây lúa cứ thế thi nhau mọc tốt bời bời.
Những ngày này, má thấy mấy cha con cứ lén lút đi về phía dưới bãi. Vài ba hôm thì đã thấy mướn người về gieo sạ, rồi lúa lên, lúc đó má mới xách nón tất tả chạy đi xem.
Hỏi ra mới biết, ba lại đánh liều vay tiền “khởi nghiệp”. Tay má run lên bần bật, giận dữ như muốn xé toạc chiếc nón lá trên tay. Hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi má đen sạm của người đàn bà khắc khổ. Ba hoảng hốt kéo đám con thơ chạy xuống dỗ dành má.
Trong những ngày mông lung, chập chờn âu lo ấy, lũ con là nơi nương tựa duy nhất để ba và má không gây lộn với nhau.
*
* *
- Ê tập tàng!
Ông Kiến đã nhìn Húc với ánh mắt dò xét, hỏi nó một câu ngang ngược như thế khi nó đang chạy vội vàng đưa cơm ra bãi sông cho ba và má. Hôm nay, ba mượn đầu công cắt lúa. Ơn trời, lúa nhờ phù sa tốt và năng suất cao.
Mấy người khen ba Húc biết nhìn thời, chọn ngay đúng lúc giông bão mới qua, để lại một lớp bùn đất tươi tốt. Đất ở sông, chẳng ai tranh giành, ai làm được trước thì hưởng. Khôn khéo hơn là phải canh ngày xuống giống, để tới lúc thu hoạch không bị nước lên cuốn phăng đi hết.
Húc nghe giọng mỉa mai đó, nó đứng khựng lại, nhăn trán:
- Tập tàng là gì hả chú?
- Là con nhặt, con nuôi đó mậy? Không hiểu sao? Ba má mày chưa kể cho mày nghe chuyện hồi đó nhặt mày trên sông sao?
Húc khựng lại, nó suýt làm rơi cà mèn cơm xuống đất. Suốt buổi trưa hôm đó, tâm trạng nó ở trên trời. Thấy ba má bận rộn, nó nóng lòng muốn hỏi cho ra lẽ nhưng lại không dám. Cứ vừa mở miệng ra, ba lại kêu “lẹ con ơi, mưa tới, ướt hết lúa”.
Mấy đứa bì bõm dưới bãi, đến gần chiều thì lúa đã xong và bàn giao hết cho thương lái. Má cười hấm hí. Ba quệt mồ hôi trên trán, nhìn má nhanh nhẹn đếm tiền lái trả.
*
Nhờ đám lúa được mùa, nhà Húc trả được nợ ngân hàng, có thêm tiền cho má mua đồ cho mấy anh em.
Trăng tháng tám vành vạnh. Đoàn từ thiện ở thành phố về trao quà. Húc được tặng hẳn hai con gấu bông, những hộp bánh thơm nức mũi, ngon lành, thứ bánh mà nó và anh chị em nó cùng lũ trẻ xóm Bè chưa bao giờ được ăn. Người ta đầu tư thêm cho mấy đứa những chiếc ba lô xinh xinh để đi học.
Đêm rằm lung linh trên sông với nhiều đèn lồng, lấp lánh xanh đỏ, rộn ràng cả một khúc sông. Nhưng lòng Húc không vui, nó lấp lửng trong đầu nhiều suy nghĩ về câu “tập tàng” hôm nọ.
Đón Húc ở cửa, chiếc bè dập dềnh, mấy anh chị em trong nhà lục tục đi ngủ. Ba kéo ghế ra hiên ngồi, đưa bàn tay to bè ôm lấy Húc. Ba nhẹ nhàng:
- Lăn tăn về câu “tập tàng” hôm qua sao con?
Nước mắt Húc giàn giụa, nó gục đầu vào người ba, khóc òa lên. Ba kéo nó vào lòng, thủ thỉ kể cho nó nghe chuyện mười hai năm về trước. Rồi ba bảo:
- Ba đã nhận con về nuôi thì ba và má sẽ có trách nhiệm với con đến khi con khôn lớn. Từ ngày đó, ba luôn coi con là con của ba má rồi. Hôm qua lúc con đưa cơm ra, ba đã nghe tiếng ông Kiến khích bác sau lưng con nhưng ba bận nên chưa nói thôi. Bây giờ thì con biết vì sao năm nay con đã mười hai tuổi nhưng mới học tới lớp bốn thôi đúng không?
Vòng tay của ba khiến Húc ấm lòng. Nó tựa vào vai ông, nhìn ánh sáng lung linh của trăng rằm lấp lóa trên sông. Má đứng ở phía sau tự lúc nào, dõi ánh nhìn ân cần về phía Húc. Mùa trăng năm nay đang bắt đầu những niềm vui mới...
Thụy