Minh họa: KT
Hồi xưa, cứ vài bữa là tôi nẹo má hỏi chừng nào tới tết. Tết miền quê nghèo, người lớn rầu thấy mồ tổ còn con nít cứ nôn nao trông đứng trông ngồi. Thấy tôi hỏi miết, má nói đại vài tháng nữa. Ba hay dặn má không được gạt con nít, như ông Tăng tử xưa, hứa với con là phải giữ lời.
Mấy tháng sau tết thiệt, mà là Tết Trung thu. Má nói tết này mới đúng là của con nít.
Tôi hỏi má Tết Trung thu có được mặc đồ mới không, có thịt kho tàu ăn không. Má chẳng trả lời câu hỏi ấy nhưng nói có lồng đèn và cả bánh trung thu.
Hồi đó, nghe món bánh nào lạ là tôi tò mò, háo hức ghê lắm. Tôi bẻ mấy nhánh bình bát, tuốt lấy lá phơi khô bỏ vô áo gối, mỗi ngày lấy một lá tỉa hình con trâu để chơi, chừng nào hết là Trung thu tới.
Ngày lại tháng qua, trăng khuyết lại đầy. Tôi bực cái ông làm lịch dễ sợ, biết người ta nôn Trung thu mà còn tạo ra tháng nhuận làm gì.
Khi trăng như cái lưỡi liềm thì ba tôi nhín chút thời gian ngồi chuốt tre. Cây tre này ba vớt dưới sông lúc đi bắt đăng, chắc trên đầu nguồn đổ về. Nó được chia làm 3 phần, một phần làm lồng đèn cho tôi, phần làm cây đũa bếp, phần còn lại ông giắt vô vách cà tăng, nói “để dành đánh mày”.
Từ nhỏ tới lớn, ba đánh tôi có 2 lần, một lần ham chơi để vịt quần đám mạ của người ta, một lần nhét hột me vô lỗ mũi ổng. Ba đánh bằng cây bập dừa phơi dốt, tới chừng nó tơi như phất trần mới ngưng. Thứ cây này mềm, to bản, quất vô đít nghe bồm bộp.
Sau này nhìn ba đánh mấy đứa cháu nghịch ngợm, tôi mới biết hồi xưa cây vô đít tôi có một nửa, còn phần lớn quất vô gốc cột kiểu “nhát gà dọa khỉ”, tại tôi hay la bài hãi mà thôi.
Sau khi tre được chuốt láng, ba tháo kẽm trong cây chổi chà bị cùn tạo thành hình ngôi sao 5 cánh rồi treo lên. Tôi khoái quá chừng, canh lúc ông đi mần xách đem khoe khắp xóm.
Tới nhà ông sáu Két, tôi bị chó rượt, vừa chạy, vừa hét “má ơi cứu con!”, cái lồng tre vướng bụi, lòi chành té bứa chẳng còn ra hình thù gì. Ba đi bắt đăng về, nhìn cái lồng đèn rồi nhìn cái cây trên vách, tôi sợ, dông tuốt về ngoại ở 2 ngày.
Má vô ngoại rước tôi, sẵn xin mấy hộp trà ông bà để dành từ hồi tết. Má nói ba biểu vậy. Ba sẽ dùng mớ giấy kiếng trên lon trà làm lồng đèn cho tôi, ba dặn má nếu tôi không về thì “nghỉ phẻ”. Tôi ôm đít về mà tâm trạng nửa mừng nửa lo.
Tới cửa nhà, thấy ba đang nằm võng kéo thuốc rê, tôi mới yên dạ phần nào, bởi sau những lúc như vậy, ông thường hiền queo. Sau này, khi trải qua những phút trầm mặc tương tự, tôi mới hiểu lý do vì sao. Lúc đó, tình thương dâng trào và chẳng có thứ lỗi lầm nào là lớn cả.
Ba cắt giấy kiếng cẩn thận, ráp vô cái khung đã sửa chắc chắn tự bao giờ. Tháo thêm mớ kẽm từ cây chổi cùn, ông chập đôi rồi quấn thành cái lò xo nhỏ, bỏ vô một cây đèn cầy rồi thắp lửa lên. Lúc đó trời nhá nhem, tôi nhìn cái lồng đèn trân trân, sướng ơi là sướng.
Giấy kiếng gặp lửa nóng từ từ căng ra. Ánh sáng xuyên qua màu đỏ của giấy rồi ánh lên gương mặt của má, của ba và tôi nữa. Gia đình chúng tôi tận hưởng khoảnh khắc thiêng liêng nồng ấm ấy. Thật ra cái lồng đèn đó không đẹp nhưng với tôi chẳng có gì so sánh được.
Má lấy 2 cái bánh trung thu nhỏ bằng bàn tay tôi rồi bẻ làm 4 miếng. Gia đình tôi phá cỗ trong căn nhà lá đơn sơ, uống nước mưa thơm ngọt của trời, mặc ngoài kia trăng vằng vặc đêm thu, bởi chúng tôi đã có hơi ấm gia đình nồng nàn, êm dịu./.
Châu Thanh