Tạo động lực cho sản phẩm công nghiệp nông thôn phát triển
Sau khoảng thời gian dài ấp ủ, đến năm 2020, Công ty (Cty) Cổ phần Thực phẩm HG (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) đã nghiên cứu thử nghiệm, sản xuất thành công và giới thiệu ra thị trường các dòng sản phẩm trái cây sấy giòn không dầu như thanh long, mít, khóm, khoai lang,...
Nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến được cung cấp trực tiếp từ vùng nguyên liệu của các hợp tác xã nông sản trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các sản phẩm này được trồng theo hướng hữu cơ, bảo đảm các chỉ tiêu về an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm HG phân loại, đóng gói sản phẩm thanh long sấy giòn
Giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm HG - Dương Thị Trúc Giang cho biết, sản phẩm trái cây sấy của Cty vừa được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Đây là động lực để Cty tiếp tục đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm.
Theo bà Giang, năm vừa qua, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng Cty Cổ phần Thực phẩm HG vẫn hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhờ kinh nghiệm sản xuất và các đầu mối liên kết, tiêu thụ ở một số tỉnh, thành qua các kênh bán hàng như siêu thị, chuỗi cửa hàng, đại lý. Để đa dạng hóa sản phẩm, Cty tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm một số sản phẩm mới, phù hợp thị hiếu của khách hàng.
Được biết, Cty Cổ phần Thực phẩm HG vừa được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ xây dựng Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại trong chế biến nông sản. Đây là một trong những đề án hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất các sản phẩm từ nông sản giai đoạn 2021 - 2023.
Bộ sản phẩm rượu đế Gò Đen được công nhận là sản phẩm Công nghiệp nông thôn cấp tỉnh năm 2021
Giám đốc Cty Cổ phần Sản xuất, Kinh doanh Đế Gò Đen - Đặng Thanh Hùng thông tin, năm 2021, Cty có 2 bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện là bộ sản phẩm rượu đế Gò Đen và bộ sản phẩm rượu đế Gò Đen Đệ nhất tửu, trong đó bộ sản phẩm rượu đế Gò Đen được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Đây vừa là động lực, vừa là điều kiện để Cty đẩy mạnh việc đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, tăng sức cạnh tranh; đồng thời, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
“Mục tiêu của Cty trong thời gian tới là phát triển các thị trường tiềm năng trong nước như TP.HCM, TP.Hà Nội,... Bên cạnh đó, Cty cũng đang lên kế hoạch để đưa các sản phẩm ra thị trường thế giới. Tín hiệu tích cực là các sản phẩm của Cty đã được công nhận đạt chuẩn HACCP (hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn trong quá trình sản xuất thực phẩm bảo đảm an toàn cho đối tượng tiêu dùng), đây là điều kiện cần để các sản phẩm của Cty có thể xuất khẩu và tiếp cận các thị trường khó tính trên thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm của Cty đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Thời gian tới, Cty tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho cơ sở nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ trong chế biến nhằm tăng sản lượng” - ông Hùng cho biết.
Bà Trần Thị Lành được công nhận là Nghệ nhân thợ giỏi trong ngành Thủ công - mỹ nghệ cấp tỉnh năm 2021
Theo bà Trần Thị Lành - chủ Cơ sở Hàng thủ công Chị Lành (xã Phước Đông, huyện Cần Đước), để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, điều thiết yếu là phải đầu tư trang thiết bị và xây dựng phương thức tổ chức sản xuất phù hợp. Cơ sở Hàng thủ công Chị Lành đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, độ thẩm mỹ cao, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bà Lành cho biết, vừa qua, bộ sản phẩm đan dây nhựa (chủ yếu là giỏ nhựa) của cơ sở tiếp tục được chứng nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Nhận thấy việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa là yếu tố quan trọng, bà Lành đầu tư hệ thống máy cắt dây nhựa để tăng công suất. Đây là bước đệm cho việc mở rộng sản xuất sau này, nhằm tạo ra thêm nhiều sản phẩm đạt chất lượng cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.
“Việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại trong quá trình sản xuất các sản phẩm đan dây nhựa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm giá cả hợp lý để đủ sức cạnh tranh với sản phẩm trong và ngoài nước cùng loại. Hiện nay, cơ sở của tôi chủ yếu vẫn làm gia công theo đơn đặt hàng của Cty. Trung bình mỗi ngày, cơ sở có thể sản xuất khoảng 150 sản phẩm giỏ nhựa các loại” - bà Lành cho biết thêm.
Ngoài ra, bà Trần Thị Lành cũng vừa được công nhận nghệ nhân trong ngành Thủ công - mỹ nghệ cấp tỉnh năm 2021 và đang trình Bộ Công Thương công nhận nghệ nhân ưu tú. Đây là danh hiệu có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, giúp bà tiếp tục nỗ lực giữ nghề và truyền nghề cho thế hệ mai sau; đồng thời, nâng tầm các sản phẩm của cơ sở.
Hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh - Trần Thanh Toản, việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh năm 2021 nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, để có kế hoạch sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy CNNT phát triển; đồng thời, lựa chọn sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tham gia bình chọn cấp khu vực và quốc gia năm 2022.
Ngành Công Thương quảng bá và giới thiệu sản phẩm thông qua hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh
Năm 2021, toàn tỉnh có 21 sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 15 sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 132 sản phẩm CNNT cấp huyện, 67 sản phẩm CNNT cấp tỉnh, 21 sản phẩm CNNT cấp khu vực và 9 sản phẩm CNNT cấp quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trên, vẫn còn một số địa phương chưa thật sự quan tâm triển khai, thực hiện kế hoạch nên không có sản phẩm tham gia bình chọn.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu Sở Công Thương kế hoạch tham gia bình chọn cấp khu vực năm 2022. Đối với các cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp sẽ tiếp tục định hướng ưu tiên tiếp cận, thụ hưởng và kết hợp hỗ trợ thêm các nội dung: Đăng ký xây dựng thương hiệu; xúc tiến kết nối cung - cầu hàng hóa; tham gia các hội chợ, triển lãm để trưng bày, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đầu tư, sản xuất, thuộc địa bàn nông thôn, được phân thành các nhóm: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, để phát huy hiệu quả việc bình chọn sản phẩm CNNT, Sở luôn tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm, hội nghị kết nối cung - cầu trong và ngoài nước, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Sở sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ ứng dụng thiết bị, công nghệ cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp của tỉnh; quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm theo nhiều kênh khác nhau.
Đồng thời, Sở quan tâm hỗ trợ các Cty, cơ sở, hộ kinh doanh có sản phẩm CNNT tiêu biểu đầu tư thiết bị, hoàn thiện bao bì, nâng cao chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Sở đề nghị các địa phương tích cực tuyên truyền, quảng bá lợi ích của chương trình đến các đơn vị sản xuất để họ đầu tư phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương” - bà Lệ cho biết thêm./.
Để phát huy hiệu quả việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn, Sở Công Thương luôn tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm, hội nghị kết nối cung - cầu trong và ngoài nước, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ
|
Bùi Tùng