Tiếng Việt | English

04/09/2018 - 20:27

Nâng cao đời sống người dân

Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Vì vậy, các xã NTM đã và đang tập trung các giải pháp thực hiện nội dung này.

Đời sống người dân dần được nâng cao

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An - Nguyễn Minh Châu cho biết: Xuất phát từ xã nông nghiệp, kết cấu hạ tầng không đồng bộ, sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, Thanh Phú Long ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

XDNTM, xã xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là động lực để thực hiện. Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 54,6 triệu đồng/năm (tăng gần 24 triệu đồng so với thời điểm mới phát động 2012), hộ nghèo giảm còn 2,25%.

Nông thôn mới ngày càng khang trang hơn

Nông thôn mới ngày càng khang trang hơn

Phát huy sức mạnh nội lực cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, Thanh Phú Long huy động trên 1.200 tỉ đồng thực hiện các tiêu chí (TC), trong đó, người dân tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất và đóng góp kinh phí, ngày công lao động để tập trung xây dựng các công trình, hạng mục về hạ tầng.

Đến nay, trụ sở làm việc của xã, đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, chợ, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư được tập trung đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân,...

Những bước phát triển trên chính là kết quả của sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, sâu sát của Đảng ủy, sự phối hợp của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các TC NTM. Danh hiệu NTM là nguồn động lực lớn để chính quyền và người dân Thanh Phú Long tiếp tục phát huy tinh thần “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”.

Thời gian qua, bên cạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng còn tiếp nhận nguồn hỗ trợ, hướng dẫn hộ nghèo sản xuất, chăn nuôi. Công tác tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật được quan tâm nhằm từng bước thay đổi tập quán sản xuất của nông dân. Với hơn 1.800ha đất sản xuất, Vĩnh Bình có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp, năng suất bình quân hàng năm đạt 12 tấn/ha, sản lượng trên 22.000 tấn. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, bên cạnh cây lúa, nông dân Vĩnh Bình còn trồng rau màu như dưa hấu, sen,... với diện tích mỗi vụ hơn 200ha; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với hơn 3.000 con gia súc, gần 55.000 con gia cầm.

Mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình - Nguyễn Minh Thy cho biết: “Những năm qua, xã tập trung phát triển KT-XH, khuyến khích người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, năng suất, sản lượng cây trồng tăng lên. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cũng được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”.

Nhiều giải pháp nâng cao đời sống người dân

Do yêu cầu của bộ TC mới cao hơn nên sau khi rà soát, xã có 3 TC chưa đạt (môi trường, hộ nghèo và y tế). Theo ông Nguyễn Minh Thy, thời gian qua, địa phương xem việc thực hiện các TC này là nhiệm vụ trọng tâm và đề ra những giải pháp để quyết tâm hoàn thành.

Cụ thể, đối với TC môi trường, qua đánh giá tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn xã rất thấp, chỉ đạt 7,86%, đến nay xã được huyện đầu tư 2,4 tỉ đồng xây dựng mới trạm cấp nước tại ấp 2, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn lên gần 50%. Xã thường xuyên tổ chức ra quân cải tạo cảnh quan môi trường, dọn vệ sinh nơi công cộng, thu gom rác thải, nước thải sinh hoạt, vận động các hộ dân tích cực cải tạo cổng ngõ, vườn, nhà ở và nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Qua rà soát hộ nghèo trên địa bàn xã còn 52 hộ, chiếm 5,41%, để đạt TC này, xã tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm để giúp người dân tăng thu nhập, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Vĩnh Bình phấn đấu đến cuối năm 2018 giảm 16 hộ nghèo (tỷ lệ 3,75%). Riêng đối với TC y tế, tỷ lệ hộ dân tham gia bảo hiểm y tế đến nay đạt 83%, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tham gia, phân công các đoàn thể vận động hội viên tham gia mua bảo hiểm đạt theo chỉ tiêu.

Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư

Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư

Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng - Mai Văn Cảm cho biết: “Với sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, đến nay, các TC NTM được duy trì, giữ vững và nâng chất. Để làm được điều này, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, địa phương còn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể; phân công thành viên, cán bộ phụ trách từng nhóm TC”.

Anh Ngân Văn Phi, ngụ xã Hưng Thạnh, phấn khởi chia sẻ: “Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ khoa học - kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đúng hướng, từ đó giảm chi phí, tăng năng suất,... Vì vậy, đời sống người dân ngày càng nâng lên. Hiện nay, Hưng Thạnh thay đổi rất nhiều: Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, người dân có chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm, tham gia tốt các phong trào do địa phương phát động”.

“Thời gian tới, xã Hưng Thạnh tích cực huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Khuyến khích hỗ trợ phát triển các dự án, mô hình sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác bền vững, lâu dài. Giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, có kế hoạch giảm nghèo bền vững,...” - Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh - Mai Văn Cảm cho biết thêm./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết