Tiếng Việt | English

02/09/2022 - 10:40

Nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) giữ vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, năng lực hoạt động của các HTX vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là bài toán khó, cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội để tháo gỡ các khó khăn, giúp HTX phát triển trong thời gian tới.

Hạn chế về năng lực lãnh đạo, quản lý

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Thời gian qua, các HTX nông nghiệp hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, trong đó khó khăn nhất là về năng lực lãnh đạo, quản lý của các HTX. Bởi hiện nay, cán bộ quản lý, điều hành HTX đa số trình độ học vấn chưa đáp ứng yêu cầu, gây không ít khó khăn cho việc tổ chức hoạt động và điều hành HTX theo đúng luật cũng như đáp ứng được quy luật cạnh tranh trên thị trường.

Hợp tác xã muốn phát triển thì người đứng đầu phải năng động, không ngừng đổi mới và ham học hỏi (Ảnh chụp tại Hợp tác xã Nông nghiệp Long Phụng (huyện Cần Giuộc))

Bên cạnh đó, đa số cán bộ điều hành HTX đều là nông dân, ở độ tuổi trung niên và cao niên vẫn còn tư duy bảo thủ, trì trệ, chậm đổi mới. Thực tế cho thấy, nơi nào cán bộ quản lý HTX năng động, sáng tạo và tâm huyết thì nơi đó HTX phát triển mạnh, các thành viên HTX luôn tích cực tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh đề ra. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc), HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa), HTX Rau An toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức,...”.

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương phát triển mạnh về kinh tế hợp tác, trong đó có HTX. Hiện nay, huyện có 15 HTX nông nghiệp chuyên về trái thanh long với gần 600 thành viên tham gia, tổng diện tích sản xuất 444ha, tổng vốn điều lệ 18 tỉ đồng, doanh thu năm 2021 gần 21 tỉ đồng. Dù phát triển mạnh nhưng một số HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn. Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Phú Long (xã Thanh Phú Long) - Nguyễn Thị Mai thông tin: “Năm 2017, HTX Nông nghiệp Thanh Phú Long được thành lập với chức năng kinh doanh dịch vụ các sản phẩm nông nghiệp. Qua thời gian hoạt động, HTX đang gặp một số khó khăn như năng lực tổ chức, điều hành, quản lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn thiếu những biện pháp thực hiện nên chưa thực hiện hết các khâu dịch vụ đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh; công tác điều hành còn hạn chế do lãnh đạo, quản lý đều là cán bộ kiêm nhiệm; một số thành viên HTX chưa thật sự tin tưởng nên còn e dè khi tham gia HTX và chưa sử dụng sản phẩm dịch vụ HTX; HTX vẫn chưa có kế toán;...”.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam, các HTX hoạt động chưa hiệu quả hoặc ngưng hoạt động chủ yếu ban lãnh đạo HTX là nông dân, chưa qua đào tạo nên không tránh khỏi lúng túng trong điều hành. Những hạn chế về trình độ, năng lực của người đứng đầu khiến HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

“... Muốn đi xa đi cùng nhau”

Năm 2015, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức được thành lập với 7 thành viên, vốn điều lệ ban đầu 1 tỉ đồng. Ngành nghề kinh doanh của HTX là: Dịch vụ trước và sau thu hoạch, dịch vụ tưới tiêu, mua bán vật tư nông nghiệp, sản xuất, mua bán giống cây trồng các loại và tín dụng nội bộ. Mục tiêu của HTX là phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của các thành viên, người dân trong xã và các vùng phụ cận; tổ chức tiếp cận các tổng công ty, xí nghiệp đầu mối cung cấp vật tư phục vụ sản xuất để HTX làm đại lý trực tiếp bán trả chậm hoặc vay ngân hàng lãi suất ưu đãi phục vụ đầu vào cho thành viên và người dân vùng phụ cận với giá rẻ không qua nhiều trung gian; phối hợp ngành chuyên môn tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ sinh học vào sản xuất.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận bộc bạch: “Tôi vốn là kỹ sư nhưng đam mê làm nông nghiệp nên quyết định thành lập HTX. Xác định rõ mục tiêu, phương hướng phát triển HTX ngay từ đầu nên tôi chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho trái chanh; đồng thời, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, phát triển cây chanh theo hướng sản xuất sạch, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học,... Hơn hết, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tôi luôn ưu tiên đặt lợi ích của các thành viên trong HTX. Riêng bản thân tôi khi muốn thành viên tích cực tham gia một chiến lược kinh doanh mới, tôi sẽ là người đứng ra đối ứng vốn trước khi vận động. Có như vậy, các thành viên trong HTX mới tin tưởng và ủng hộ, góp phần cho HTX hoạt động hiệu quả”.

Tương tự người lãnh đạo HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức, ông Đặng Duy Dũng (Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phước Thịnh, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) khẳng định: “Muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa đi cùng nhau”. HTX phát triển được đến ngày nay là do các thành viên luôn đoàn kết, quyết tâm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Muốn làm được như vậy thì người lãnh đạo HTX phải năng động, sáng tạo, tâm huyết, nhất là bắt kịp được xu hướng của thị trường và đem về nhiều lợi ích cho thành viên HTX.

Để khắc phục các khó khăn, hạn chế về năng lực quản lý, điều hành HTX, ông Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm: “Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các cấp, các ngành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ HTX, thành viên HTX về các nội dung như lập phương án sản xuất, kinh doanh, kế toán thực hành trong HTX, quản trị nhân sự, quản trị sản xuất; giới thiệu HTX cử người đi đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng; tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm tại một số HTX; xây dựng tài liệu nâng cao năng lực HTX để tuyên truyền; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng và nâng chất HTX; tổ chức hội thảo nâng cao năng lực hoạt động HTX,...

Người lao động đang sơ chế rau tại Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước

Riêng về các địa phương cần đề nghị ban giám đốc HTX phải năng động, sáng tạo, tâm huyết và trách nhiệm trong điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các HTX cần đặt ra mục tiêu rõ ràng về sản xuất, kinh doanh, trong đó, cần liên kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp; hướng đến sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường và giảm chi phí đầu vào”./.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 212 HTX nông nghiệp, trong đó 27 HTX ngưng hoạt động, 185 HTX hoạt động, tổng vốn điều lệ trên 186 tỉ đồng, với gần 5.600 thành viên, diện tích sản xuất trên 21.280ha. Năm 2021, có 55 HTX có doanh thu, với tổng doanh thu gần 160 tỉ đồng, tổng lợi nhuận 9,4 tỉ đồng. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp năm 2021 có 114/210 HTX, trong đó tốt 8 HTX, chiếm 7%; khá 33 HTX, chiếm 29%; trung bình 48 HTX, chiếm trên 42%; yếu 25 HTX, chiếm 21,9%. Còn lại 96 HTX thuộc diện chưa đánh giá do mới thành lập, ngưng hoạt động,...

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết