Tiếng Việt | English

05/10/2021 - 09:40

Nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm (ATTP) có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe con người. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò then chốt, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo đảm ATTP, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Đoàn Thanh Chiến, thời gian qua, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều hoạt động tuyên truyền về ATTP gặp khó khăn nhưng Chi cục nỗ lực trong khả năng có thể với những phương pháp phù hợp để đưa những nội dung về bảo đảm ATTP đến với người dân.

Theo đó, Chi cục phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An phát thanh 35 lần, phát hình 18 lần để tuyên truyền về ATTP trong các đợt trọng điểm: Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì ATTP, Tết Trung thu, bảo đảm ATTP trong mùa hè,... Nội dung phát thanh, phát hình tập trung vào các thông điệp bảo đảm ATTP, 5 “chìa khóa vàng” để có thực phẩm an toàn; hướng dẫn người dân lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; thực hiện ăn chín, uống chín, uống đủ nước; chú ý dự trữ, bảo đảm nguồn nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm,...

Tăng cường tuyên truyền về an toàn thực phẩm tại các địa phương, góp phần nâng cao ý thức người dân (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp Báo Long An thực hiện 5 chuyên trang về ATTP; phối hợp Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh thực hiện 11 chuyến truyền thông lưu động tại các khu vực tập trung đông dân cư, các chợ trên địa bàn tỉnh. Để tạo “điểm nhấn” trong Tháng hành động Vì ATTP với chủ đề Bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình “bình thường mới”, 15 huyện, thị xã, thành phố triển khai tháng hành động bằng hình thức xe cổ động tuyên truyền đồng loạt vào khung giờ từ 7-11 giờ ngày 15/4/2021.

Ngoài ra, Chi cục còn thực hiện các tin, bài đăng trên trang web Cục ATTP (vfa.gov.vn), Cổng thông tin điện tử tỉnh (longan.gov.vn, chuyên mục Sức khỏe), trang web Sở Y tế (syt.longan.gov.vn, chuyên mục Hoạt động chuyên môn - ATTP); phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền khuyến cáo dinh dưỡng cho người mắc Covid-19; bảo đảm ATTP tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin, bếp ăn tập thể; phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền về bảo đảm ATTP và chế độ dinh dưỡng cho người lao động, cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ở tuyến huyện, xã, công tác tuyên truyền ATTP cũng được chú trọng với nhiều hình thức như họp nhóm, vãng gia; phát thanh trên loa, đài của huyện, xã; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền hoặc mở video cho bệnh nhân nghe trong bệnh viện,...

Nhận thức người dân được nâng cao

Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP - Đoàn Thanh Chiến, hiện nay, ý thức về ATTP của người dân chưa đồng đều, nhiều người còn chủ quan trong việc lựa chọn thực phẩm. Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyên sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm,  tình trạng vì lợi ích kinh tế mà sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt vẫn còn; dùng phụ gia không có trong danh mục cho phép hay kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn.

Do đó, Chi cục nỗ lực tuyên truyền tùy theo nhóm đối tượng và xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp. Trong những đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến, bếp ăn tập thể, Chi cục kết hợp tuyên truyền với việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm

Công tác bảo đảm ATTP không chỉ là trách nhiệm riêng của cơ quan, ban, ngành nào mà là nhiệm vụ của cả cộng đồng. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.Tân An - Huỳnh Thị Diễm Lệ cho biết: Hội Phụ nữ thành phố thường xuyên triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh, lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng. Việc bảo đảm ATTP cũng là góp phần thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chỉ thực sự có ý nghĩa khi người dân tiếp thu và ứng dụng, thực hành trong cuộc sống. Chị Đoàn Thị Thanh Thủy (chủ quán ăn tại phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Quán dù nhỏ nhưng hàng năm, chủ quán và nhân viên nấu bếp, phục vụ đều được học lớp kiến thức về ATTP và khám sức khỏe định kỳ. Trong chế biến thức ăn, chúng tôi không sử dụng các phụ gia không rõ nguồn gốc. Thực phẩm bán ra không chỉ ngon mà còn phải bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe thì mới có thể giữ uy tín, tạo được lòng tin với khách hàng”.

An toàn cho sức khỏe là do mỗi người tự quyết định, từ việc sử dụng những thực phẩm sạch trong bữa ăn hàng ngày. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền thì mỗi người phải thực sự là “người tiêu dùng thông minh”, cảnh giác với những nguy cơ từ thực phẩm bẩn, kém chất lượng; chú ý lựa chọn những thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn vì sức khỏe bản thân, gia đình./.

MỘT SỐ NỘI DUNG BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM

I. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế:

1. Tuân thủ các quy định tại Điều 19, 20, 21, 22, 25, 26 và Điều 27 Luật ATTP và các yêu cầu cụ thể sau:

a) Quy trình sản xuất thực phẩm được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;

b) Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho sản phẩm không thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc;

c) Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải dễ làm vệ sinh, không thôi nhiễm chất độc hại và không gây ô nhiễm đối với thực phẩm;

d) Có ủng hoặc giày, dép để sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm;

đ) Bảo đảm không có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; không sử dụng hoá chất diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm;

e) Không bày bán hóa chất dùng cho mục đích khác trong cơ sở kinh doanh phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.

2. Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức ATTP và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

3. Đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 15/2018/NĐCP, ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.

II. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống:

1. Tuân thủ các quy định tại Điều 28, 29 và Điều 30 Luật ATTP và các yêu cầu cụ thể sau:

a) Thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

b) Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm.

2. Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức ATTP, được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

III. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm:

1. Đáp ứng các quy định chung về điều kiện bảo đảm ATTP được quy định tại khoản 1, Điều 19; khoản 1, Điều 20; khoản 1, Điều 21 Luật ATTP.

2. Chỉ được phối trộn các phụ gia thực phẩm khi các phụ gia thực phẩm đó thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và sản phẩm cuối cùng của sự phối trộn không gây ra bất cứ tác hại nào với sức khỏe con người; trường hợp tạo ra một sản phẩm mới, có công dụng mới phải chứng minh công dụng, đối tượng sử dụng và mức sử dụng tối đa.

3. Việc san chia, san chiết phụ gia thực phẩm phải được thực hiện tại cơ sở đủ điều kiện ATTP và ghi nhãn theo quy định hiện hành.

Phạm Ngân - Thùy Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích