Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần thường xuyên tổ chức tiếp, đối thoại với công dân
Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”. Đảng ta xác định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và Nhà nước. Do vậy, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng nhuần nhuyễn, xuyên suốt, thống nhất vào hoạt động tiếp công dân, giải quyết KNTC là một vấn đề hết sức cấp thiết, vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thời sự và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong triển khai thực hiện Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Tố cáo năm 2018 và thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Theo đó, tiếp công dân vừa là hoạt động hết sức quan trọng của các cấp chính quyền của Nhà nước, vừa là "cầu nối" giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thông qua hoạt động tiếp công dân, Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, người đứng đầu nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời thu nhận phản ánh, kiến nghị của công dân để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Còn KNTC là quyền của công dân theo luật định. Giải quyết KNTC là trách nhiệm của các cấp chính quyền. Giải quyết tốt KNTC là góp phần thực hiện quyền dân chủ, khẳng định bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
… Đến trách nhiệm của người đứng đầu
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC được cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, tạo được sự chuyển biến mới trong nhận thức, trách nhiệm, hành động của cả hệ thống chính trị. Nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển KT-XH địa phương. Theo thống kê, về công tác tiếp công dân, 5 năm qua, các sở, ban, ngành, UBND các cấp tổ chức tiếp công dân thường xuyên với 32.716 cuộc/33.917 người và 89 đoàn đông người; người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các cấp tổ chức tiếp 6.860 cuộc/8.023 người; trên lĩnh vực tư pháp, các cơ quan tư pháp 2 cấp tiếp trên 14.000 cuộc/14.746 người và 5 đoàn đông người. Trong công tác giải quyết KNTC, tỷ lệ giải quyết hàng năm đều vượt so với tỷ lệ quy định của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, các sở, ban, ngành, UBND các cấp tiếp nhận 7.183 vụ khiếu nại và 506 vụ tố cáo; giải quyết 6.417 vụ khiếu nại, đạt 89,3% và giải quyết được 473 vụ tố cáo, đạt 93,5%.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC còn một số khó khăn, hạn chế như tình hình KNTC của công dân vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng KNTC đông người, kéo dài, vượt cấp làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự công cộng. Chất lượng tiếp công dân, giải quyết KNTC ở một số địa phương, đơn vị còn thấp; một số lãnh đạo tham gia đối thoại với công dân có thái độ thiếu cầu thị, giải thích vụ việc thiếu tính thuyết phục, một số kiến nghị sau đối thoại chậm được giải quyết và nhiều vụ việc giải quyết chưa bảo đảm thời gian quy định; hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn, thư vẫn còn xảy ra.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế cũng được các cấp nhìn nhận thẳng thắn. Trong đó, một phần do cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và không thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân định kỳ, ngại đối thoại với công dân; hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC chưa được tiến hành thường xuyên, còn hình thức, hiệu quả thấp và một số nguyên nhân liên quan đến cơ chế, chính sách,...
Trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với công tác tiếp, đối thoại với công dân, giải quyết KNTC cũng như vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, KNTC của công dân; kịp thời đối thoại với công dân khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, KNTC của công dân theo thẩm quyền; chấp hành quy định về công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, KNTC của công dân. Trong việc tiếp, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, KNTC của công dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, KNTC theo quy định.
Bên cạnh đó, trong vai trò tham mưu thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức cơ sở đảng phải là hạt nhân trực tiếp lãnh đạo công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân. Cấp ủy cơ sở phải đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể trong kế hoạch công tác; giao trách nhiệm trong tham mưu người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân cho từng cán bộ, đảng viên; lãnh đạo chính quyền, MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh,... cùng tiến hành công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân. Đặc biệt, phải lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, đôn đốc và có sự phối hợp giữa các tổ chức để thực hiện công tác này nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm việc tiếp công dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của công dân
Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy, thời gian tới, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân một cách nghiêm túc, bài bản, cụ thể và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với chương trình học tập, bồi dưỡng của cán bộ, đảng viên; tập huấn nghiệp vụ; sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề; sơ, tổng kết về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Thường xuyên bồi dưỡng phương pháp tiếp dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần tôn trọng và phục vụ nhân dân; xây dựng và thực hành phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Rèn luyện cho cán bộ, đảng viên vận dụng thành thạo các bước tham mưu người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trong tình hình mới cũng như tuyên truyền, giáo dục nhân dân về chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định ở địa phương; vận động, thuyết phục nhân dân hưởng ứng, tham gia phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân.
Tiếp công dân và giải quyết KNTC là hình thức biểu hiện trực tiếp của mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước, qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với nhân dân cũng như thể hiện gián tiếp việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với Nhà nước./.
Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An- Kiên Định