Tiếng Việt | English

01/02/2023 - 19:50

Nặng lòng với học sinh vùng sâu

Sinh ra và lớn lên ở vùng sâu của xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, cô Nguyễn Thị Thanh Ngọc - giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Bình Hòa, lựa chọn trở về quê hương giảng dạy sau khi tốt nghiệp Thủ khoa tại Trường Cao đẳng Sư phạm Long An vào năm 2009, bởi nơi đó có những đứa trẻ còn nhiều khó khăn đang tìm “con chữ”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Ngọc (thứ 5, trái qua) nhận giải Nhất môn Sinh học Hội thi giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh năm 2022

Cô Thanh Ngọc tâm sự: “Ở vùng sâu nên hành trình tìm “con chữ” của tôi cũng lắm gian nan. Những năm học THCS, có lúc tôi bơi xuồng từ 4 giờ 30 phút sáng để qua sông Vàm Cỏ rồi đi bộ đến trường. Trở thành cô giáo, được chọn nơi công tác, tôi quyết định trở về quê. Đó không chỉ vì gần nhà mà còn là cơ hội để tôi dạy trẻ còn khó khăn của quê mình”.

Những ngày đầu về trường, là giáo viên trẻ, chưa có kinh nghiệm, cô Thanh Ngọc gặp không ít khó khăn. Học sinh (HS) của cô đa số có cha, mẹ làm ruộng hoặc làm công nhân nên ở nhà các em tự học là chủ yếu. Một số HS mê chơi trốn học, chơi game, có em thì nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình,... tất cả là thử thách mà cô, trò phải vượt qua. Nhờ sự kiên trì, nỗ lực và sự quan tâm hỗ trợ của ban giám hiệu, đồng nghiệp, cô Thanh Ngọc có những giải pháp phù hợp, giúp HS kiên trì học tập hơn.

Trong giảng dạy, cô Thanh Ngọc căn cứ năng lực của HS, tình hình thực tế của trường, địa phương để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục môn học phù hợp. Cô chủ động trong việc lựa chọn các học liệu: Bài giảng MS-Powerpoint, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng, video, các đồ dùng dạy học phù hợp trong từng tiết học và tự làm đồ dùng dạy học.

“Tôi tạo không khí học tập thoải mái bằng cách tổ chức các trò chơi, liên hệ các tình huống thực tế, thông qua các tiết học trải nghiệm,... Trong các tiết dạy, tôi chủ động sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS như dạy học giải quyết vấn đề, phương pháp thực hành, kỹ thuật phòng tranh, sơ đồ tư duy,... Song song đó, tôi tạo điều kiện, hướng dẫn HS rèn luyện kỹ năng thực hành, thuyết trình, xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với các đối tượng HS,...” - cô Thanh Ngọc tâm sự.

Vừa là giáo viên bộ môn, vừa là giáo viên chủ nhiệm khối 9 nhiều năm, cô Thanh Ngọc thường động viên học trò “Tất cả thành công đều phải trải qua khổ luyện. Các em phải đi từng bước thật chắc để có thể vững bước trên con đường mình chọn” và truyền lửa cho HS bằng thái độ nghiêm túc, tính trách nhiệm, cái tâm của cô đối với nghề.

Không chỉ hết lòng trong giảng dạy, cô Thanh Ngọc còn chú trọng nâng cao kiến thức chuyên môn. Cô nâng cao trình độ lên đại học, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham gia các lớp tập huấn giáo viên cốt cán, đặc biệt là tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh năm 2022 và đoạt giải Nhất./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết