Tất bật sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, thời điểm này, hầu hết diện tích lúa Đông Xuân (ĐX) 2021 - 2022 đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ và thời tiết rất thuận lợi cho sự phát triển của các đối tượng gây hại như bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ,... nên tình hình sâu, bệnh có chiều hướng tăng.
Cụ thể, diện tích lúa ĐX bị nhiễm rầy nâu khoảng 820ha, bệnh đạo ôn cổ bông khoảng 250ha, bệnh lem lép hạt khoảng 245ha,... gây hại trên trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ - chín ở hầu hết các huyện và thị xã Kiến Tường. Thời điểm này, sâu năn cũng đã xuất hiện tại huyện Tân Hưng, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường với mật độ thấp.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa
Tại huyện Thạnh Hóa, vụ ĐX năm nay khả quan, hầu hết trà lúa đều phát triển tốt, sâu, bệnh chưa xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, qua các chuyến thăm đồng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã ghi nhận việc xuất hiện của sâu năn với mật độ thấp.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Hiện nay, toàn huyện đã xuống giống khoảng 19.445ha, đạt 99,7% kế hoạch; trong đó, thu hoạch hơn 1.500ha, năng suất đạt khoảng 6,5 tấn/ha, sản lượng đạt trên 10.100 tấn. Giá lúa hiện nay dao động từ 5.600 - 5.900 đồng/kg, tùy giống. Thời tiết những ngày gần đây khá bất lợi, buổi sáng thường có sương nên rất dễ phát sinh một số loại dịch bệnh. Vì vậy, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương thường xuyên tổ chức thăm đồng để phát hiện và khuyến cáo kịp thời đến người dân các biện pháp phòng ngừa”.
Tập trung sản xuất hiệu quả vụ Đông Xuân 2021 - 2022
Vụ ĐX 2021 - 2022, huyện Tân Trụ đã gieo sạ trên 3.780ha; trong đó, trên 90% diện tích đang trong giai đoạn đòng - trổ. Anh Lê Tuấn Phương (xã Bình Lãng) chia sẻ: “Vụ ĐX năm nay, gia đình tôi xuống giống 1,5ha lúa OM 5451. Đến nay, lúa được trên 35 ngày tuổi và đang phát triển tốt, chưa xuất hiện sâu, bệnh.
Những ngày gần đây, tôi được ngành Nông nghiệp huyện thông báo về tình hình độ mặn trên các tuyến sông nên đã chủ động trong sản xuất”. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo thông tin: “Ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân phải tuân thủ lịch gieo sạ, tuy nhiên vẫn có một số người dân tự ý gieo sạ ngoài lịch. Số diện tích này không nhiều, chỉ khoảng 80ha nhưng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn do thiếu nước ở cuối vụ. Ngành Nông nghiệp huyện đang đề xuất Sở NN&PTNT hỗ trợ tích nước vào hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo để phục vụ nhu cầu sản xuất cho người dân”.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh xuống giống trên 223.900ha lúa ĐX 2021 - 2022, đạt 100,4% kế hoạch, bằng 99,7% so cùng kỳ năm 2021; trong đó, thu hoạch 53.789ha, năng suất khô ước đạt 64,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 342.192 tấn.
Do ảnh hưởng của kỳ triều cường đầu tháng Giêng kết hợp với gió chướng mạnh nên độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh (sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra) dao động ở mức từ 0,60 - 14,3g/l và tiếp tục tăng từ 0,3 - 3,4g/l so với thông báo chất lượng nước ngày 31/01/2022; so cùng kỳ năm 2021, thấp hơn từ 0,4 - 3,5g/l; so cùng kỳ năm 2016 thấp hơn từ 0,4 - 7,2g/l.
Ngành chức năng thăm đồng, kiểm tra chất lượng nước tại các tuyến sông và cống đầu mối trên địa bàn tỉnh
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết, để chủ động phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2021-2022 trên địa bàn tỉnh.
Sở chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước trong đồng và ngoài sông, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi sát sao diễn biến chất lượng nước trên các sông, kênh, rạch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, Xí nghiệp Thủy nông Bảo Định - Tiền Giang điều tiết nước các cống đầu mối hợp lý, bảo đảm kịp thời phục vụ sản xuất.
Những công trình đầu mối điều tiết nước phân công người trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ chất lượng nước, vận hành các cống bảo đảm đủ nguồn nước, chất lượng nước phục vụ sản xuất, chỉ đạo các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, tổ chức theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, thiên tai, đo độ mặn định kỳ 2 lần/tuần và thông báo tình hình chất lượng nước gửi đến các sở, ngành, địa phương liên quan để nắm biết và chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó hạn, xâm nhập mặn kịp thời; đồng thời, thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và chủ động trong sản xuất, bảo đảm an sinh.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là khâu đột phá, năm 2021, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định ban hành Đề án thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc thông tin: “Toàn huyện hiện có hơn 1.120ha rau và gần 370ha tôm ƯDCNC. Thời gian qua, các mô hình sau khi được triển khai đều cho thu nhập cao hơn sản xuất theo quy trình thông thường từ 20-30%. Hầu hết sản phẩm sản xuất trong các mô hình đều được các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ.
Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đối với các sản phẩm; đồng thời, xây dựng dự án quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại để phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương”.
Đầu tư xây dựng nhà màng và hệ thống tưới tự động để phát triển vùng rau công nghệ cao
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Năm 2022, toàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC giai đoạn 2021-2025, trong đó, tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, trên cơ sở đó hỗ trợ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông,… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tính tất yếu của sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với Chương trình Chuyển đổi số của Chính phủ, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi có lợi thế.
“Ngoài ra, lãnh đạo Sở chỉ đạo, tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp các địa phương tăng cường công tác tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công nghệ hướng đến đạt chuẩn doanh nghiệp công nghệ cao theo tiêu chí quy định, làm hồ sơ đề nghị được chứng nhận là doanh nghiệp ƯDCNC,...” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.
Bùi Tùng