Tiếng Việt | English

31/08/2021 - 16:38

Ngày 2/9/1945 ở Sài Gòn: Cờ hoa Đại lộ Cộng hòa ngày lễ Độc lập

Mừng ngày lễ Độc lập đầu tiên của dân tộc, nơi đất Sài Gòn, một không khí thiêng liêng của nhân dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận đón ngày vui diễn ra quanh Đại lộ Cộng hòa.

Quang cảnh lễ Độc lập đầu tiên tại Sài Gòn. ẢNH: TƯ LIỆU

Ngày 2/9/1945 cũng là ngày chủ nhật. Trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, dịch giả của những tác phẩm Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống... nhớ lễ Độc lập diễn ra lúc 14 giờ phía sau nhà thờ Đức Bà với lực lượng tham gia khoảng 20 vạn người đủ mọi giới. Địa điểm tổ chức chính của lễ Độc lập tại Sài Gòn, chính là đường Norodom, đã được đổi tên thành Đại lộ Cộng hòa, tức đường Lê Duẩn, Q.1 hiện nay.

Báo Cứu quốc số 36, ra ngày 5/9/1945 cho biết, trong ngày Độc lập, vào lúc 9 giờ “dân quân cách mạng mới thành lập đã biểu diễn lực lượng tại sân nhà thờ Chúa Bà ở Saigon”. Không khí buổi lễ còn đọng lại trong ký ức của nhiều người bấy giờ, được ghi lại qua hồi ký Saigon Septembre 45 (Trần Tấn Quốc), Hồi ký 1925 - 1964 (Nguyễn Kỳ Nam)… Nhưng sinh động, phải kể đến tường thuật của báo Sài Gòn số 17.022, ra ngày 3/9/1945 nơi bài viết “Quốc dân Việt Nam nhơn ngày lễ mừng Việt Nam độc lập tuyên thệ cương quyết ủng hộ Chánh phủ Lâm thời”.

Đại lộ Cộng hòa (đường Lê Duẩn hiện nay) nơi diễn ra lễ Độc lập. ẢNH: TƯ LIỆU

Nếu như ở Hà Nội ngày hôm ấy khắp toàn thành cờ hoa rực rỡ đón ngày trọng đại của dân tộc với trung tâm là Vườn hoa Ba Đình, thì tại đất Sài Gòn, không khí cũng nô nức như vậy quanh Đại lộ Cộng hòa. Nhà báo Trần Tấn Quốc trong hồi ký Saigon Septembre 45 cho biết, các đoàn thể nào thanh niên, Công giáo, trí thức, lao động ở các địa phương lân cận đã kéo về Sài Gòn để tham dự lễ duyệt binh và mít tinh mừng ngày Độc lập. Trên các con đường nội thành Sài Gòn, các tư gia và công sở treo cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cờ các nước Đồng minh Liên Xô, Mỹ, Anh, Trung Hoa dân quốc.

Lúc 14 giờ, các đoàn thể, tổ chức tề tựu đông đủ tại Đại lộ Cộng hòa, xung quanh tràn ngập khẩu hiệu, biểu ngữ: Việt Nam độc lập! Đả đảo chế độ thực dân! Chết tự do hơn sống nô lệ... Thị uy sức mạnh quân sự cách mạng, 4 sư đoàn dân quân cách mạng diễu qua rất hùng dũng. Dù chưa kịp có quân phục tươm tất, chỉ quần đùi áo ngắn, người mang giày, kẻ chân không, vũ khí hoặc súng liên thanh, hoặc súng hai nòng, hoặc trường kiếm hay dao găm, nhưng tất thảy đều ngẩng cao đầu tư thế của người dân nước độc lập, tự do.

Báo Sài Gòn số 17.022 ghi lại, buổi lễ được khai mạc bằng lời tuyên thệ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên trưởng của Chính phủ trung ương. Lời tuyên thệ toát lên tinh thần giữ vững nền độc lập tự do của Tổ quốc mới giành được vừa ngắn gọn, vừa súc tích: “Chúng tôi lâm thời Chánh phủ Việt Nam dân quốc cộng hòa xin cương quyết lãnh đạo toàn thể quốc dân giữ gìn nền độc lập cho đất nước và thực hiện chương trình Việt Minh để đem lại sự tự do hạnh phúc cho dân tộc. Chúng tôi quyết hy sanh tánh mạng để vượt qua mọi sự khó nguy hiểm, và xin thề cương quyết chống mọi sự mưu mô xâm lược dầu chết cũng cam lòng”.

Báo Sài Gòn số 17.022, ra ngày 3/9/1945 tường thuật lễ Độc lập tại Sài Gòn. ẢNH: TƯ LIỆU

Lời tuyên thệ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vừa dứt, tức thì quốc dân đồng bào dự lễ muôn người như một cũng đồng thanh hô vang lời thề. Lời thề ấy, báo Cờ giải phóng số 20, ra ngày 27/9/1945 ghi lại nội dung trong bài “Thực hiện lời thề” thể hiện rõ tinh thần đồng lòng chung sức bảo vệ nền độc lập tự do của quốc gia dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu:

“Chúng tôi toàn thể dân Việt Nam xin thề kiên quyết một lòng: ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng tôi xin thề: cùng Chính phủ giữ quyền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng.

Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi xin thề:

- Không đi lính cho Pháp;

- Không làm việc cho Pháp;

- Không bán lương thực cho Pháp;

- Không đưa đường cho Pháp;

- Đoàn kết để diệt Pháp”.

Tiếp sau đó, là lời khẳng định với các quốc gia, dân tộc trên thế giới về quyền sống độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, nền độc lập “không trái với độc lập và tự do của bất cứ một quốc gia, một dân tộc nào khác”, cùng lời kêu gọi quốc dân đồng bào sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho đất nước khi kẻ thù quay trở lại xâm lược.

Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu bước lên lễ đài phát biểu, thể hiện sự ứng biến linh hoạt trước tình hình cũng như phát huy được tinh thần cơ bản của bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Hà Nội (phần này sẽ được đề cập rõ hơn ở bài viết sau).

Ngày lễ Độc lập kết thúc với cuộc biểu dương lực lượng của dân quân qua các con đường của thành phố. Theo hồi ký Saigon Septembre 45, từ Đại lộ Cộng hòa, một tốp di chuyển xuống đường Ba-lê Công xã (đường Catinat, nay là Đồng Khởi), một tốp vào đường Yersin (đường Taberd, tức đường Nguyễn Du hiện nay) “đi có trật tự dưới những biểu ngữ giăng ngang đường viết bằng các thứ chử [chữ]: Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Tàu và Việt” như “Độc lập hay là chết”, “Independence or death”, “Việt Nam dân chủ muôn năm”..../.

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết