Chiều giữa tháng mười một Âm lịch, lòng bỗng mênh mang khi chợt nghe trên đài thông báo, miền Bắc đang đón đợt rét đậm, rét hại đầu tiên trong năm. Còn ở đây, suốt con đường từ Sài Gòn về TP.Tân An, tỉnh Long An, bầu trời xám mờ, mưa bay bay mong manh như sương giăng một buổi sớm mùa đông ngày nắng vàng. Bâng khuâng. Cảm giác như đang đi giữa một chiều đất Bắc.
Đã nhiều năm trở lại đây, khí hậu 2 miền thay đổi nên hoa trái cũng dần dần biến đổi theo. Và tôi thấy, đã có hẳn một mùa quả sấu trên đất phương Nam. Thật lạ và thú vị!
Ảnh minh họa
Hơn mười năm trước, tôi lần đầu tiên đặt chân đến Trường Chính trị tỉnh. Những khi ở lại ký túc xá, mấy đứa thường tản bộ dưới những tán cây xanh mát. Tôi khá bất ngờ khi phát hiện một hàng cây sấu trước nhà ở của học viên. Khi ấy, những cây sấu đang trong thời kỳ trưởng thành, tán lá vừa mới che kín hàng gạch bao tròn quanh gốc.
Mùa hè, trên những kẽ lá, lác đác có những chùm hoa nở trắng vàng li ti. Nhưng sau những trận mưa giữa mùa, hoa sấu rụng tơi tả, nằm la liệt trên mặt đất cùng xác những chú ve sầu mới lột.
Những ai đã từng sinh sống hay học tập ở Hà Nội sẽ không xa lạ gì với hàng cây sấu cổ thụ trên đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu,... xung quanh Hoàng Thành Thăng Long, dài dài trên phố cổ. Mùa xuân, lá sấu xanh rợp một góc trời. Đầu hè, hoa sấu trắng ngần, thơm xôn xao góc phố, lá sấu trải vàng dưới chân những tòa biệt thự cổ. Từ mùa thu đến hết mùa đông, lá sấu rụng nhưng không trơ trọi như lá bàng. Những tán lá vẫn âm thầm giữ mãi màu xanh. Vàng vàng xanh xanh như trong những “mùa cổ điển”.
Giữa một chiều oi ả, dừng chân bên quán Bờ Hồ, thưởng thức một ly sấu dầm nước đá, cảm giác thật mát rượi. Và một trong những món quà không thể thiếu từ Hà Nội mang về đất phương Nam là món ô mai xí muội sấu xào gừng. Món lạ, vừa chua chua, vừa mặn ngọt, vừa cay cay đậm đà nơi đầu lưỡi,...
Ngày mới cưới, chúng tôi đi bên nhau dưới những hàng cây sấu. Mỗi năm học trôi qua, tán lá lại che thêm một khoảng nắng vàng cho sân trường rợp mát. Hai đứa con tôi lần lượt ra đời khi mẹ nó vẫn đang là học viên, ở ký túc xá ngay dưới chân những hàng cây sấu.
Được chăm sóc kỹ, những cây sấu cứ lớn bổng hẳn lên. Nhưng có lẽ do thổ nhưỡng, khí hậu hay duyên lành chưa đủ, mỗi mùa, những cánh hoa cứ hồi hộp trổ rồi âm thầm rụng xuống. Người ta bảo, muốn ăn quả chỉ có thể là sấu mang về từ Hà Nội. Sấu miền Nam chẳng bao giờ “biết đẻ”.
Bẵng đi gần mười năm, chúng tôi lại về học dưới mái trường chính trị. Bé gái đầu lòng mới ngày nào còn theo mẹ lên lớp nay đã thành học sinh cuối cấp. Bóng mát tỏa ra từ hàng sấu đã phủ kín cả khoảng không gian mênh mông giữa nhà ký túc xá phía sau và giảng đường chính.
Những thân cây một người ôm không hết, da đóng vảy xù xì nổi u nần, bí ẩn như trở về từ một miền cổ tích. Tôi đếm, vẫn còn đủ mười cây. Và kỳ lạ thay, trong tán lá xanh um những chùm quả nhấp nhô vàng ẩn hiện.
Nghe thầy chủ nhiệm kể về sự tích hàng sấu: Hồi xưa, khi thầy đi học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngoài Hà Nội đã đem lòng thầm thương một cô bạn chung lớp. Những ngày cuối tuần, thầy thường cùng nhóm bạn, trong đó có người thương lang thang bên phố cổ. Và thức uống ưa thích nhất của cả nhóm chỉ là sấu đá vỉa hè, bất kể mùa nào trong năm. Người con gái đất Bắc ấy cũng có tình cảm đặc biệt với giọng ca cổ mùi mẫn của chàng trai miền Nam. Nhưng hoàn cảnh trái ngang, khi ấy gia đình thầy đã hứa hôn nên chẳng thể nào cạn lời ngỏ ý. Tốt nghiệp, thầy mang về miền đất mai vàng những cây sấu con, trồng trong sân trường làm kỷ niệm.
Giờ đây, những cây sấu đã trở thành cổ thụ và gần như chẳng người nào còn quan tâm tới câu chuyện nhuốm màu cổ tích đó nữa. Chỉ biết rằng, mỗi năm nơi sân Trường Chính trị tỉnh lại dâng tặng cho đời một mùa quả sấu đất phương Nam./.
Nguyễn Hội