Tiếng Việt | English

09/12/2024 - 12:30

Bóng dáng quê hương qua từng sợi cỏ bàng

Cỏ bàng tưởng chừng chỉ có thể tìm thấy ở những vùng quê "đất mặn đồng chua" nay lại trở thành sản phẩm thời trang hiện đại. Ngoài những chiếc đệm ngủ, cỏ bàng hiện còn được “biến hóa” thành túi xách, ví, ba lô du lịch được bạn bè, du khách gần xa ưa chuộng.

Sản phẩm túi xách cỏ bàng của cơ sở Miền Tây Xanh

Bàng vốn là loài cây thích nghi với đất chua, phèn, thường mọc dại ở Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng,... nhất là khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Từ xa xưa, người dân đã biết dùng bàng đương đệm nằm thay chiếu hoặc đương nón, giỏ xách và nhiều vật dụng khác trong nhà.

Bà Nguyễn Thị Lên (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) kể, từ thời mẹ bà đã biết đương cỏ bàng. Không chỉ đương đệm, bàng còn được làm thành trúm bắt cá, võng, bao đựng lúa và cặp cho học sinh đi học,...

“Vùng này xưa nhiều bàng mọc dại lắm, ai lớn lên cũng biết nghề đương cỏ bàng. Đàn ông có thể đi nhổ bàng, giã bàng, còn phụ nữ thì đương nhưng nói chung, hễ biết rồi thì khâu nào cũng làm được” - bà Lên chia sẻ.

Cây bàng gắn bó với đời sống hàng ngày của người dân và cùng nhân dân đánh giặc qua hình ảnh “Nóp với giáo mang trên vai nhưng thân trai nào kém oai hùng” (Nam Bộ kháng chiến). Nóp là túi ngủ chống muỗi đương bằng bàng, thường được những người lính vệ quốc dùng trong cuộc trường chinh chống ngoại xâm khi điều kiện của quân đội ta còn khó khăn.

Theo Địa chí Long An, từ trước, một bộ phận không nhỏ người dân Đồng Tháp Mười sống bằng nghề đương bàng, vào mùa nông nhàn, con số đó lên đến 30-40%. Ngày nay, khi đời sống người dân ngày càng phát triển, các cánh đồng bàng mọc hoang được thay bằng ruộng lúa phì nhiêu, vườn cây ăn trái. Dù diện tích bàng đã thu hẹp đáng kể thì người nhổ bàng, đương bàng vẫn còn và các sản phẩm từ cây bàng vẫn được ưa chuộng trong cuộc sống hiện đại.

Bằng sự khéo léo và tư duy nhạy bén, người dân Long An “nâng tầm” giá trị các sản phẩm cỏ bàng. Giờ đây, cỏ bàng không chỉ là nguyên liệu làm ra những vật dụng đơn giản phục vụ đời sống hàng ngày mà trở thành mặt hàng cao cấp, đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Là một trong những người tâm huyết và đi đầu trong sản xuất sản phẩm từ cỏ bàng, anh Bùi Thành Được (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) xây dựng thành công thương hiệu Miền Tây Xanh với nhiều sản phẩm từ cỏ bàng cao cấp như túi xách thời trang, ví, ba lô, nón du lịch,... được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích.

Anh Được chia sẻ, ý tưởng ban đầu là sản xuất ống hút cỏ bàng nhưng dần về sau, nhận ra cỏ bàng còn có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác được thị trường ưa chuộng.

Để các sản phẩm túi xách cỏ bàng đa dạng, hiện đại, anh Bùi Thành Được (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) tỉ mỉ từ khâu đo, cắt nguyên liệu đến in ấn hoa văn

Bên cạnh đó, sản phẩm túi, ví, nón lá cỏ bàng với những hoa văn vẽ tay của chị Ngô Thị Kim Dung (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) cũng có mặt trên gian hàng sản phẩm lưu niệm tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bằng sự khéo léo và sáng tạo, chị Dung “khoác áo mới” cho các sản phẩm từ cỏ bàng, từ đó nâng giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập của người làm nghề đương bàng tại địa phương.

Khách tham quan xem sản phẩm túi cỏ bàng do chị Ngô Thị Kim Dung (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) trang trí

Chị Võ Thị Tuyết Mai (xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) kể, xóm chị vẫn còn một số người giữ nghề đương bàng, chủ yếu là đương sản phẩm thông dụng để cung cấp cho các chợ tại TP.HCM. Từ khi có cơ hội kết nối với chị Kim Dung, người dân đương thêm các sản phẩm: Nón, túi xách, ba lô,... để cung cấp theo yêu cầu.

“Các sản phẩm mà chị Dung yêu cầu thường có mẫu mã đa dạng nhưng với thợ lành nghề thì không hề khó. Sản phẩm đòi hỏi độ tỉ mỉ cao hơn các mặt hàng phổ thông và có giá cao hơn nên ai cũng vui vẻ nhận” - chị Tuyết Mai nói.

Không chỉ mẫu mã đa dạng, tinh tế mà nhiều sản phẩm từ cỏ bàng còn “góp mặt” trong danh sách sản phẩm OCOP của tỉnh như một lời khẳng định về chất lượng.

Cây cỏ bàng, loài cây mọc dại và có mặt ở khắp các địa phương trong tỉnh giờ đây đã thực sự nâng tầm. Nghề nhổ bàng, đương bàng từ thời ông bà truyền lại chẳng những được giữ gìn mà còn “nâng chất” và phát triển./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết