Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc
Mối nguy hại từ ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu (NĐR) là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác. NĐR biểu hiện ở các mức độ khác nhau, từ nhẹ (không kiềm chế cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng xiêu vẹo) đến nặng (nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân của NĐR là lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm như uống phải rượu pha cồn công nghiệp Methanol hoặc Ethylene glycol; uống rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (mật, phủ tạng,...). Trong 1 “đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml (2-12 độ) hoặc 1 chén rượu vang 125ml (9-18 độ) hay 1 chén rượu mạnh 40ml (40 độ). Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày, nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu/ngày được coi là lạm dụng rượu.
Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần,... Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng
NĐR mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu. Ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố Methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép. Những năm trở lại đây, tình trạng sản xuất rượu giả, rượu lậu ngày càng gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Trước nguy cơ NĐR do chứa cồn công nghiệp, thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh truyền thông lưu động để tuyên truyền phòng, chống NĐR trong các đợt trọng điểm.
Theo các chuyên gia, trên thực tế, rất khó để phân biệt rượu nấu (Ethanol) và rượu pha cồn công nghiệp Methanol bằng vị giác và khứu giác. Các biểu hiện của 2 loại ngộ độc Methanol và Ethanol cũng rất giống nhau khiến nhiều người lầm tưởng. Dấu hiệu để nhận biết đã uống phải rượu công nghiệp là một vài người sẽ xảy ra tình trạng dị ứng sớm và xuất hiện một vài triệu chứng điển hình như buồn nôn, nôn nhiều, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái,...
Ngộ độc Methanol nếu có các dấu hiệu sớm và được phát hiện sớm, tiến hành xử lý, điều trị kịp thời thì khả năng bệnh trở nặng rất thấp. Và ngược lại, nếu biểu hiện từ từ và không được phát hiện kịp thời thì sẽ có thể để lại hậu quả lâu dài, thậm chí tử vong. Thực tế cho thấy, hầu hết nạn nhân bị ngộ độc đều được phát hiện muộn do nhầm tưởng với say rượu thông thường.
Để phòng tránh NĐR, các chuyên gia khuyến cáo người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng từ khâu sản xuất đến phân phối. Việc mua bán phải có mã hàng, hóa đơn, bảo đảm có thể truy xuất đơn vị sản xuất. Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày, tương đương 30ml rượu mạnh (40-43 độ), 100ml rượu vang (13,5 độ), 330ml bia hơi (5 độ), 2/3 chai 500ml hoặc lon bia 330ml (5 độ) để bảo đảm an toàn sức khỏe. Tuyệt đối không được uống cồn công nghiệp và không pha rượu từ cồn công nghiệp.
Tuyên truyền về tác hại của rượu, bia để người dân biết và hạn chế sử dụng
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu; không sản xuất, kinh doanh rượu không bảo đảm an toàn như rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa Methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác./.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia, cần thực hiện các nguyên tắc sau:
1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.
Không sử dụng bia điều trị ngộ độc rượu Ethanol
Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra. Các chuyên gia chống độc khẳng định, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu vì nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống thêm rượu, bia thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia, do lạm dụng có thể tác hại xấu đến sức khỏe. Khi nghi ngờ ngộ độc do uống rượu, bia phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc; rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa Methanol - chất cồn thường dùng trong công nghiệp, bị nghiêm cấm sử dụng trong thực phẩm.
Một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
- Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 1-4 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm đ, khoản 12, Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm e, khoản 12, Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2018/NĐ-CP). Ngoài ra, phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
|
Huỳnh Hương