Tiếng Việt | English

26/05/2024 - 08:58

Ngôi trường mang tên Đại tướng

Đạo đức và ý chí mới làm nên giá trị một con người

Mang trái tim tình nguyện

Hồng Trâm đứng trước cửa Phòng Giáo dục, tròn mắt chữ O, mồm chữ A. Chao ơi! Những căn phòng cấp bốn cũ kĩ, kế đó có mấy phòng nội trú càng lụp xụp hơn, mái nhà chỉ bằng ngọn cây bàng. Chắc chắn đang có cái gì đó vỡ ra trong em, hoặc cảm giác như đang bước hụt một nấc cấp. Tôi hiểu và đồng cảm trước gương mặt bối rối của em. Ra trường, muốn đi theo tiếng gọi “đâu cần thanh niên có” nên đã xung phong lên núi chứ cô gái chân yếu tay mềm ở giữa lòng thị xã làm sao hình dung nổi quang cảnh đìu hiu, xơ xác này.

Dạy Văn, nghe dư luận phàn nàn về chuyện học sinh chán Văn, ngán Sử, cô giáo Hồng Trâm tâm niệm nghề dạy học là nghề tạo hứng thú. Em say mê, miệt mài với bục giảng như người nghệ sĩ, xem đó là “đền thờ” của đời mình.

Giờ thì em tin, mình sinh ra để làm cô giáo - khi được hỏi nhân duyên dẫn đến đường cầm phấn, em nói như vậy.

Nhìn cách em đứng lớp, tôi bị thuyết phục hoàn toàn. Cũng như năm đó, mới xong thời gian tập sự nhưng em được tham gia hội giảng cấp tỉnh. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đã tự tin nghĩ tiết dạy thực sự thành công vì mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát và lèo lái khéo léo của em. Và ý nghĩ đó của tôi đã được một thầy giám khảo củng cố khi hết tiết dạy, thầy bước lên bắt tay em trên bục giảng, nói dạy bài này thật hay.

Tôi biết em đã sung sướng ngất ngây cái giây phút ấy, ngỡ đôi tay nhỏ bé được vinh dự nằm gọn trong lòng tay của Napoleon.

Minh họa: Internet

Nhọc nhằn với bức tường đời

Em lấy chồng, một chàng trẻ, nhỏ hơn em hai tuổi. Tôi vẫn vui vẻ chúc phúc vì tôn trọng tối đa lựa chọn của em. Dù mảnh đất này, bà chị đồng nghiệp tôi về trước, dày dạn sương gió hơn và chàng trai đó lại là học trò cũ. Trò cũ, lại chủ nhiệm hai năm nên cô giáo phần nào nắm bắt được cốt lõi nhân cách.

Một lòng một dạ với nhà chồng, động viên, vẽ đường cho chồng đi học tiếp từ cái bằng trung cấp nhưng khi chàng “vinh quy bái tổ” thì vẻ hống hách đã xuất hiện trong đôi mắt dẹt. Là cô giáo, đi dạy, chăm con, nai lưng với nửa hécta khoai mì, nói chung, em làm việc như thể trong em có sức lực của hai người. Khi em bị bệnh, sau trận đại phẫu, về nhà với bộ dạng xanh xao như chiếc lá cuối thu thì chồng sẵn sàng cặp bồ với nàng trẻ.

Dù đớn đau đứt ruột nhưng em sẵn sàng từ bỏ ngôi nhà mình đã đổ mồ hôi, nước mắt để đem con về nhà mẹ. Đi làm xa nhà và tìm các nguồn giúp đỡ học sinh khó khăn, em bị mang tai tiếng, có người rủa thẳng “lưu manh giả danh trí thức” vì xin được mười, chỉ cho một. Gặp tôi, em khóc. Tôi an ủi, đủ bản lĩnh đối mặt thị phi thì tiếp tục, không thì thôi. Đã xác định “sinh nghề tử nghiệp”
thì không “trách lẫn trời gần trời xa” chi. Thấy em ngày càng tiều tụy, với sức khỏe này, nếu cứ tiếp tục, tôi e chỉ cầm cự được vài năm rồi em phải nuốt nước mắt rời bỏ cái “đền thờ” đời mình thôi. Chẳng còn cách nào, tôi động viên em làm đơn xin chuyển trường.

Sau ba năm liên tục làm đơn với lời hẹn chừng nào thiếu chỉ tiêu sẽ xem xét. Em có vẻ chán ngán với những chuyến xe - dù vẫn giữ lửa cho từng câu giảng. Tôi (lại) động viên em gắng đợi.

Và một ngày đang dạy trên núi, tôi được thông báo em đã có quyết định được chuyển về xuôi. Tôi ôm em, hai chị em sắp chia tay nhau nhưng vui mừng nhảy cẫng. Những giọt nước mắt hạnh phúc ngập tràn trên má nhau...

May mắn được gặp những người thầy nhân ái

Em được chuyển công tác về quê mẹ - thị xã ở dưới xuôi - Trường THCS Võ Nguyên Giáp.

Dạy được hai hôm, hôm thứ ba, thầy hiệu trưởng hẹn em lên phòng. Em hơi rụt rè, nghi ngại, có giáo viên nào được hiệu trưởng gọi lên phòng uống nước trà mà không sợ. Nhưng khi em bước vào, thầy đã lật đật trấn an không có chuyện gì. Rồi thầy trao đổi ngay với cô giáo mới về những học sinh đặc biệt khó khăn của trường. Kinh ngạc lẫn xúc động, em đã không nghĩ ở cương vị hiệu trưởng của một trường chuẩn quốc gia trăm công nghìn việc mà thầy lại tường tận hoàn cảnh học sinh đến vậy. Thầy hiệu trưởng trực tiếp đứng ra kêu gọi giúp trò nghèo thì giáo viên của thầy sao có thể bàng quan với những đôi mắt nhọc nhằn trẻ thơ được.

Ở ngôi trường này, điều làm em cảm kích là nhiều thầy, cô giáo luôn trăn trở với học trò nghèo. Thật là điều cao đẹp, ở đây, em đã tìm thấy giá trị đích thực của giáo dục. Em không đơn độc trên hành trình của mình mà còn cảm thấy hổ thẹn vì sự kém cỏi trong công tác này. Xúc động thật sự. Bỏ tiền túi, gây quỹ từ thiện bằng việc làm cụ thể. Nếu nhà trường có liên hoan, các cô đều tìm cách đưa một, hai học trò thật sự khó khăn đến “ngồi cỗ” với thầy cô. Học trò rụt rè khi ngồi chung bàn, các cô động viên trò mạnh dạn và gắp thức ăn bỏ đầy chén. Thầy hiệu trưởng không quên nhắc các cô giáo chủ nhiệm đem một phần về cho trò nghèo của lớp.

Nhìn theo học trò ra về, một cô nói: Tội, có mẹ cũng như không. Một cô khác bảo: Em ấy đã có mẹ Trân, mẹ Thường rồi.
“Mẹ Trân, mẹ Thường”, nghĩ đến câu hát “cô giáo như mẹ hiền”, cô giáo Hồng Trâm mủi lòng chực khóc.

... và những học sinh vượt khó

Lúc mới tới trường nộp quyết định, ấn tượng đầu tiên của tôi là “Thư viện xanh” với những chiếc kệ đựng sách ngoài khu vườn râm mát cùng những bộ bàn ghế đá xinh xắn. Kế đó là một vườn lan to, phía bên góc có chiếc bảng khiêm tốn “Cựu học sinh Trường THCS Võ Nguyên Giáp kính tặng!”. Đi một vòng quanh trường, những chỗ có trang bị bồn rửa tay, nước sát khuẩn đều có một dòng chữ nhỏ cùng nội dung như chiếc bảng ngoài vườn hoa. Thật ấn tượng! Đây là ngôi trường thứ tư tôi đến dạy (chưa kể nhiều ngôi trường đã học và đến thăm) nhưng đây là nét khác biệt ở ngôi trường mang tên vị Đại tướng lừng danh này. Một giáo viên cũ chia sẻ, đây là quà của những học trò thành đạt. Ngày xưa các em cũng khó khăn, mang ơn sự nâng đỡ nên giờ thường xuyên hỗ trợ trường và các em nhỏ. Hy vọng thế hệ đàn em sẽ noi gương...

Học trò lớp tôi chủ nhiệm, em Nguyên Khương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con (có tới 6 anh chị em); cha mẹ quanh năm vất vả tảo tần với công việc sản xuất rau xanh ở vùng đất nhiễm mặn, hiệu quả canh tác thấp nên đã nghèo càng nghèo, đã cực càng cực. Trong hoàn cảnh ấy, cô bé Nguyên Khương đã có ý thức từ rất sớm về nỗi khổ của cảnh đói nghèo. Khương nhanh chóng hiểu ra: Muốn thoát nghèo, chỉ có duy nhất một con đường: Học!

Khương là đội viên gương mẫu, một người bạn tốt. Khương nhiệt tình giúp đỡ bạn bè trong học tập cũng như trong các công việc khác nếu các bạn có nhu cầu giúp đỡ. Em là niềm tự hào của toàn trường. Em học giỏi toàn diện. Tôi vui mừng khi thấy em sớm bộc lộ năng khiếu văn chương nhưng em lại khẳng định mình có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn Lịch sử. Trong các giờ học Sử, Khương luôn hào hứng và chủ động. Khương sẽ phản biện khi các bạn trong lớp nói Sử là môn học bài. Em khẳng định, học Lịch sử thì không thể chỉ thuộc bài mà giỏi được, học Sử cũng cần tư duy. Khương nói rằng, em mong muốn các bạn cùng lớp, các bạn học sinh trên khắp Việt Nam đừng quay lưng lại với lịch sử dân tộc. Lịch sử là quá khứ của dân tộc. Một người không có quá khứ thì làm sao bước đến tương lai? Yêu Lịch sử là yêu đất nước, yêu dân tộc mình… - em ấy thật sâu sắc!/.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Chia sẻ bài viết