Người dân ít tăng đàn
Cuối năm là thời điểm nhu cầu thực phẩm tăng mạnh. Thời gian này những năm trước, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu tăng đàn phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, năm nay, số hộ chăn nuôi GSGC tăng đàn không nhiều, một số hộ chăn nuôi lâu năm chọn cách duy trì đàn để “giữ” thương lái.
Rất ít hộ chăn nuôi gia cầm tăng đàn phục vụ thị trường tết
Theo ông Nguyễn Văn Thuận (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước), heo con bắt về nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng mỗi con khoảng 100kg. Hiện giá bán heo hơi khoảng 52.000-57.000 đồng/kg, thấp hơn từ 3.000-4.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng nên gia đình ông chỉ duy trì nuôi khoảng 20 con, cả heo thịt lẫn heo giống.
Trước đây, có thời điểm gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) nuôi hàng chục con heo thịt. Thông thường, từ tháng 10, gia đình ông đã tập trung tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán nhưng năm nay, thời điểm này, ông chỉ nuôi 2 con heo giống và tái đàn trên 10 con heo thịt.
Ông Hiệp bộc bạch: “Hiện nay, giá heo hơi khá thấp và dự kiến tiếp tục giảm. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn dao động trên 320.000 đồng/bao (loại 25kg). Do đó, thay vì tái đàn ồ ạt, tôi chỉ tái đàn cầm chừng, nhiều chuồng phải bỏ trống dù đang vào thời kỳ cao điểm”.
Cùng chung tâm lý e ngại như ông Thuận và ông Hiệp, ông Nguyễn Văn Thông (xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) cũng chỉ nuôi 12 con heo thịt để phục vụ thị trường tết năm nay, số lượng heo giảm một nửa so với năm 2022.
Ông Thông nói: “Để nuôi 1 con heo thịt đạt 100kg, tôi phải sử dụng 9 bao cám loại 2 với giá trên 300.000 đồng/bao và 1 bao cám loại 1 với giá trên 450.000 đồng/bao, riêng giá heo giống dao động từ 1,6-1,8 triệu đồng, tính ra chi phí nuôi 1 con heo đến lúc xuất bán gần 5 triệu đồng. Nếu giá bán vụ Tết Nguyên đán vẫn giữ ở mức như hiện nay thì người chăn nuôi chắc chắn lỗ nên tôi không dám nuôi nhiều”.
Người nuôi heo duy trì đàn phục vụ thị trường tết
Theo một số thương lái buôn bán thịt heo tại chợ Tân Hưng (huyện Tân Hưng), để chuẩn bị nguồn cung cho đợt tết, hàng năm, họ đều chủ động tìm mua và đặt cọc heo hơi từ sớm, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Năm nay, nguồn cung heo hơi không nhiều nhưng cơ bản bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh nuôi heo, người dân còn tất bật chuẩn bị tái đàn GC để lấy trứng và thịt. Bà Nguyễn Thị Nhỏ (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Cũng như những năm trước, năm nay, gia đình tôi vẫn chuẩn bị nguồn cung trứng GC vào những tháng cuối năm bởi mặt hàng này thường hút hàng sớm do nhu cầu làm nguyên liệu chế biến các loại bánh phục vụ tết”.
Các loại thịt GC cũng là mặt hàng thực phẩm có sức tiêu thụ cao vào dịp Tết Nguyên đán. Nắm bắt nhu cầu này, chị Lê Thị Hương (xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) chủ động nuôi đàn vịt gần 100 con để bán thịt. Chị Hương cho biết, những tháng cuối năm, việc nuôi vịt sẽ gặp nhiều rủi ro do ảnh hưởng thời tiết giao mùa. Do vậy, chị đã sớm làm kín chuồng trại để bảo vệ đàn GC, tránh thất thoát trong lúc này.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 9,6 triệu con GC, trên 101.000 con heo và trên 123.800 con trâu, bò. Nhìn chung, nguồn cung GSGC vẫn đang được duy trì ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Cần thận trọng khi tái đàn
Điểm thuận lợi cho ngành chăn nuôi hiện nay chính là ý thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao. Đến thời điểm này, các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được nhiều người áp dụng vì mang lại hiệu quả cao, giúp hoạt động chăn nuôi của nông dân và công tác quản lý của cán bộ thú y trên địa bàn tỉnh trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, người chăn nuôi còn đang gặp một số vấn đề khó khăn như dịch bệnh dễ phát sinh, giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn ở mức cao làm cho chi phí đầu tư nhiều hơn dẫn đến lợi nhuận giảm. Đồng thời, đa số người dân chăn nuôi với quy mô nhỏ, lẻ, chủ yếu tiêu thụ thông qua thương lái nên vấn đề đầu ra khá bấp bênh, chưa được bảo đảm.
Người chăn nuôi cần thường xuyên chăm sóc, theo dõi đàn gà để sớm phát hiện và khống chế dịch bệnh lây lan
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến thất thường, nắng mưa xen kẽ, kèm các đợt không khí lạnh nên đàn vật nuôi không kịp thích nghi dẫn đến sức đề kháng kém, dễ bị các loại virút tấn công, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển. Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh cho GSGC.
Ngoài việc tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ, người chăn nuôi phải tiêm phòng bổ sung khi tái đàn; tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại;... Khi phát hiện dịch bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng.
“Cùng với đó, nhằm bảo đảm việc tái đàn mang lại hiệu quả cao, người chăn nuôi cần cập nhật liên tục thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như những quy tắc quan trọng trong chăn nuôi như nhập con giống rõ nguồn gốc, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; không nên tăng đàn ồ ạt, thường xuyên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi.
Đồng thời, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn, đặc biệt là các hộ tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi” - ông Phan Văn Nỉ cho biết.
Bệnh cúm gia cầm đang xuất hiện trở lại, người chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng thông tin: Để tiếp tục công tác bảo vệ đàn vật nuôi cung ứng dịp tết, Chi cục đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi GSGC thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc-xin trên đàn vật nuôi để phòng, chống các loại dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Chi cục triển khai, thực hiện các kế hoạch vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao; thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật xuất, nhập vào tỉnh để bảo đảm sản phẩm chăn nuôi được lưu thông thuận lợi; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y ở các điểm mua, bán động vật, sản phẩm động vật để bảo đảm an toàn nguồn thịt cung ứng đến tay người tiêu dùng.
“Người chăn nuôi khi tái đàn cần chọn mua con giống tại những cơ sở có uy tín, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được kiểm tra, kiểm dịch theo đúng quy định; đồng thời, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh;...” - bà Huỳnh Thị Kim Phượng khuyến cáo./.
Bùi Tùng