Tiếng Việt | English

24/02/2022 - 08:27

Người chăn nuôi ngại tái đàn gia súc, gia cầm

Dịp Tết Nguyên đán Nhầm Dần vừa qua, một lượng lớn gia súc, gia cầm (GS, GC) trên địa bàn tỉnh đã được tiêu thụ. Vì vậy, việc tái đàn sau tết có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định lại hoạt động chăn nuôi và bảo đảm nguồn cung thực phẩm. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trên GS, GC có chiều hướng diễn biến phức tạp nên nhiều người chăn nuôi khá dè dặt trong việc tái đàn.

Người dân thận trọng tái đàn

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An - Lê Thị Mai Khanh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 80.000 con heo; hơn 120.000 con trâu, bò và hơn 8,4 triệu con GC. Thời điểm này, nguồn cung thực phẩm cho thị trường cơ bản vẫn bảo đảm. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi nên nhiều người dân có tâm lý lo ngại khi tái đầu tư chăn nuôi.

Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cần được quan tâm trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, dễ phát sinh, lây lan mầm bệnh

Tâm lý lo ngại này cũng là tâm lý chung của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Mức đầu tư chăn nuôi cao nhưng giá bán các loại thịt thương phẩm lại thấp nên nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ. Đây là nguyên nhân các hộ chăn nuôi không mấy mặn mà với việc tái đàn vật nuôi.

Theo ông Phạm Văn Hùng (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc), dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, gia đình ông đã xuất bán lứa gà gần 3.000 con, thua lỗ gần 50 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông đã vệ sinh hệ thống chuồng trại và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho lứa nuôi mới. Tuy nhiên, ông Hùng dự tính chỉ nuôi cầm chừng khoảng 1.000 con, sau đó tùy vào tình hình mới tiếp tục nhân rộng.

Đưa chúng tôi đi thăm khu chuồng trại đã được vệ sinh, khử khuẩn cẩn thận chuẩn bị đón lứa nuôi mới, ông Hùng chia sẻ: “Người chăn nuôi thường tập trung tái đàn từ tháng 1-3. Song, đây là thời điểm giao mùa, các dịch bệnh trên GS, GC dễ phát sinh cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao nên ngoài nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi, việc quan trọng là tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Dù chuẩn bị rất kỹ cho lứa nuôi mới nhưng để tránh rủi ro, tôi không chọn tái đàn ồ ạt mà trước mắt chỉ nuôi cầm chừng, nếu thấy ổn thì mới tăng đàn”.

Còn ông Phạm Văn Ba (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, giá gà không cao, chỉ từ 45.000-55.000 đồng/kg nên người chăn nuôi không có lãi. Hiện nay, gia đình tôi vẫn còn khoảng 700 con gà thịt chưa xuất bán được. Sau đợt này, tôi sẽ dừng nuôi khoảng 2 tháng để chờ giá gà ổn định trở lại mới nuôi tiếp”.

Người chăn nuôi không ồ ạt tái đàn do lo ngại dịch bệnh

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc thông tin: Đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, không phát sinh dịch bệnh khó kiểm soát trên đàn GS, GC. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường sau tết, huyện đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn theo hướng bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đến nay, tổng đàn heo toàn huyện gần 2.400 con; đàn trâu, bò hơn 1.500 con; đàn GC hơn 600.000 con.

Anh Lê Văn Hừng (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Mặc dù chuồng trại của gia đình tôi có thể nuôi khoảng 50 con heo thịt nhưng đợt này tôi chỉ nuôi 10 con. Để bảo đảm sức khỏe của đàn heo, gia đình đã khơi thông cống rãnh, tránh ẩm ướt, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ nền chuồng, sàn, tường bằng vôi bột và hóa chất Cloramin B. Đối với con giống, ngoài tuyển chọn kỹ từ các cơ sở cung cấp uy tín, khi về trang trại sẽ áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng sinh học, an toàn và tuân thủ chặt chẽ việc tiêm phòng vắc-xin”.

Theo Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh - Lê Tấn Tài, trung tâm hiện có 169 con heo giống, trong đó, có 115 con đang sinh sản và 54 con giống là hậu bị trong tổng đàn 891 con. Thời gian gần đây, lượng khách hàng đặt mua heo con tăng lên khá nhiều, một số người còn hỏi mua heo hậu bị. Tuy nhiên, trung tâm hiện chỉ bán heo con khi đủ cân nặng và không bán heo hậu bị.

“Trước tình hình dịch tả heo châu Phi đang có dấu hiệu quay trở lại và diễn biến phức tạp, trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, trong đó, chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi và tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn heo” - ông Tài cho biết.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Thời điểm hiện tại, thời tiết vào giai đoạn giao mùa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên GS, GC rất cao. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương tăng cường hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 28 hộ thuộc các huyện, thị xã, thành phố: Bến Lức, Tân Trụ, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Cần Đước, Thạnh Hóa, Châu Thành, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An, tổng số heo tiêu hủy là 611 con.

Người chăn nuôi chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại

Ông Trần Hữu Điệp (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) cho biết, gia đình ông vừa tái đàn với số lượng 20 con heo, bằng với số lượng heo của đợt nuôi trước. “Để bảo đảm an toàn cho đàn heo, trước khi tái đàn, tôi đã vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất điều kiện phát sinh dịch bệnh” - ông Điệp nói.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm, để công tác tái đàn mang lại hiệu quả cao, huyện đã thúc đẩy các chính sách hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin, thuốc sát trùng,... cho các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn. Cùng với đó, huyện tiếp tục mở các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho nông dân.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu tái đàn. Các hộ chăn nuôi nên nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Khi tái đàn vật nuôi, cần chọn con giống tốt, sạch bệnh; đồng thời, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan chức năng;... Ngành Nông nghiệp tỉnh đang tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2022 để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình sớm ổn định sản xuất và phát triển chăn nuôi an toàn.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương tiến hành rà soát, thống kê số lượng, sản lượng, đánh giá cơ cấu đàn GS, GC để xây dựng kế hoạch phát triển đàn vật nuôi phù hợp, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt, không theo định hướng, không sát với nhu cầu thị trường. Đồng thời, đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn các hộ nuôi áp dụng nghiêm ngặt các phương pháp vệ sinh sau khi xuất bán vật nuôi: Thực hiện tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, dung dịch sát khuẩn chuồng nuôi và khu vực xung quanh; cải tạo chuồng trại bảo đảm cao ráo, thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa; để trống chuồng trại ít nhất 2 tuần trước khi nuôi lứa mới;...

“Người chăn nuôi cần thường xuyên chăm sóc, kiểm tra tình hình sức khỏe của đàn vật nuôi, tăng cường cung cấp thức ăn, nước uống, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vào những thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột cần bổ sung vitamin, men tiêu hóa,... để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Khi phát hiện GS, GC bệnh, chết bất thường hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người chăn nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý thích hợp, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Ngoài ra, ngành tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm GC, dịch tả heo châu Phi; tăng cường kiểm soát vận chuyển GS, GC và sản phẩm từ GS, GC; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định” - bà Khanh cho biết thêm./.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu tái đàn. Các hộ chăn nuôi nên nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt cầu. Khi tái đàn vật nuôi, cần chọn con giống tốt, sạch bệnh; đồng thời, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan chức năng;...

Ngành Nông nghiệp tỉnh đang tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2022 để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình sớm ổn định sản xuất và phát triển chăn nuôi an toàn”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích