Không dám tái đàn ồ ạt
Những năm trước, vào thời điểm này, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Long An đang tập trung tái đàn, tăng đàn để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết hộ chăn nuôi heo nuôi cầm chừng, cẩn trọng khi tái đàn mặc dù giá heo hơi đang tăng cao.
Nhằm phục vụ thị trường tết, hiện nay, trên địa bàn tình Long An thúc đẩy chăn nuôi bò và gia cầm,... bù đắp cho nguồn thịt heo bị thiếu hụt
Dù số lượng heo nuôi không nhiều nhưng thời gian này, gia đình anh Nguyễn Văn Đức (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) không dám tái đàn ồ ạt để chuẩn bị cho thị trường tết. Theo anh Đức, thông thường, sau khi tách mẹ, heo con được nuôi khoảng 3-4 tháng sẽ bán heo thịt. Khoảng thời gian này là thời điểm thích hợp để người chăn nuôi tái đàn chuẩn bị cho thị trường tết nhưng vì đầu năm 2019, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra nên hầu hết hộ chăn nuôi e ngại hoặc cẩn trọng tái đàn. Anh Đức trăn trở, giá heo đang tăng cao, tuần qua, có người xuất bán với giá 58.000 đồng/kg, lãi trên 1 triệu đồng/con nhưng số hộ có heo thịt để bán trong thời gian này không nhiều. Những năm trước, khi giá heo hơi tăng cao, đặc biệt lại chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán, người dân sẽ ồ ạt tái đàn, mở rộng chăn nuôi, còn hiện nay, hầu hết người chăn nuôi heo tại địa phương chỉ tự cung tự cấp (heo nhà sinh sản đến đâu nuôi đến đó chứ không nhập heo con từ bên ngoài về nuôi).
Hiện nay, gia đình anh Đức đang nuôi 3 con heo nái, 30 con heo thương phẩm, trong đó có khoảng 15 con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng. Dù không có nhiều heo chuẩn bị cho thị trường tết nhưng gia đình anh cũng không dám tái đàn từ nguồn heo bên ngoài vì sợ dịch bệnh lây lan. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, thời gian qua, gia đình anh tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho vật nuôi. Từ khi xảy ra DTHCP trên địa bàn, bất cứ phương tiện nào qua lại đều phải phun thuốc khử trùng, khu vực chăn nuôi chỉ có 2 người chăm sóc được ra, vào.
Ông Nguyễn Văn Giàu (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) có gần 10 năm chăn nuôi heo, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thường xuyên duy trì đàn heo hàng chục con. Tuy nhiên, thời gian qua, DTHCP gây thiệt hại cho nhiều hộ chăn nuôi nên gia đình tôi luôn cẩn trọng khi tái đàn. Địa phương cũng khuyến cáo người dân cẩn trọng, không nên tái đàn ồ ạt bởi thị trường heo thịt, tình hình dịch bệnh cuối năm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Không những giá heo tăng, hiện nay, giá gà, vịt cũng tương đối ổn định. Hiện nay, giá gà thả vườn dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg nên người chăn nuôi có lãi. Để kịp thời gian cung cấp sản phẩm cho thị trường tết, gia đình anh Nguyễn Văn Sang (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) nuôi gần 1.000 con gà thịt. Anh Sang cho biết: “Mỗi năm, gia đình nuôi 4 lứa gà, trung bình mỗi lứa từ 500 con trở lên, còn dịp tết thì tăng tổng đàn lên khoảng 1.000 con. Để có đàn gà khỏe mạnh phục vụ thị trường tết, ngoài việc tiêm đầy đủ các loại vắc-xin, khi gà được 25 ngày tuổi, gia đình thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, giúp gà kháng khuẩn, dịch bệnh và bổ sung các loại vitamin thích hợp,... Nếu như thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá gà ở mức ổn định như thế này thì sau 3 tháng chăm sóc, mỗi con gà cho lãi 20.000 đồng”.
Người chăn nuôi thận trọng tái đàn
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, toàn huyện có trên 60% số lượng heo bị tiêu hủy do DTHCP, người chăn nuôi thiệt hại từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Hiện nhiều hộ chuyển sang nuôi gia cầm để tăng thu nhập, tái đàn kịp phục vụ thị trường tết. Trước tình hình trên, huyện khuyến cáo người dân thận trọng trong tái đàn gia súc, gia cầm và phải bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
Quản lý chặt dịch bệnh
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, trong điều kiện hiện nay, người chăn nuôi heo tái đàn phải tuân thủ hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh, tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, con giống phải nhập từ những đơn vị có uy tín,... nhằm bảo đảm an toàn cho vật nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Việc tái đàn với người chăn nuôi nhỏ, lẻ hiện rất khó. Các hộ chăn nuôi lớn, doanh nghiệp thì khả năng tái đàn cao theo phương pháp an toàn sinh học. Trong tái đàn, người chăn nuôi khi nhập giống gia súc, gia cầm ngoài tỉnh phải kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra đầy đủ; không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch nhằm tránh thiệt hại và ảnh hưởng đến an toàn dịch bệnh trên địa bàn.
Giá gà, vịt ổn định, người chăn nuôi tái đàn phục vụ tết
Thời điểm cuối năm, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất dễ xảy ra do thời tiết diễn biến bất thường. Bên cạnh đó, tình trạng giết mổ, buôn bán tại một số chợ, cơ sở chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả,... rất dễ xảy ra. Do đó, lực lượng thú y địa phương phải tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi; phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý và tiêu độc, khử trùng các cơ sở giết mổ; có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ tự phát,... Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi; tập trung giám sát các trang trại, gia trại, nông hộ chăn nuôi tại các địa phương. Lực lượng thú y triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng để phòng trừ dịch bệnh tái phát trên đàn vật nuôi.
“Nhằm phục vụ thị trường tết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh thúc đẩy chăn nuôi bò và gia cầm,... bù đắp cho nguồn thịt heo bị thiếu hụt” - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm./.
Trong tuần, giá gà thả vườn, vịt ổn định so với tuần trước. Cụ thể: Gà có giá từ 60.000-85.000 đồng/kg; vịt từ 45.000-60.000 đồng/kg. Giá heo tăng so với tuần trước, từ 5-6 triệu đồng/tạ, tăng 1-1,2 triệu đồng/tạ.
Đến nay, dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại 2.544 hộ trên địa bàn tỉnh. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy trên 62.900 con, ước kinh phí hỗ trợ tiêu hủy heo trên 138 tỉ đồng.
|
Huỳnh Phong