Tiếng Việt | English

31/01/2023 - 23:50

Người đàn ông khuyết tật đa tài

Cơn sốt bại liệt khi mới 9 tháng tuổi đã khiến anh Tô Ngọc Anh (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) không đi đứng được. Không đầu hàng trước số phận, anh nỗ lực học nghề để vươn lên, chứng minh với mọi người rằng nếu có nghị lực, cần cù thì người khuyết tật vẫn có thể làm được nhiều điều ý nghĩa.

Từ những miếng gỗ vô tri, với đôi tay khéo léo, chỉ cần vài phút, anh đã cho ra tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cách nói chuyện gần gũi, chân thành, anh luôn tạo được ấn tượng tốt với khách hàng. Anh bộc bạch: “Không đi đứng được, nhưng mọi việc trong nhà từ làm cỏ, đào đất, giăng câu, đặt lọp,... tôi đều làm được. Với tôi, không có việc gì là khó, quan trọng là sự nỗ lực của bản thân, nếu làm một lần không được thì mình làm nhiều lần, làm riết cũng sẽ được”.

Dù bị khuyết tật nhưng anh Tô Ngọc Anh vẫn nỗ lực học nghề, khẳng định với mọi người rằng: "Nếu có nghị lực, cần cù, người khuyết tật vẫn có thể làm được nhiều việc như người bình thường"

Được biết, anh Ngọc Anh là con thứ 4 trong gia đình làm nông. Lúc 9 tháng tuổi, anh trải qua cơn sốt, bị liệt 2 chân. Gia đình tìm cách chạy chữa nhưng không có kết quả. 6 tuổi, nhìn những đứa trẻ trong xóm đến trường, anh xin cha mẹ cho mình đi học. Thương con, cha mẹ anh phân công các anh chị em trong nhà thay phiên nhau đưa, rước Ngọc Anh. Học hết lớp 9, anh quyết định vừa đi học nghề, vừa phụ gia đình việc đồng áng.

Anh Ngọc Anh cho biết thêm: “Từ nhỏ, tôi có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật nên quyết định học nghề thợ bạc để thỏa sức sáng tạo. Sau khi học nghề, tôi mãi vẫn không tìm được việc làm, trong khi đó, kinh tế gia đình khó khăn nên không thể tự mở tiệm kinh doanh. Bằng ý chí, nghị lực, tôi gom hết số tiền dành dụm được trên 25 triệu đồng làm học phí học nghề cưa lộng trên gỗ. Học nghề này đòi hỏi sự cần mẫn, sáng tạo, thầy chỉ dạy những điều cơ bản. Nhớ ngày đầu khi mới học nghề, tôi thường cưa vào tay, chảy máu, tay chỗ cầm cưa thì chai cứng. Ban đầu, những sản phẩm làm ra chưa được đẹp nhưng được các bạn sinh viên Trường Đại học Cần Thơ mua ủng hộ, tôi mừng lắm và lấy đó làm động lực để rèn luyện tay nghề”.

Một sản phẩm do bàn tay khéo léo của anh Tô Ngọc Anh làm ra

Sự kiên trì, nhẫn nại cùng lòng đam mê đã giúp anh Ngọc Anh có thu nhập ổn định từ nghề cưa lộng trên gỗ. Đặc biệt, chính nghề này đã xe duyên cho anh và chị Nguyễn Thị Diệu Ngọc nên vợ chồng. Chị Diệu Ngọc chia sẻ: “Tôi thương sự gần gũi, chân thành của anh. Trong trò chuyện, anh luôn truyền đi nguồn năng lượng tích cực. Ban đầu, gia đình tôi cũng phản đối vì anh là người khuyết tật, nhưng sau đó mọi người lại ủng hộ vì cảm nhận được nghị lực và tình yêu của anh dành cho tôi. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức đơn giản nhưng rất đầm ấm và nhận được sự chúc phúc của nhiều người”.

Được biết, ngày thường, vợ chồng anh Ngọc Anh và chị Diệu Ngọc sẽ bày biện dụng cụ cưa lộng ở Chợ đêm Bến Ninh Kiều, còn mỗi dịp tết sẽ lên Chợ hoa xuân TP.Tân An làm ra các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ bán cho khách tham quan, thu nhập trên 300.000 đồng/ngày. Công việc tuy vất vả, thu nhập không cao nhưng đó là cả niềm đam mê, tâm huyết của vợ chồng anh. Anh nói, mình còn may mắn hơn nhiều người khi được sống với niềm đam mê./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết