![Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đóng góp Đề án bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2025](https://www.baolongan.vn/image/news/2025/20250214/images/z6317280159892_35d20b83c2ada7c044de1c5c753eb349.jpg)
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Lê Thị Song An phát biểu tại phiên thảo luận
Tham gia đóng góp Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Long An Lê Thị Song An cho rằng, Đề án này được xây dựng dựa trên các cơ sở thực tiễn rất cụ thể là kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.
Đặc biệt là trong năm 2024, nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Nền kinh tế phục hồi nhanh trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài và trong nước, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới. GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm một số ít nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực, thế giới.
Các đột phá chiến lược được triển khai quyết liệt, với tinh thần đổi mới sáng tạo và sự quyết tâm cao độ, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đề án cũng đánh giá các thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen trong năm 2025. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức cũng có những thời cơ mới có thể xuất hiện. Do đó, cần chủ động nắm bắt, khai thác tối đa mọi cơ hội, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá và "về đích"; đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài, bắt đầu từ năm 2026. Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 97-KL/TW, số 123/KL/TW của Trung ương, Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 08/01/2025 của Chính phủ, Đề án cũng nêu thêm 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tăng trưởng năm 2025.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, theo đại biểu Lê Thị Song An nêu: Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều luật, nghị định, thông tư để tháo gỡ các "điểm nghẽn" về chính sách pháp luật, góp phần khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Có thể nói, tư duy xây dựng pháp luật trong thời gian qua được đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là số lượng luật, nghị quyết được thông qua trong năm 2024 nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay với 31 luật, 42 nghị quyết (chiếm gần 50% tổng số nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành từ đầu nhiệm kỳ đến nay), trong đó có 8 nghị quyết quy phạm pháp luật, được đa số đại biểu Quốc hội tán thành rất cao.
Riêng Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật, gần bằng 1/3 tổng số luật được thông qua từ đầu nhiệm kỳ. Trong đó, kỹ thuật lập pháp "dùng một luật sửa nhiều luật"', thông qua theo quy trình 1 kỳ họp được áp dụng khi ban hành 1 luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư và 1 luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn; góp phần khắc phục "điểm nghẽn" thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
![Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đóng góp Đề án bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2025](https://www.baolongan.vn/image/news/2025/20250214/images/z6317272724093_2ef99680ea85e62893ab1b5708e59ed2.jpg)
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hiện nay thể chế vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 cuối năm 2024.
Đảng, Nhà nước đang nỗ lực cải cách bộ máy nhà nước, giảm đầu mối và cấp trung gian, từ đó có thể rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc trao quyền, phân cấp, phân quyền thực thi cần đảm bảo địa phương có đủ tự chủ để phát huy năng lực. Đây là một "bài toán khó", vì sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, bên cạnh đó đâu đó vẫn còn có tâm lý "sợ sai," không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Từ đó, đại biểu Song An đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, các thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, tăng sự chủ động, sáng tạo của từng bộ, ngành, địa phương, tạo sự đột phá, khơi thông nguồn lực để phát triển bền vững.
Tiếp theo là giải pháp tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ dành rất nhiều nguồn lưc để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần quan trọng vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cung ứng tốt hơn các dịch vụ công, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Nhiều công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành đã giúp xử lý những điểm nghẽn, giải quyết những nhu cầu bức thiết về giao thông vận tải, thông tin truyền thông, phòng, chống và khám chữa bệnh, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa,… trong đời sống kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh.
Và tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội cũng cho chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội, TP.HCM để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Để đạt được mục tiêu tăng tăng trưởng đạt 8% trở lên, làm nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo, đại biểu Song An cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và đầu tư tư nhân; tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, phấn đấu đưa tỉ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% ngân sách nhà nước, nhằm dành nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư phát triển.
Song song đó cũng cần bảo đảm triển khai hoàn thành đúng tiến độ các dự án quan trọng mà tờ trình Chính phủ cũng đã nêu như hoàn thành Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia.
Đặc biệt, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm tiến độ các tuyến giao thông trọng điểm đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như nâng cấp, mở rộng 3 tuyến quốc lộ kết nối vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long là các tuyến 53, 62 và 91B, đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường Vành đai 4,… Vì theo đại biểu Song An, giao thông vận tải đi trước mở đường, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy sự liên kết trong phát triển của đất nước. Nếu chậm giờ nào sẽ làm chậm cơ hội phát triển của từng địa phương, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của cả nước.
Ngoài ra, đại biểu Song An cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hoàn thiện các cơ chế kiểm tra, giám sát, khơi thông mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, đảm bảo đầu tư thật sự hiệu quả, tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là kiểm soát được vấn đề nợ công quốc gia.
Với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Long An tin tưởng rằng đất nước chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025, tạo ra những bước tiến vững chắc cho tương lai của đất nước./.
Kiến Quốc