Tiếng Việt | English

30/12/2016 - 21:15

Người làm báo trong thời kỳ hội nhập

Làm gì để các thể loại báo chí phát triển vững vàng trong sự phát triển của mạng xã hội; đạo đức của người làm báo; đào tạo nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, chính trị cho những người làm báo…là những vấn đề được nhiều nhà báo quan tâm.

Sáng 30/12, Hội Nhà báo tỉnh Long An tổ chức Hội thảo báo chí “Người làm báo trong thời kỳ hội nhập” với sự tham gia của đội ngũ những người làm báo 6 tỉnh Bắc sông Hậu: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh và Long An.

Nhà báo Nguyễn Thị Xuân Tươi (Báo Vĩnh Long) phát biểu tại hội thảo

Mở đầu cho những phát biểu tham luận, nhà báo Cao Công Thức – Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tiền Giang cho rằng có cả thời cơ lẫn thách thức đối với nhà báo thời hội nhập. Nếu có thời cơ mà không tận dụng thì bị tuột mất, còn ngược lại trong thách thức nếu được xử lý tốt thì vẫn có thể trở thành thời cơ.

“Trong xu thế phát triển truyền thông đa phương tiện, đòi hỏi nhà báo phải biết ứng dụng các kỹ thuật truyền thông mới và trở thành một nhà báo đa kỹ năng để có thể sản xuất được các tác phẩm báo chí ở nhiều thể loại khác nhau”, Nhà báo Cao Công Thức nói.

Nhà báo Trần Văn Hợp – Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh và Truyền hình Long An nêu lên vấn đề, thời gian qua, lượng khán giả xem truyền hình đang có sự sụt giảm đáng kể. Vậy thì xu hướng phát triển phải ra sao?

Theo nhà báo Trần Văn Hợp, để truyền hình có sức mạnh chinh phục khán giả thì phải đổi mới thông tin và thông tin phải có chất lượng cao. Không chỉ truyền hình mà các thể loại báo chí khác cũng đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ với nhau, trong đó có cả mạng xã hội nên cũng cần phải đổi mới, nâng chất để tồn tại, phát triển.


Nhiều nhà báo đến từ 6 tỉnh tham dự hội thảo

Về vấn đề đạo đức của người làm báo, nhà báo Trần Quang Nhựt – Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh 4 vấn đề. Đó là người làm báo phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân; hành nghề phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật và có cuộc sống lành mạnh, trong sáng.

“Một nhà báo như thế cộng với tư duy sâu sắc, có kiến thức vững vàng, am hiểu nhiều vấn đề xã hội, các lĩnh vực và chuyên nghiệp trong khai thác, xử lý thông tin, sẽ làm ra được những sản phẩm báo chí có giá trị phục vụ cho đời sống xã hội”, nhà báo Quang Nhựt bày tỏ.

Còn với Nhà báo trẻ, Nguyễn Thị Xuân Tươi (Báo Vĩnh Long), đạo đức vừa là một đòi hỏi tự thân, vừa là nhu cầu của xã hội. Nhà báo có vai trò quan trọng trong xã hội và đạo đức sẽ đi kèm sự vinh quang đó. Vì vậy, nhà báo phải luôn rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp để được nhắc đến với thái độ tôn trọng trong bất cứ trường hợp nào.

“Nghề báo được xã hội tôn trọng, nhưng có tính đào thải khắc nghiệt. Vì thế muốn theo đuổi nghề này thì tiêu chí đầu tiên phải yêu nghề. Nếu thật lòng yêu nghề thì các bạn sẽ biết phải làm gì. Nếu không yêu thì hãy đổi nghề ngay”, nhà báo Xuân Tươi rút ra kinh nghiệm.

Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam – Nguyễn Văn Phước Cường:

Chủ đề Hội thảo “Người làm báo trong thời kỳ hội nhập” do Hội Nhà báo 6 tỉnh Bắc sông Hậu đặt ra là rất sát thực với sự phát triển của báo chí hiện nay. Qua đó cũng khẳng định rõ tầm quan trọng của báo chí trong sự phát triển của xã hội. Đối với những người làm báo, cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình và luôn tiên phong trong chống lại các tiêu cực, hủ tục trong xã hội để xứng đáng là những người “bút sắc, lòng trong, phò chính trừ tà”.

Nhà báo Nguyễn Thành Nam (Báo Đồng Tháp) thì đánh giá ngắn gọn rằng, nhà báo thiếu trách nhiệm đối với tác phẩm của mình cũng chính là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Dù thủ pháp, kỹ thuật có độc đáo, nội dung mới lạ đến mấy, nhưng nếu bài viết thể hiện quan điểm lạc hậu, thậm chí sai kiến thức và pháp luật thì không thể được đồng tình.

“Nhà báo cần lắm một chữ tâm. Trước khi viết tin, bài, các nhà báo phải tìm hiểu kỹ bản chất của các sự kiện, vấn đề”, nhà báo Duy Sơn (Báo Ấp Bắc) nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, các nhà báo Phùng Tấn Tú (Báo Long An), Nguyễn Thị Hồng Thư (Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long), Nguyễn Thanh Hải (Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang) đã trình bày tham luận về vấn đề đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm báo.

Các tham luận đều cho rằng, trong cơ quan báo chí của các tỉnh, đội ngũ phóng viên hiện còn khá trẻ và chưa nhiều kinh nghiệm. Những năm qua, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí của các tỉnh đều rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị cho người làm báo. Hiệu quả của công tác này thể hiện rất rõ bằng tác phẩm đăng tải trên báo chí có chất lượng cao và tạo hiệu ứng tốt trong đời sống xã hội./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết