Tiếng Việt | English

05/05/2021 - 20:05

Người lính Cụ Hồ giữa đời thường

Mất sức lao động trên 81%, những khi trái gió, trở trời, vết thương không ngừng tái phát, thậm chí phải nhập viện cưa chân đến 4 lần, thế nhưng thương binh hạng 1/4 Ngô Văn Năm, ngụ khu phố 5, phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An vẫn phát huy tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, nhất là luôn truyền ngọn lửa nhiệt huyết, tấm lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Vợ chồng ông Năm làm nghề in lụa thủ công

Vợ chồng ông Năm làm nghề in lụa thủ công

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, mấy mươi năm qua từ khi trở về với cuộc sống đời thường, ông Ngô Văn Năm vẫn không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Điều đó được minh chứng khi hàng tháng ông có thu nhập hàng chục triệu đồng, số tiền mà không phải người tàn tật nào cũng có thể làm được, thậm chí có nhiều người bình thường cũng không có thu nhập ổn định như ông Năm.

Ngồi trong ngôi nhà cấp 4 khang trang, bên sông Vàm Cỏ Đông, ông Năm bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng từng “vào sinh, ra tử” cũng như những gian khó khi mới lập nghiệp mà có lẽ suốt cuộc đời này, ông cũng không bao giờ quên. Ông Năm nói: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, tôi luôn lấy cha mình làm tấm gương sáng để học hỏi và noi theo. Do đó, năm 1985, tôi mạnh dạn tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Dẫu biết rằng lúc đó chiến tranh diễn ra rất ác liệt, bộ đội ta có rất nhiều người hy sinh nhưng tôi vẫn không sợ. Năm 1988, trong một trận đánh, tôi bị mai phục, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, còn tôi bị thương nặng phải cưa bàn chân và mù 1 mắt. Dù bị thương nặng, tôi vẫn cảm thấy mình may mắn hơn các đồng đội khác vì còn được trở về quê hương, còn có người thân ở bên cạnh. Biến đau thương, mất mát thành sức mạnh, tôi quyết định đi học nghề để tự nuôi sống bản thân, sống có ích cho xã hội như lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế””.

Năm 1989, sau khi rời chiến trường, trở về quê hương, ông Năm đi học nghề điêu khắc do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ miễn phí cho thương, bệnh binh. Năm 1990, ông Năm rời Long An lên TP.HCM làm điêu khắc gỗ trong một công ty. Tại đây, bà Nguyễn Thị Bé Sáu cảm mến trước nghị lực, tinh thần vượt khó của ông Năm nên đã kết duyên vợ chồng. Sau đó, ông bà trở về quê lập nghiệp bằng nghề in lụa thủ công.

Bà Sáu trải lòng: “Ban đầu đến với nghề in lụa thủ công, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, trang thiết bị, máy móc hạn chế và chưa có nhiều đơn đặt hàng. Song, vợ chồng tôi được sự ủng hộ, tạo điều kiện từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương để có nhiều đơn đặt hàng và nơi làm việc. Bằng sự kiên trì, ham học hỏi, vợ chồng tôi ngày càng khẳng định được thương hiệu, uy tín trong nghề in lụa, với thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng”.

Theo quan sát, in lụa đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao, nhất là phải có tâm huyết mới cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời đại công nghệ số. Được biết, in lụa thủ công có lợi thế là in được trên mọi chất liệu, hình khối. Việc in lụa chia thành nhiều giai đoạn như đầu tiên người thợ phải lên ma-két trên máy vi tính, sau đó in phim bằng chất liệu giấy can, tiếp đến chụp qua khung lụa bằng tơ tằm, cuối cùng mới in lên chất liệu và chờ khô.

Ông Năm cho biết thêm: “Người nào có đam mê, nhiệt huyết mới làm được nghề này. Bản thân tôi khi làm ra một sản phẩm đẹp, ưng ý, vừa lòng khách hàng cũng phải trải qua nhiều vất vả. Đó là những lúc tay, chân đau nhức, hai bên bàn tay có những cục chai sần lớn, thậm chí phải làm đi, làm lại nhiều lần, mất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết mới ra được sản phẩm đẹp. Hơn hết, khi làm việc quá sức hay những lúc trái gió, trở trời, vết thương cũ tái phát, tôi phải nhập viện cả tháng, phải cưa chân hết lần này đến lần khác. Những lúc tuyệt vọng, tôi lại nhớ đến lời dạy của cha mình là trong chiến tranh nhiều người đã hy sinh xương, máu cho nền hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay, vì vậy chúng ta phải sống cho xứng đáng với thế hệ đi trước. Từ đó, tôi lấy đó làm động lực vượt khó. Đặc biệt, tôi còn tạo điều kiện cho con trai tham gia bộ đội cũng như giáo dục con mình tình yêu quê hương, đất nước bằng những việc làm, hành động thiết thực nhất”.

Dù ông Ngô Văn Năm bị tàn phế, mất sức lao động trên 81% nhưng ý chí, nghị lực vẫn vẹn nguyên, thậm chí còn mãnh liệt hơn người bình thường. Và chính những người như ông Năm đã trở thành tấm gương vượt khó đầy nghị lực mà không phải ai cũng làm được, xứng đáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo../

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết