Tiếng Việt | English

02/10/2023 - 11:17

Người Long An đầu tiên trên diễn đàn Quốc tế Công hội đỏ

Cuối năm 2023 sẽ diễn ra Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của giai cấp công nhân cả nước. Tìm hiểu lịch sử Công đoàn Việt Nam, càng tự hào hơn khi bắt gặp hình ảnh người thanh niên ưu tú của quê hương Long An - Lê Văn Kiệt trên diễn đàn Quốc tế Công hội đỏ.

Lê Văn Kiệt - người Long An đầu tiên được cử đi Liên Xô dự Đại hội đại biểu Quốc tế Công hội đỏ lần thứ V

Lê Văn Kiệt - người Long An đầu tiên được cử đi Liên Xô dự Đại hội đại biểu Quốc tế Công hội đỏ lần thứ V

Tháng 8/1930, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ lần thứ V khai mạc tại Mátxcơva với sự tham dự của 538 đại biểu đến từ 60 nước trên thế giới. Theo sáng kiến và chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, lần đầu tiên, Đoàn đại biểu Công hội đỏ Đông Dương gồm 3 người đã đến dự. Trưởng đoàn là đồng chí Nguyễn Dương Công, 19 tuổi, người tỉnh Tân An.

Đồng chí Nguyễn Dương Công tên thật là Lê Văn Kiệt, sinh ngày 20/9/1911 tại làng Bình Nhựt, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An (nay là xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Thân sinh đồng chí là Hương bộ Lê Văn Cu và bà Huỳnh Thị Lệ, là đảng viên đứng chân trong Ủy ban Hành động làng Bình Nhựt, từng tham gia tích cực các cuộc biểu tình chống Pháp những năm 1930-1936 và là cơ sở hoạt động chống Pháp của Nguyễn An Ninh. Ba em trai của ông đều là đảng viên. Ông Lê Văn Kiệt có vợ là bà Nguyễn Thị Phụng, cùng hoạt động báo chí cách mạng và Công đoàn với chồng. Bà là em ruột của đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ - Xứ ủy viên, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Chợ Lớn đầu tiên.

Lê Văn Kiệt là học sinh giỏi Trường Bá nghệ thực hành ở Thủ Thiêm, sớm tiếp xúc với phong trào công nhân, được Ngô Gia Tự giác ngộ, kết nạp Đảng. 19 tuổi, đồng chí hoạt động trong tổ chức Công hội đỏ ở Ba Son, sau đó là Bí thư Chi bộ Đa Kao - Sài Gòn. Tháng 4-1930, Lê Văn Kiệt được cử làm Tổng thư ký Công hội đỏ Nam kỳ. Đồng chí giữ vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo trực tiếp các cuộc đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1930.

Từ tháng 8/1930, Lê Văn Kiệt với bí danh Nguyễn Dương Công cùng với Hoàng Bình và Phan Đức là đại biểu được cử đi Liên Xô dự Đại hội đại biểu Quốc tế Công hội đỏ lần thứ V. Tại đại hội, Lê Văn Kiệt đã đọc tham luận quan trọng về phong trào công nhân Đông Dương và được bầu vào Ủy ban dự thảo Nghị quyết của Đại hội. Đồng chí khẳng định trước đại hội: “Chúng tôi nguyện tiến bước dưới ngọn cờ của Lênin, đấu tranh vì công cuộc giải phóng toàn thế giới, vì cách mạng vô sản thế giới”.

Về Tổ quốc cuối năm 1930 giữa lúc thực dân Pháp khủng bố và kiểm soát gắt gao, ông cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương và tổ chức Công hội đỏ 3 kỳ mở Hội nghị công nhân Đông Dương lần thứ I tại Sài Gòn vào ngày 20/01/1931. Ông được bầu vào Ban Công vận Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú làm Trưởng ban.

Theo lời kể của đồng chí Hà Huy Giáp, khi làm việc ở Sở Truyền tin vô tuyến điện, Lê Văn Kiệt đã dũng cảm kéo lá cờ đỏ búa liềm khổ lớn lên đỉnh cột ăngten cao ngất trời giữa thành phố Sài Gòn - Nam bộ trong đêm tối. Đây là hành động biểu thị tinh thần đấu tranh giai cấp và đoàn kết quốc tế của công nhân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Ngày 21/4/1931, do Ngô Đức Trì phản bội, Lê Văn Kiệt bị mật thám bắt cùng các đồng chí: Trần Phú, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Trọng Nhã, Nguyễn Duy Khâm,... Đồng chí bị địch kết án 10 năm khổ sai và 10 năm biệt xứ, đày đi Côn Đảo.

Tháng 7/1936, nhờ phong trào Đông Dương đại hội, ông được ra tù. Ông tiếp tục được Xứ ủy và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ tổ chức xuất bản báo chí của Đảng tại Sài Gòn. Ông là cây viết chính của các tờ: L’Avant garde, Dân Chúng do Đảng trực tiếp chỉ đạo.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, với bí danh Lê Văn Lai, đồng chí Lê Văn Kiệt là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Tây Ninh (năm 1947), Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh (năm 1948). Đồng chí vinh dự nhiều lần được gặp và làm việc với Bác Hồ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Lê Văn Kiệt nhiều lần được cử sang Liên Xô học tập, công tác. Đồng chí từng là Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên Xô, Trưởng ban Thanh tra Bộ Ngoại thương.

Đồng chí Lê Văn Kiệt là tấm gương sáng có nhiều đóng góp khởi đầu quan trọng cho phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí mất ngày 06-9-1970 tại Hà Nội. Hướng đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, tìm hiểu về đồng chí Lê Văn Kiệt như lời thành kính tri ân gửi về vị tiền bối lãnh đạo giai cấp công nhân xuất thân từ quê hương Long An trung dũng kiên cường./.

Thanh Bình(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bến Lức)

Chia sẻ bài viết