Đại diện lãnh đạo huyện Cần Đước (thứ 2, từ phải qua) và đại diện lãnh đạo huyện Tân Hưng (bìa phải) nhận cờ của UBND tỉnh về phong trào thi đua yêu nước năm 2016
Phát triển kinh tế - xã hội
Đây là phong trào thi đua (PTTĐ) quan trọng hàng năm của tỉnh. Với những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể, tất cả sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức,... đều hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mỗi địa phương, đơn vị tập trung hoàn thành những chỉ tiêu phát triển KT-XH hàng năm. Hàng loạt mô hình thi đua về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp,... phát triển văn hóa - xã hội diễn ra sôi nổi và rộng khắp, tạo thành PTTĐ lớn của tỉnh.
Năm 2016, Cần Đước vinh dự là địa phương dẫn đầu PTTĐ của cụm thi đua số 2 (gồm các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa, Tân Trụ, Châu Thành và TP.Tân An). Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Phạm Chí Tâm cho biết: “Phương châm chung cho TĐYN trên địa bàn huyện là “Đột phá, hiệu quả, chất lượng, đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”. Nhờ đó, chất lượng PTTĐ không ngừng được nâng lên. Không chỉ có các PTTĐ hàng năm, các chuyên đề thi đua được huyện quan tâm như tổ chức đợt cao điểm thu thuế; phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; thi đua phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa; bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác tuyển quân; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Cũng theo ông Phạm Chí Tâm, ngoài các PTTĐ trên, thời gian qua, 3 PTTĐ được xem là tiêu biểu của huyện. Đó là phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thể hiện qua mô hình “Camera an ninh”. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều triển khai với hơn 340 camera được lắp đặt trên các tuyến đường giao thông trọng điểm, với tổng kinh phí xã hội hóa do nhân dân đóng góp hơn 2 tỉ đồng. Không những vậy, các doanh nghiệp, cơ quan, trường học và nhân dân có điều kiện tự trang bị camera quan sát nhằm “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản”. Qua đó, mô hình tác động đến ý thức người dân trong tham gia phòng, chống tội phạm và chấp hành pháp luật.
Công nhân thi đua lao động
PTTĐ thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình với mô hình nổi bật về xây dựng xã, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Gần đây nhất, PTTĐ được triển khai trong toàn huyện là thi đua cải cách thủ tục hành chính. Từ đó, làm thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong giải quyết hồ sơ nhanh chóng và chính xác, được người dân đồng tình, ủng hộ. Hay đó còn là mô hình “Cấp giấy tờ hộ tịch đến địa chỉ yêu cầu” trên lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, rút ngắn thời gian hơn so với trước đây,... và rất nhiều mô hình góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển.
Từ đầu năm đến nay, huyện Cần Đước tập trung thi đua phát triển KT-XH, thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính,... 6 tháng năm 2017, tổng thu ngân sách của huyện khoảng 116 tỉ đồng, đạt 69,4% dự toán huyện giao. Không những vậy, các PTTĐ còn gắn với thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI.
Học tập và làm theo gương Bác
Đây là chuyên đề thi đua quan trọng, có ý nghĩa trong đời sống xã hội theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, những gương điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Thắm thông tin, năm 2016, Tân Hưng là huyện đứng đầu về PTTĐ của cụm 1 (gồm các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường). Điểm nổi bật nhất của huyện về TĐYN là các mô hình Dân vận khéo gắn với Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều này được thể hiện không chỉ qua nhiều phong trào TĐYN mà còn có các mô hình dân vận khéo, gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, làm công tác từ thiện xã hội,...
Một trong những điển hình về học tập và làm theo gương Bác của huyện Tân Hưng là nông dân Nguyễn Văn Thơi, ngụ xã Vĩnh Đại. Ông cần cù, sáng tạo, tìm hiểu và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Không những vậy, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội như ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, chở đất làm đường để học sinh đi học thuận lợi trong mùa nước nổi,... Đặc biệt, ông hiến 3,1ha đất làm các công trình công cộng, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về vốn, giống lúa,... Ông nói: “Tôi nghĩ, hạnh phúc là sự cho đi mà không cần phải nhận lại. Do đó, khi thấy nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, trong khả năng có thể, tôi sẵn sàng giúp đỡ”.
Ông Lê Kim Hùng chuẩn bị tập vở tặng học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước
Cùng suy nghĩ như ông Thơi còn có Chủ tịch Hội Khuyến học xã Mỹ Lệ - Lê Kim Hùng, một trong những cá nhân được huyện Cần Đước khen thưởng về học tập và làm theo gương Bác năm 2017. Gắn bó với công tác khuyến học đến nay hơn 30 năm, ông vẫn hy vọng mình có thể mạnh khỏe để “đi xin” học bổng, tập vở cho học sinh vượt khó học giỏi, học sinh nghèo hiếu học. Ông cho rằng, học Bác về tình yêu thương trẻ em, do đó, ông không ngại khó khăn, “đeo bám” nhiều nhà tài trợ để mang lại nguồn quỹ cho hội. Mỗi năm, Hội Khuyến học xã vận động được 500 triệu đồng chi cho hoạt động khuyến học, khuyến tài. Bên cạnh đó, hội duy trì học bổng nuôi 5 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ nhiều năm nay,...
Ông chia sẻ: “Các con tôi tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định nên tôi không phải lo lắng gì thêm. Toàn bộ thời gian, tôi dành cho công tác xã hội, nhất là khuyến học, khuyến tài. Tôi vui khi nhìn thấy các cháu được hội giúp đỡ có điều kiện đến trường, không phải bỏ học vì gia đình nghèo, khó khăn,... Chỉ bấy nhiêu thôi là thấy ấm lòng”.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2016 đến nay, hưởng ứng phong trào Long An chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh vận động các tầng lớp nhân dân hiến đất, vật kiến trúc đắp đê bao, góp tiền làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa cầu,... với tổng kinh phí trên 16,6 tỉ đồng. Phong trào này hiện tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng dân cư, phấn đấu cuối năm 2017, toàn tỉnh có thêm 8 xã về đích nông thôn mới.
Nhờ xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường nông thôn được bêtông hóa khang trang, sạch đẹp
Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh - Nguyễn Hoàng Minh nhận định, PTTĐ Long An chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 là phong trào lớn trong năm 2017. Bên cạnh đó, năm nay, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh phát động các PTTĐ kỷ niệm 50 năm ngày Long An được phong tặng 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (17/9/1967 - 17/9/2017). Đây được xem là chuyên đề thi đua đặc biệt thực hiện tại các cụm, khối thi đua trong toàn tỉnh. Không những vậy, trong tỉnh thường xuyên duy trì các PTTĐ: Công nhân lao động giỏi; Vì sự tiến bộ phụ nữ; “Đưa hàng Việt về nông thôn”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;...
Hiện, toàn tỉnh có 10 cụm, khối thi đua, bao gồm 2 cụm huyện, thị xã, thành phố; 5 khối thi đua các cơ quan cấp tỉnh; 3 khối mở: Khối tổ chức xã hội - nghề nghiệp, khối doanh nghiệp, khối hợp tác xã. Thời gian qua, PTTĐ trong tỉnh tiếp tục được phát động và triển khai thường xuyên, sâu rộng ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và trong tất cả các lĩnh vực KT-XH; xây dựng Đảng, chính quyền; củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh; xây dựng cộng đồng, nhân đạo, từ thiện;...
Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành; giữa các phong trào có tính chặt chẽ, gắn bó và thường xuyên hơn, nhất là các nội dung về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng nông thôn mới; xây dựng đời sống văn hóa; giảm nghèo; an ninh, trật tự; trật tự, an toàn xã hội; phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả sản xuất; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng;... xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực./.
Thanh Nga