Ảnh: Internet
Năm 3 tuổi, lần đầu tôi rời vòng tay cha mẹ để đến lớp mẫu giáo. Bao lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt. Nhớ những năm 90, mẹ dắt tôi đi bộ gần 2km trên đoạn đường đá đỏ rồi quẹo vào con hẻm nhỏ để đến được Trường Mẫu giáo Vành Khuyên. Trường mẫu giáo là cả một thế giới rộng lớn đối với đứa trẻ lần đầu được gặp cô giáo và các bạn. Mọi thứ đều xa lạ, tôi líu ríu nắm tay mẹ thật chặt.
Cô ngồi xuống, đỡ lấy tay tôi, âu yếm nhìn vào đôi mắt đỏ hoe gần như muốn khóc của tôi: “Thương ngoan, Thương vào lớp học với cô và các bạn, chiều mẹ đón về. Các bạn trong lớp đang đợi con”. Đang nhao nhao trong lớp, thấy tôi, các bạn vẫy vẫy tay chào và nở nụ cười thân thiện. Căng thẳng lúc đầu như giảm bớt, tôi nhìn cô nhưng vẫn không rời tay mẹ. Hiểu được cảm giác của đứa trẻ lần đầu đi mẫu giáo, cô bế tôi lên rồi bảo: “Ở đây vui lắm, cô và các bạn ai cũng thương con hết”.
Ngày đầu tiên đi học của tôi là thế đó! Và hình ảnh cô xuất hiện thật dịu dàng như bà tiên trong truyện cổ tích. Cô là cô Nhẫn, người thầy đầu tiên của tôi.
Những năm đó, kinh tế còn khó khăn, lương giáo viên không bao nhiêu nhưng thỉnh thoảng cô vẫn trích một phần lương mua quần áo mới cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Tôi biết được điều này qua lời kể của mẹ. Lúc đó, mẹ tôi là thợ may nên cô mua vải nhờ mẹ may quần áo tặng các bạn. Với những đứa trẻ 3 tuổi lúc đó, cô như cả một thế giới thần tiên với những câu chuyện cổ tích và một kho bài hát thiếu nhi. Cô dạy chúng tôi múa, hát, kể chuyện, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cổ tích, dạy chúng tôi biết chào hỏi, thưa gửi ông bà, cha mẹ. Nhớ nhất là những ngày cha mẹ về quê có việc mà không thể mang tôi theo, cô nhận luôn phần chăm sóc tôi. Thế là cả tháng ròng, sáng nào hai cô trò cũng cọc cạch trên chiếc xe đạp đến lớp. Chiều cô lại chở tôi về, lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Tuổi thơ của tôi có cánh cò, đồng ruộng và có cả những câu chuyện cổ tích cô kể cho tôi nghe. Những ước mơ của đứa trẻ 3 tuổi gửi vào câu chuyện cổ tích mãi theo tôi đến tận bây giờ.
Tôi học ở trường chưa tròn năm thì phải theo cha mẹ về quê. Ngày vào trường tạm biệt cô và các bạn, tôi nhớ mãi ánh mắt cô. Cô dặn tôi nhiều điều lắm. Cô dạy về quê phải biết phụ ông bà làm những việc nhỏ, không được nhõng nhẽo và phải vâng lời người lớn. Tôi đâu biết cuộc chia tay lần đó mãi đến hơn 20 năm sau, tôi mới có dịp gặp lại cô.
Suốt những năm tháng sau đó, gia đình tôi vẫn luôn nhắc đến cô với sự trân trọng, quý mến. Năm 18 tuổi, tôi vào TP.HCM học tập và có trở về Long An tìm cô nhưng không gặp. Mãi đến khi tôi lập gia đình, nhìn bé gái đầu lòng đi nhà trẻ, những hình ảnh của mình năm xưa lại quay về. Tôi cũng không hiểu tại sao đứa bé 3 tuổi của hơn 20 năm về trước vẫn giữ mãi những ký ức đẹp về cô, người thầy đầu tiên. Và tôi quyết trở về tìm gặp “người xưa”. Chắc cô không còn nhớ tôi đâu vì qua từng ấy năm, làm sao cô có thể nhớ tôi trong lớp lớp học trò. Vậy mà, khi gặp lại, ngờ ngợ một lúc, cô liền ôm lấy tôi: “Thương phải không con? Lâu quá rồi...”. Cuộc gặp gỡ bất ngờ và xúc động. Hai cô trò bên nhau suốt cả ngày, ôn lại bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Và với tôi, khoảnh khắc đó thật ý nghĩa!
Ai cũng có cho riêng mình những ký ức đẹp, những tình cảm không bao giờ phai nhòa. Cô, người thầy đầu tiên đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp và chắc chắn những kỷ niệm về cô sẽ theo tôi trên bước đường sắp tới./.
Hoài Thương