Có quy định nào bảo vệ người tố cáo tiêu cực không? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH
Luật sư Bùi Quang Nghiêm tư vấn về quy định bảo vệ người tố cáo tiêu cực:
1. Bảo vệ người tố cáo:
Theo quy định tại điều 9, điều 11 và quy định tại chương VI của Luật tố cáo 2018, tùy vào tính chất mức độ của sự việc cụ thể, người tố cáo có quyền yêu cầu và có thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận yêu cầu bảo vệ nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật liên quan đối với các biện pháp sau:
a. Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin.
b. Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm.
c. Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm.
2. Bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng:
Theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 31 và điều 67 của Luật Phòng chống tham nhũng 2018, người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng được quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng 2018 sẽ được bảo vệ nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Tố cáo 2018 như nội dung tại phần 1 trên.
3. Thủ tục tố cáo:
Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, cụ thể trong mỗi trường hợp như sau:
a. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn, trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác liên quan.
Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
b. Trường hợp người tố cáo đến trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn viết đơn hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 1 điều này.
Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản;
c. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.
Mặc dù pháp luật đã có các quy định để bảo vệ người tố cáo, tuy nhiên bạn cần cân nhắc, xem xét thật cẩn trọng về căn cứ, chứng cứ liên quan đến hành vị bị tố cáo, an toàn về sức khỏe, tính mạng của bạn hoặc của người có liên quan trước khi quyết định thực hiện việc tố cáo theo quy định pháp luật.
Sau cùng, bạn cần suy xét cẩn thận việc tố cáo vì trong trường hợp tố cáo không có căn cứ, chứng cứ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm pháp luật tố cáo, người tố cáo và những người liên quan có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định tại điều 65 Luật Tố cáo 2018./.
Theo TTO