Ngày 9/9/2016, Thanh tra tỉnh công khai Kết luận số 911/KL-TTr, ngày 30/8/2016 về việc kết luận kiểm tra, rà soát các nội dung kiến nghị, tố cáo liên quan đến Trường Tiểu học Võ Thị sáu.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu từng là ngôi trường tiên tiến của tỉnh
Có chạy trường, dạy thêm “ngoài luồng”
Các thời hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu như: Trịnh Văn Hồng, Huỳnh Tấn Đăng Giang, Nguyễn Văn Bơ đều có khuyết điểm trong công tác quản lý thu, chi tiền vận động, tài trợ và các khoản thu khác như: Không phản ánh vào sổ sách kế toán, gửi tiền tiết kiệm các khoản tiền nhưng thủ quỹ đứng tên.
Đặc biệt, dưới thời của Hiệu trưởng Trịnh Văn Hồng, công tác quản lý thu, chi tiền vận động, tài trợ lỏng lẻo, không minh bạch; thu, chi không qua bộ phận kế toán, không phản ánh vào sổ sách kế toán; chi không đúng mục đích; chứng từ chi không hợp pháp; cho tạm ứng không thu hồi,... Từ đó, dẫn đến một số cá nhân báo cáo không trung thực số tiền đã thu, chi; không nhập quỹ; tạm ứng không hoàn trả.
Thanh tra tỉnh ban hành quyết định thu hồi, tạm giữ số tiền trên 152 triệu đồng chờ xử lý theo quy định của pháp luật. Theo ghi nhận, thời ông Hồng làm Hiệu trưởng, nhà trường có mở sổ ghi nhận các khoản hỗ trợ, tài trợ (sổ vàng). Tuy nhiên, theo Thanh tra tỉnh, không có chứng cứ để xác định ai được phân công giữ sổ, vì vậy không có cơ sở để kết luận sổ vàng hiện do ai giữ. Do ông Hồng là Hiệu trưởng nên ông là người chịu trách nhiệm việc thất lạc sổ vàng. Còn việc tố cáo “biển thủ sổ vàng” là sai.
Thanh tra tỉnh cũng kết luận một số giáo viên của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền. Có trường hợp giáo viên bị nhà trường phát hiện vi phạm dạy thêm sai quy định nhưng không xử lý, trong đó có trách nhiệm của hiệu trưởng. Hành vi dạy thêm không xin phép của giáo viên trường vi phạm quy định tại Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND, ngày 18/9/2015 của UBND tỉnh quy định về dạy thêm trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16/4/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.
Như vậy, việc phản ánh về vấn đề dạy thêm của giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu là đúng. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở mức độ nào, có tràn lan hay không thì phải có thời gian và phương pháp phù hợp mới có thể đánh giá được.
Còn phản ánh việc đổi lớp, đổi chỗ ngồi, đổi giáo viên phải đóng tiền cho giáo viên hoặc Ban Giám hiệu, đến thời điểm kiểm tra, rà soát là không có chứng cứ để kết luận. Vì vậy, Thanh tra tỉnh kết luận việc phản ánh nội dung trên là sai.
“Chạy trường” ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu là một trong những nội dung được phản ánh. Qua rà soát, Thanh tra tỉnh kết luận, công tác tuyển sinh 3 năm học gần đây của trường còn tùy tiện, vượt số lượng, không minh mạch, có gửi gắm, có trường hợp cố tình tuyển sinh sai để nhận tiền, quà,... tạo dư luận không tốt về nhà trường. Thanh tra tỉnh cho rằng, trách nhiệm của việc này thuộc về Hội đồng tuyển sinh, Ban Giám hiệu, hiệu trưởng. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Tân An và UBND phường 1 do duyệt danh sách trúng tuyển vượt kế hoạch mà không tìm hiểu nguyên nhân, kiểm tra, xử lý nghiêm túc. Do đó, tình trạng lo lót cho con em vào học theo tố cáo là đúng.
Nhiều vấn đề xung quanh ngôi trường này được kiến nghị, tố cáo
Mất đoàn kết nội bộ
Qua xem xét có hay không việc kích động giáo viên và ý thức kỷ luật, coi thường tập thể, vi phạm đạo đức của 2 phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Thanh tra tỉnh kết luận: Chủ tịch Công đoàn trường, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, các tổ trưởng Công đoàn đều vi phạm về Điều lệ Công đoàn Việt Nam, quy định về đạo đức nhà giáo khi tự ý tổ chức hội họp, ký tên vào bản kiến nghị có nội dung nhận xét, đánh giá Hiệu trưởng Huỳnh Tấn Đăng Giang không có căn cứ và có tính chất xúc phạm nhân phẩm đồng nghiệp.
Còn việc phản ánh 2 phó hiệu trưởng là Trần Trung Trí và Nguyễn Thị Xuân Dương kích động giáo viên chống đối Hiệu trưởng Đăng Giang, qua xác minh, Thanh tra tỉnh kết luận là không đúng. Tuy nhiên, qua sự việc trên thể hiện trong Ban Giám hiệu không đoàn kết, 2 phó hiệu trưởng không chấp hành quyết định của hiệu trưởng.
Riêng với ý kiến phản ánh về ý thức tổ chức kỷ luật, coi thường tập thể, vi phạm đạo đức nhà giáo của Phó Hiệu trưởng Trần Trung Trí, Thanh tra tỉnh kết luận, ông Trí là đảng viên, giáo viên và phó hiệu trưởng nhưng ý thức tổ chức kỷ luật còn hạn chế như: Không chấp hành quyết định của hiệu trưởng; bỏ ra ngoài uống rượu, bia trong khi nhà trường tổ chức đại hội cha mẹ học sinh; cố ý không chấp hành yêu cầu mời làm việc của đoàn kiểm tra, rà soát.
Thanh tra tỉnh kết luận việc phản ánh ông Trí ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm đạo đức nhà giáo là đúng. Tuy nhiên, đối với nội dung phản ánh ông Trí và bà Dương coi thường tập thể, tác phong, ngôn phong không chuẩn, có những việc làm kích động giáo viên,... thì không đủ cơ sở để xác định, nên nội dung phản ánh này là sai.
Theo Thanh tra tỉnh, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho thuê mặt bằng căng tin và giữ xe nhưng không có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm quy định của Nhà nước. Vì vậy, đối với tổng số tiền cho thuê trong 3 năm qua là trên 453 triệu đồng, nhà trường chi đầu tư cơ sở vật chất trên 295 triệu đồng; còn hơn 157 triệu đồng, nhà trường quản lý, sử dụng sai quy định. Trách nhiệm này thuộc về hiệu trưởng và kế toán.
Việc phản ánh quyết định điều động đối với ông Huỳnh Tấn Đăng Giang từ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đến Trường Tiểu học Hướng Bình thì đúng thẩm quyền và quy định pháp luật nhưng chưa đúng quy trình là phản ánh đúng. Xung quanh quá trình thanh tra toàn diện của UBND TP.Tân An với Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cũng kết luận việc nâng giá thực phẩm, nước uống,... không có đủ cơ sở để xác định nên việc tố cáo này là sai.
Từng là một ngôi trường tiên tiến của tỉnh, nhưng với việc quản lý lỏng lẻo, nhất là tài chính, mất đoàn kết nội bộ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, để tình trạng dạy thêm, học thêm “ngoài luồng” kéo dài, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tự mình làm mất uy tín được gầy dựng trong nhiều năm./.
Tấn Lộc