Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Long An, tính đến cuối tháng 01/2017, tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 76.485 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn các TCTD cho vay khoảng 44.512 tỉ đồng, chia theo 2 loại hình là doanh nghiệp (chiếm tỷ trọng 59%) và cho vay cá nhân, đối tượng khác (chiếm tỷ trọng 41%).
Dễ dàng tiếp cận nguồn vốn
Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Long An (Agribank Long An) - Nguyễn Kim Thài chia sẻ, chủ trương của Agribank Long An là khi nông dân có phương án sản xuất, kinh doanh và có đủ điều kiện thì được giải ngân hết sức thuận lợi, nhanh chóng.
Đến nay, dư nợ của Agribank Long An trên địa bàn đạt hơn 13.000 tỉ đồng, trong đó, hơn 90% nguồn vốn dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Lãi suất ngân hàng cho vay 7%/năm, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và chủ động sản xuất theo mùa vụ hoặc phát triển ngành nghề, góp phần ổn định cuộc sống gia đình và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Anh Phạm Hoàng Phúc (xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh) thoát nghèo nhờ vốn tín dụng với mô hình trại cưa xe xẻ gỗ.
Ông Nguyễn Văn Dừa, ngụ ấp 9, xã Lương Hòa năm nay gần 50 tuổi, có trên 30 năm với nghề nông. Trước đây, hơn 2ha đất, ông chỉ trồng mía nhưng giá cả bấp bênh khiến thu nhập thấp. Vậy là gần 10 năm nay, ông Dừa cải tạo ruộng mía thành vườn trồng chanh không hạt với diện tích 1,4ha và 0,8ha đất trồng khóm.
“Cải tạo ruộng mía thành vườn chanh cần nhiều vốn. Bình quân mỗi hécta chanh cần khoảng 300 triệu đồng để cải tạo đất, giống cây trồng,... Vậy là, tôi đến Agribank Chi nhánh huyện Bến Lức trình bày nguyện vọng và được tiếp cận nguồn vốn”, ông Dừa nói.
Do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, sau khi lập gia đình, anh Phạm Hoàng Phúc, ngụ xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh mưu sinh bằng việc đi làm thuê hàng ngày. Anh Phúc cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ vốn kịp thời của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình tôi thoát nghèo và vươn lên hộ khá ở địa phương. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng trại cưa để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng”.
"Trợ thủ" đắc lực
Anh Nguyễn Văn Hải là chủ cơ sở ấp vịt Thuận Hải, ở ấp 1A, xã An Thạnh, huyện Bến Lức. Có dịp đến thăm cơ sở ấp vịt của anh mới thấy rõ nguồn vốn tín dụng là “trợ thủ” đắc lực cho kinh tế hộ gia đình. Anh Hải kể, cách đây 20 năm, anh “bén duyên” với nghề ấp vịt nhưng đồng vốn tích lũy từ gia đình có hạn. Từ đó đến nay, anh tiếp cận nguồn vốn từ Agribank Chi nhánh huyện Bến Lức.
“Lúc mới vào nghề, cơ sở chuyên ấp vịt bằng phương pháp thủ công. Mỗi tháng, cơ sở cho ra lò khoảng 5.000 con vịt, cung cấp cho người dân quanh vùng. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, tôi chuyển qua ấp vịt bằng lò ấp điện. Khi chuyển qua ấp vịt bằng lò điện, tôi mua 4 chiếc máy ấp trứng và hàng năm, tôi đầu tư thêm. Đến nay, tôi sở hữu 30 chiếc máy ấp trứng. Bên cạnh nguồn vốn tự chủ, Agribank Chi nhánh huyện Bến Lức là “trợ thủ” đắc lực trong việc kinh doanh của gia đình tôi”, anh Hải chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Hải thăm và đảo trứng vịt đang ấp
Đến cuối năm 2016, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Long An có tổng dư nợ trên 2.500 tỉ đồng. Nguồn vốn này tập trung ở các chương trình cho vay: Hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo, vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường,... Năm 2017, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục được giải ngân nhằm giúp các đối tượng có điều kiện sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
|
Sở dĩ anh Hải ví von Agribank là “trợ thủ” đắc lực bởi trước đây, anh chỉ ấp vịt rồi bán cho các hộ nhỏ, lẻ, nay anh làm ăn theo hướng liên kết. Để có nguồn trứng đầu vào cho việc ấp vịt, anh liên kết với các hộ chăn nuôi quanh xã An Thạnh bằng cách anh giao vịt giống để họ nuôi thành vịt bố mẹ và cho đẻ trứng, sau đó bao tiêu trứng cho nông dân. Nếu nông dân nào còn khó khăn về tài chính, anh sẵn sàng hỗ trợ: Vịt giống, thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu trứng. Trứng thu về, anh sàng lọc để ấp.
Bằng cách làm trên, cơ sở ấp vịt Thuận Hải hiện mỗi tháng cho ra 60.000 vịt con và xây dựng mối liên kết 20 người dân chăn nuôi gia công. Với mô hình này, có những lúc anh Hải cần số vốn lớn nhưng nguồn vốn tích lũy của gia đình không thể kham nổi. Vì vậy, Agribank chính là “trợ thủ” đắc lực của anh trong những lúc thiếu vốn đầu tư.
Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Bến Lức - Mai Quang Nhanh cho biết, dư nợ cho vay trên địa bàn huyện khoảng 600 tỉ đồng, hầu hết nguồn vốn đều giải ngân cho các cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói, thời gian qua, Agribank là “trợ thủ” đắc lực của nông dân khi thiếu hụt nguồn vốn. Nguồn vốn được giải ngân, nông dân sử dụng đúng mục đích và làm ăn khá hiệu quả như trồng chanh, khóm hoặc kinh doanh, buôn bán nhỏ, lẻ.
Nhận định về nguồn vốn từ các TCTD đối với kinh tế hộ gia đình, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Long An - Đào Văn Nghiệp chia sẻ, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp khách vay để cung ứng vốn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc để họ phát triển kinh tế gia đình./.
Nhóm PV