Hoạt động giao dịch tài sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) chiều tối ngày 15/3 đã tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống gần mức 0% và cho biết sẽ mua 700 tỷ USD trái phiếu và các cổ phiếu được bảo đảm bằng bất động sản nhằm ngăn chặn khả năng thị trường bị ngưng trệ hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng đã khiến các hoạt động kinh tế gần như tê liệt.
Riêng trong tháng Ba, đây là lần thứ hai Fed buộc phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp, chỉ 12 ngày sau lần cắt giảm lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) vào ngày 3/3 mà không chờ đến cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17-18/3.
Tuy nhiên, sau lần cắt giảm lãi suất đầu tiên, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn lao dốc. Cuối ngày 9/3, chưa tới một tuần sau khi Fed giảm lãi suất, chỉ số Dow Jones giảm 7,8%, mức tồi tệ nhất kể từ năm 2008 tới nay. Đây cũng là ngày ghi nhận cả chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 tại thị trường Mỹ đều giảm 7% ngay khi mở phiên buổi sáng, mức sụt giảm khiến giao dịch bị buộc phải tạm ngưng 15 phút để đảm bảo an toàn.
Tình trạng phải tạm ngưng giao dịch do các chỉ số chứng khoán giảm sâu lại xảy ra lần thứ hai vào ngày 12/3. Ngay cả sau khi thị trường nối lại giao dịch các chỉ số vẫn tiếp tục lao dốc, và mức sụt giảm lần này còn lớn hơn mức sụt giảm trong ngày Fed công bố giảm lãi suất hôm 3/3.
Sau động thái hạ lãi suất xuống gần 0% của Fed, các sàn chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống khi mở cửa phiên 16/3, trong đó chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,92%, tương đương 159,97 điểm, xuống còn 17.271,08 điểm.
Các ngân hàng trung ương đồng loạt hành động
Những diễn biến ngày càng ảm đạm của thị trường có thể cho thấy giới đầu tư thực sự quan ngại trước viễn cảnh nền kinh tế thế giới sắp tới.
Ngay sau động thái của Fed, ngày 4/3 Cơ quan tiền tệ Hong Kong (HKMA) đã hạ lãi suất xuống 50 điểm cơ bản, còn 1,50% và Ngân hàng Canada cũng hạ lãi suất qua đêm 50 điểm cơ bản xuống còn 1,25%, đánh dấu lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 10/2015.
Ngân hàng Dự trữ Australia cũng có động thái tương tự, lập tức giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phát đi tín hiệu sẵn sàng giảm lãi suất và mua tài sản để đối phó với tác động của dịch COVID-19.
Trong thời buổi tất cả các thị trường trên thế giới đều liên thông và có tác động qua lại lẫn nhau, những thay đổi quyết sách ở một thị trường lớn như nước Mỹ tạo ra những ảnh hưởng tới các thị trường khác là điều dễ hiểu.
Động thái của Fed cũng như của nhiều ngân hàng trung ương khác ngay sau đó đều nhằm kích thích nền kinh tế.
Như Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố, quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp này sẽ “giúp hỗ trợ tổng thể hoạt động của nền kinh tế," còn Tổng thống Trump cũng kêu gọi Fed đẩy mạnh hơn nữa việc giảm lãi suất cũng như tiến hành thêm các biện pháp nới lỏng khác.
Thế nhưng liệu việc hạ lãi suất khẩn cấp có đáp ứng được mong mỏi của Fed và các nhà hoạch định chính sách khác hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Triển vọng vẫn bấp bênh
Nếu những ai đã từng chứng kiến thời kỳ bùng nổ bong bóng “dot.com” hồi cuối năm 2000 thì có lẽ nhớ rằng lúc đó thị trường toàn cầu cũng đang trong tình trạng liêu xiêu đối mặt với một triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa.
Và ngay sau khi Chủ tịch Fed lúc đó là ông Alan Greenspan quyết định hạ lãi suất, thị trường đã phản ứng với nhiều chỉ số quan trọng tăng vọt (ví dụ chỉ số Nasdaq lúc đó tăng ngay 10,5% trong ngày), thế nhưng cú nhảy vọt ngoạn mục đó cũng không được bao lâu và các mã chứng khoán lại rớt thảm hại suốt thời gian sau đó.
Vậy triển vọng kinh tế trong thời gian tới thì sao? Chắc chắn sẽ diễn biến rất khó lường và còn khó hồi phục hơn cả thời năm 2000 của ông Greenspan. Nền kinh tế của Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, dịch bệnh đã khiến 169.000 người mắc và hơn 6.400 ca tử vong trên toàn thế giới tính đến sáng 16/3 (theo giờ Việt Nam).
Trước đó, những cuộc chiến thương mại của Mỹ với các nước mà điển hình là cuộc chiến Mỹ-Trung và Mỹ-châu Âu từ nhiều tháng qua cũng đã khiến các hoạt động kinh tế toàn cầu trì trệ và giảm sút rất nhiều.
Hiện tại, dịch COVID-19 không những chưa hề có dấu hiệu suy yếu mà còn tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Liệu quyết định hạ lãi suất khẩn cấp của Mỹ giúp gì được cho nền kinh tế hiện nay?
Trên thực tế, với lãi suất đã ở mức rất gần với 0 phần trăm như hiện nay, nhiều nhà kinh tế của Mỹ, Anh, hay cả Nhật Bản cũng đều tỏ ra lo ngại khó còn biên độ để giảm thêm lãi suất nữa.
Có thể nói, mặc dù các nhà hoạch định chính sách rất nỗ lực để có thể duy trì, dù chỉ một chút, tốc độ tăng trưởng kinh tế, họ đang rơi vào thế “lực bất tòng tâm” bởi có quá ít công cụ tài chính trong tay có thể xoay chuyển tình hình trì trệ. Đó là chưa kể tới tình huống nếu những công cụ này không được sử dụng một cách khéo léo thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Giờ đây, bất kỳ động thái nào của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nhằm giải quyết thách thức đặt ra cho thị trường nội địa của nước họ cũng có thể gây ra khủng hoảng tài chính ở các nước khác, nhất là các nước vốn là “con nợ” với những khoản vay lớn bằng ngoại tệ của chính phủ.
Theo chuyên gia kinh tế Mỹ Ian Littlewood, hầu hết các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản và ở châu Âu đều đã sử dụng các biện pháp nới lỏng nền kinh tế khá nhiều trong thập kỷ vừa qua thông qua việc để các ngân hàng trung ương mua vào trái phiếu nhằm có thêm tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế và kích thích các hoạt động kinh tế.
Người dân mua hàng tại siêu thị ở Canberra, Australia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Sức ép tiếp tục tăng
Giờ đây sức ép mà các nhà hoạch định chính sách cũng như các ngân hàng trung ương phải đối mặt lớn hơn nhiều và sẽ còn lớn hơn nữa nếu như nền kinh tế toàn cầu chính thức bước vào giai đoạn suy thoái do sản xuất ngừng trệ.
Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo: Nếu không có chính sách vĩ mô phù hợp và hiệu quả thì hậu quả nhãn tiền là tình trạng giảm phát. Và khi giảm phát đồng nghĩa với giảm cầu thì giá tài sản sẽ bị đẩy xuống thấp hơn, có thể dẫn tới hậu quả vỡ nợ và phá sản hàng loạt.
Nếu kịch bản này xảy ra, đương nhiên các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải sa thải hàng loạt nhân công và điều đó lại trở thành một tác động mới khiến cầu giảm hơn nữa. Triển vọng tới mức ảm đạm như vậy sẽ buộc Fed sẽ phải nhanh chóng có những bước đi về chính sách tài chính, tiền tệ hết sức cẩn trọng, nhưng phải rất sáng tạo mới có thể vượt qua được giai đoạn này.
Một điều đáng nói nữa là tình hình thị trường sụt giảm như hiện nay không hẳn liên quan tới mức lãi suất hay tính thanh khoản. Thị trường biến động theo chiều hướng xấu bởi nỗi quan ngại hiện hữu của các nhà đầu tư về một nền kinh tế sẽ suy thoái nghiêm trọng trong thời gian tới. Khi đó, các công xưởng ngừng sản xuất, các chuỗi cung bị đứt gãy, hàng hóa không vận chuyển đi được các nơi và người dân cũng ngừng đi lại vì dịch bệnh lan rộng thì nền kinh tế thế giới hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng tê liệt.
Các nhà kinh tế cũng nhận định rằng mặc dù chỉ số chứng khoán đã xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2008 nhưng tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu do virus SARS-CoV-2 gây ra mới chỉ bắt đầu và có lẽ phải vài tháng nữa thế giới mới có được những con số thiệt hại cụ thể do virus SARS-CoV-2 gây ra. Chính vì vậy, kể cả Fed có đưa lãi suất xuống 0% thì vẫn không thể chặn được đà lao dốc của nền kinh tế Mỹ và nhìn rộng ra là nền kinh tế toàn cầu.
Ở nhiều nước lớn khác, hầu hết các ngân hàng trung ương đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2% đều không đạt được trong mấy năm trở lại đây và nếu sắp tới tình trạng giảm phát xảy ra thì mục tiêu này của các ngân hàng trung ương còn thêm xa vời.
Chính vì vậy, các chính sách kích cầu cần phải được đưa ra càng nhanh càng tốt. Hiện các chuyên gia kinh tế nhận định rằng những nước đưa ra giải pháp ổn định thị trường bằng các công cụ như giảm thuế và tăng chi tiêu của chính phủ nhiều khả năng sẽ mang lại hiệu quả hơn là đơn thuần dựa vào các dự án nhằm kích hoạt các hoạt động kinh tế mà trên thực tế chưa có khả năng thực hiện được ngay.
Có những ngân hàng trung ương ngấp nghé muốn dùng tới các chính sách tiền tệ phi truyền thống như áp dụng lãi suất âm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã cảnh báo cần phải lường trước được rủi ro là những chính sách như thế có thể biến thành phản tác dụng bởi nó làm suy yếu hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh này, giới doanh nghiệp và đầu tư trên toàn cầu phải chuẩn bị những gì? Rõ ràng họ cần phải chủ động theo dõi sự biến động của tỷ giá và tiến hành các hoạt động mua bán đặt rào nhằm đề phòng có những đồng tiền sẽ mất giá trong thời gian tới. Với những công ty thu về doanh thu bằng một loại tiền tệ, nhưng lại vay nợ bằng một loại tiền tệ khác lại càng phải thận trọng hơn.
Các công ty cũng cần chú trọng việc quản lý các chuỗi cung của mình bởi với nhiều cuộc chiến thương mại hiện vẫn chưa ngã ngũ, các đòn tăng thuế hay áp dụng lệnh trừng phạt hoặc chính sách bảo hộ công nghiệp của một số nước lớn đối với một số nước khác hoàn toàn có thể xảy ra.
Đó là chưa kể tới một nguy cơ mới mà giới chuyên gia mới gán cho cái tên là “thiên nga xanh” (green swan) - tức là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Thiên nga xanh cũng có thể gây ra cú sốc về kinh tế không kém các nguy cơ khác chút nào và giới doanh nghiệp đầu tư cần phải hết sức chú ý./.
Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)