17 tuổi, cha mẹ mất, Nguyễn Thông vừa lao động trong cảnh nghèo khó để nuôi em, vừa nhờ thầy Nguyễn Nhữ Hiền là quan nhỏ ở phủ Tân An dạy học. Khi thầy Hiền ra kinh đô, Nguyễn Thông cũng khăn gói ra kinh sư và theo học với Phan Thanh Giản - khi ấy Phan đã là Hiệp biện đại học sĩ kiêm Lễ bộ Thượng thư. Truyền rằng, Nguyễn Thông học với Phan không có sách vở nhưng trí sáng, nên rất được khen ngợi.
3 tuổi, Nguyễn Thông đậu cử nhân, nhưng thi hội (1851) bị đánh hỏng do bài lem mực. Đọc lại bài thi của ông, các bậc nho túc đương thời đều chắt lưỡi vì văn tài, khuyên ông gắng đợi thi lại khóa sau nhưng nhà nghèo, ông không thể ở lại kinh thành ôn tập, bèn về nhậm chức Huấn đạo huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Năm 1858, thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, là lúc Nguyễn Thông vừa qua 2 năm làm việc ở kinh đô Huế, tham gia soạn xong sách Nhân Sự Kim Giám (Gương vàng soi việc người,... Không nỡ nhìn quê nhà đang bị giặc xâm lăng dày xéo, ông liền xin tòng quân về Nam, giúp việc dưới quyền Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp.
Tháng 2-1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Thông cùng cậu ruột là Trịnh Quang Nghị và Phan Văn Đạt về quê chống Pháp, lập đại bản doanh ở Biện Kiều (cầu Biện Trẹt).
Khởi nghĩa không thành, Phan Văn Đạt bị giặc xử tử ở Vũng Gù, Trịnh Quang Nghị phải lui về An Giang. Ba tỉnh miền Đông rơi vào tay Pháp, Nguyễn Thông bèn cùng một số sĩ phu ra tị địa ở Bình Thuận, tính kế lâu dài. Cuộc thương thảo của triều đình Huế chuộc 3 tỉnh miền Đông không thành, Phan Thanh Giản cử Nguyễn Thông về làm Đốc học Vĩnh Long.
Ở Vĩnh Long, ông dốc lòng chăm lo việc học cho dân; đích thân đứng ra vận động đồng bào lập Văn Thánh Miếu - Vĩnh Long (hoàn thành năm 1866). Ông cũng lập ra Văn Xương Các (lầu Tụy Văn) vừa dạy học, vừa hội tụ các sĩ phu yêu nước như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Hồ Huấn Nghiệp,... về đây đàm đạo, tìm kế chống giặc.
Có một sự kiện quan trọng được lịch sử ghi nhận: 28-3 năm Đinh Mão (1867) Nguyễn Thông đã cùng Phan Thanh Giản đứng ra làm chủ lễ cải táng mộ Võ Trường Toản - người thầy học lớn của vùng đất Gia Định ra khỏi “đất giặc” về Vĩnh Long.
Thực dân Pháp chiếm tiếp 3 tỉnh miền Tây, ngày 20-6-1867, chúng đánh chiếm thành Vĩnh Long lần thứ hai, sau đó lấy nốt các tỉnh An Giang, Hà Tiên. Quan Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của Lục tỉnh Nam Kỳ tự vẫn trong sự ngậm ngùi của bao sĩ phu đương thời.
Thành mất, Nguyễn Thông phải lánh ra Bình Thuận lần thứ hai, được thăng hàm Thị giảng học sĩ và làm Án sát tỉnh Khánh Hòa.
Thấy Nguyễn Thông là bậc trí thức giàu chí khí, đầu năm 1868, vua Tự Đức cho triệu về kinh, giao giữ chức Biện lý Bộ hình, sau thăng lên hàm Quang lộc tự khanh. Ngày 4-6 năm Tự Đức 21 (1868), Nguyễn Thông dâng sớ điều trần 4 việc nội trị: Chọn nhân tài bổ làm quan, cải tiến võ lược, đánh thuế thổ sản, dùng chánh sách khoan hậu.
Đầu năm 1869, ông được bổ làm Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi. Làm quan nhưng ông luôn tri - hành, dẹp trừ tệ cường hào nhũng nhiễu, tận tình chỉ dẫn nhân dân đắp đập, trồng cây, canh tác, làm thủy lợi; phát triển nông nghiệp và đặc biệt chăm lo giáo dục.
Năm 1871, nhân một lần xử lầm một vụ án mạng, lại bị tên cường hào ở Quảng Ngãi là Lê Doãn vu cáo, Nguyễn Thông bị cách chức, phạt trượng và hạ ngục. May nhờ được nhân dân Quảng Ngãi minh oan, đệ đơn ra tận kinh thành, việc vu cáo được sáng tỏ, ông mới được triều đình cho về làm ở sở Kiến biên và Tàng thư.
Chán ghét cảnh quan trường, lại mắc lao phổi nặng, năm 1873, Nguyễn Thông cáo bệnh xin về nghỉ ở Xa-ra, làng Vĩnh Hòa, tỉnh Bình Thuận nhưng vẫn dốc lòng vào công việc giáo dục và khẩn hoang.
Năm 1876, vua Tự Đức vời ông trở lại Huế làm Tư nghiệp Quốc tử giám - cơ quan giáo dục lớn nhất nước ta thời đó, cùng các ông Bùi Ước, Hoàng Dụng Tân khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nhân việc một số đề nghị sửa chữa bị triều thần bác bỏ, Nguyễn Thông tự soạn ra bộ sách Việt sử cương giám khảo lược (gồm 7 quyển, có 167 điểm cần sửa chữa), viết rõ những sai lầm trong bộ sử của triều đình - bộ sách sau này được các nhà sử học Việt Nam đánh giá cao vì làm rõ nhiều ngọn nguồn về sử tích, cương vực và địa đồ, kể cả việc khẳng định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta.
Không chỉ bày tỏ chính kiến về các sai trái của triều đình, Nguyễn Thông còn chủ động đề xuất khẩn hoang vùng biên giới từ Tây Nguyên đến Quảng Trị, với tư duy dựa vào dãy Trường Sơn để dựng xây nghiệp lớn. Được Tự Đức chuẩn y, tháng 2-1877, Nguyễn Thông vào làm Dinh điền sứ tỉnh Bình Thuận, giữ chức Bố chánh tỉnh này.
Ông đích thân tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát ở miền núi phía Tây, lập ra Đồng châu xã để đoàn kết, tập hợp đồng bào khẩn hoang, bí mật chống Pháp. Tiếc là việc lớn này sau đó bị triều đình cấm vì chỉ do sức ép từ phía thực dân Pháp.
Năm 1881, Nguyễn Thông được bổ về làm Phó sứ Điển nông kiêm đốc học Bình Thuận; năm sau được thăng Hồng lô tự khanh. Những năm tuổi già sức yếu, ông vẫn dốc lòng cho phát triển kinh tế và chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo lớp trẻ. Nguyễn Thông có một ngôi nhà nhỏ bên cạnh dòng sông Phan Thiết, đặt tên là Ngọa Du Sào. Năm 1884, ông viết xong Ngọa Du Sào văn tập và qua đời tại đây.
Ngày nay, Nguyễn Thông được biết rõ là một nhà trí thức yêu nước, nhà văn hóa lớn tiêu biểu của Nam bộ và Nam Trung bộ ở nửa cuối thế kỷ XIX. Ông là nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhà giáo dục, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, nhà sử học có ý thức trách nhiệm cao, có đóng góp rất tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước. Trước tác Nguyễn Thông hiện còn 76 bài thơ, 25 bản văn, 6 bản sớ điều trần; và có khoảng 200 đầu sách nghiên cứu về thân thế sự nghiệp của ông.
Long Thái
(*) Gia Định tam gia: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh,