Tiếng Việt | English

25/11/2015 - 15:13

Nhà báo Nguyễn Văn Tạo - người Việt Nam duy nhất là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp

Sau bài tham luận tại Đại hội lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản (tháng 8-1928) về tình hình Đông Dương và cách mạng Đông Dương được Đại hội hoan nghênh nhiệt liệt, nhà báo, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Văn Tạo được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người Việt Nam duy nhất là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp.


Nguyễn Văn Tạo (bên trái) cùng các bạn cộng sản Pháp năm 1927. Ảnh internet

Nhà báo, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Văn Tạo sinh ngày 20-5-1908 ở Gò Đen, làng Phước Lợi, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Lúc nhỏ, ông học ở Trường Chasseloup-Laubat, Sài Gòn (nay là Trường Lê Quý Đôn); học giỏi, ông sớm tham gia bãi công và bị nhà trường ghi vào học bạ chữ “meneur” (cầm đầu); từ đó, ông tìm cách xuất dương, du học Pháp.

18 tuổi, Nguyễn Văn Tạo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp, 20 tuổi công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Pháp ở Paris, là người sáng lập và là chủ bút báo Lao Nông (sau đổi là Vô sản); ông thường viết bài cho tờ LHumanité (Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp) với bút danh “Chợ Mới” và “An”.

Nguyễn Văn Tạo có nhiều bài viết ký tên “An” đăng trên tạp chí của Quốc tế Cộng sản Inprekorr (Thư tín quốc tế, xuất bản bằng năm thứ tiếng Đức, Pháp, Anh, Tiệp, Ý) góp phần vạch trần chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương và kêu gọi Quốc tế Cộng sản giúp đỡ cách mạng Đông Dương, như các bài: Sự khủng bố ở Đông Dương và phong trào cách mạng; Hãy giúp đỡ những người cách mạng Đông Dương; Làn sóng đang lên của phong trào cách mạng Đông Dương; Tình hình Đông Dương; Cuộc khủng bố ở Đông Dương; Kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Bái,…

Đặc biệt bài tham luận của ông tại Đại hội lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản (tháng 8-1928) về tình hình Đông Dương và cách mạng Đông Dương được Đại hội hoan nghênh nhiệt liệt và được học viên Trường Đại học Phương Đông bấy giờ đánh giá là “có kiến thức xuất sắc về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa bao quát cho toàn Đông Dương”.

Sau tham luận này, năm 1929, ông được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, phụ trách vấn đề thuộc địa và trở thành người Việt Nam duy nhất là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp.

Tháng 5-1930, với bài viết Cuộc đấu tranh anh hùng của những người cách mạng Đông Dương đăng trên tập san Inprecorr của Quốc tế Cộng sản bằng 7 thứ tiếng, Nguyễn Văn Tạo được xem là người thứ 2 (sau Nguyễn Ái Quốc) viết lịch sử Đảng ta (1).

Ngày 1-5-1931, Nguyễn Văn Tạo bị mật thám Pháp bắt giữ và trục xuất về nước. Ở Sài Gòn, bị mật thám theo dõi gắt gao, ông vẫn hợp tác viết báo Trung Lập (do Trần Thiện Quý làm chủ báo) với nhiều bài bình luận, phân tích sắc sảo và ký tên thật với mục đích sẽ hoạt động công khai để bênh vực quyền lợi của thợ thuyền, tố cáo chế độ thực dân.

Từ 1-7-1932 đến 30-5-1933, Nguyễn Văn Tạo có 161 bài đăng báo Trung Lập, dù nhiều đoạn bị kiểm duyệt cắt bỏ, vẫn toát lên nhiệt huyết của người cầm bút.

Là nhà báo cộng sản, Nguyễn Văn Tạo từng tuyên ngôn qua bài “Giá trị của nghề làm báo”: “…Viết báo vì tư tưởng, vì chủ nghĩa. Nếu đạt đến mục đích tốt, mà rủi bị thiệt hại đến tính mạng cũng cam” (báo Trung Lập, ngày 30-9-1932).

Tư tưởng chủ đạo qua ngòi bút đầy tính chiến đấu của Nguyễn Văn Tạo là bênh vực, bảo vệ quần chúng lao khổ, luôn đau xót và kịch liệt phản bác chiến tranh. Với trí tuệ mẫn tiệp của một chiến sĩ cộng sản quốc tế, từ giữa năm 1932, nhà báo Nguyễn Văn Tạo từng dự cảm chính xác trước 9 năm về sự kiện phát-xít Đức sẽ tấn công Liên Xô (xem báo Trung Lập, 21-7-1932).

Thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939), Nguyễn Văn Tạo thuộc nhóm hoạt động công khai, vừa đấu tranh nghị trường vừa viết sách, khi bị Pháp bắt giam vào nhà lao, ông vẫn viết bài gửi đăng báo Đuốc Nhà Nam ở Sài Gòn.

Từ năm 1937-1939, Nguyễn Văn Tạo nhiều lần bị địch bắt giam rồi lại thả, ông luôn đấu tranh quyết liệt và chuyển sang viết cho các tờ báo mới do Đảng chủ trương như LAvant Garde (Tiên phong), Le Peuple (Dân chúng), Đông phương tạp chí,… Báo La Lutte, với sự góp mặt của Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn An Ninh,… thường xuyên có những bài bình luận được đánh giá là hay nhất Đông Dương.

Năm 1939, Nguyễn Văn Tạo ra ứng cử vào Hội đồng quản hạt Nam kỳ và đắc cử trong “liên danh Cộng sản Mai - Ninh - Tạo”, nhưng bị nhà cầm quyền gian lận, bác bỏ.

Ngày 29-9-1939, Nguyễn Văn Tạo lại bị Pháp bắt giữ ở Mỹ Tho cùng với Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Nguyễn và bị kết án 5 năm tù và 10 năm biệt xứ, đày đi Rạch Giá cho đến ngày tiền khởi nghĩa…

Nguyễn Văn Tạo về sau có nhiều đóng góp cho hoạt động báo chí; ông là đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II và là Bộ trưởng Bộ Lao động đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong suốt 20 năm (1946 – 1965); Nguyễn Văn Tạo mất ngày 16-8-1970 tại Hà Nội; năm 2001, ông được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Long Thái

(1). Tạp chí Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số tháng 8-2006.

Chia sẻ bài viết