Tiếng Việt | English

17/06/2021 - 16:09

Nhà báo qua góc nhìn từ phim ảnh

Ngày nay, hình ảnh nhà báo xuất hiện trên phim ảnh đã trở nên phổ biến, được khắc họa với nhiều nét tính cách khác nhau. Mỗi bộ phim cũng nhận những ý kiến khen, chê trái chiều nhưng qua đó, người xem hiểu được phần nào về công việc của những người làm báo.

Một trong những  bộ phim nói về nhà báo đầu tiên phải kể đến là Nghề báo

Một trong những  bộ phim nói về nhà báo đầu tiên phải kể đến là Nghề báo

Đa dạng góc nhìn và cách khai thác 

Phim ảnh về nghề báo trên thế giới hiện nay không hiếm, nhưng nổi bật nhất phải kể đến là tác phẩm kinh điển của Hollywood All the President’s men (năm 1976). Đây có thể xem là một trong những bộ phim nói về nhà báo sớm nhất và thành công nhất khi một mình thâu tóm 4 giải Oscar và được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về đề tài báo chí.

Phim được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của 2 nhà báo Mỹ: Carl Bernstein và Bob Woodward. Họ tham gia điều tra vụ bê bối Watergate, một trong những scandal lớn nhất trong lịch sử chính trường Mỹ, dẫn tới việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Hình ảnh nhà báo phương Tây quyết tâm theo đuổi một vụ bê bối chính trị dù gặp nhiều bất lợi do sự cản trở của các thế lực đứng trong bóng tối được khắc họa rõ nét. Sự quyết liệt của các nhà báo trong quá trình điều tra, theo sát thông tin được miêu tả một cách chi tiết và sống động qua diễn xuất của 2 ngôi sao điện ảnh. Tác phẩm đã trở thành kinh điển và bất hủ cho đến tận hôm nay. 

Sau đó, có nhiều tác phẩm khác nói về nghề báo cũng được đánh giá rất cao nhưng chưa thể vượt qua All the President’s men. Năm 2017, bộ phim The Post cũng gây tiếng vang khi khai thác câu chuyện có thật về cuộc chiến truyền thông tại Mỹ. Citizen Kane (năm 1941), Network (năm 1976),... cũng là những bộ phim nói về nghề báo dựa trên những nguyên mẫu có thật trong thực tế. 

Tại Việt Nam, một trong những bộ phim nói về nhà báo đầu tiên phải kể đến là Nghề báo. Đây là bộ phim được khán giả nhớ đến nhiều nhất khi nhắc tới những người làm báo. Ngày phim công chiếu đã thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả cũng như giới báo chí nước ta. 

Bộ phim khắc họa hình ảnh nhà báo xoay quanh công việc và cuộc sống gia đình. Vì yêu nghề, họ theo đuổi, điều tra nhiều vụ việc quan trọng, có tầm ảnh hưởng và phải đối diện với những tình huống khó khăn. Phim cũng cho thấy sự khắc nghiệt, cám dỗ của nghề khiến các nhà báo phải lựa chọn giữa công việc và gia đình. Đôi khi để theo đuổi nghề nghiệp, họ phải đánh đổi nhiều thứ quan trọng khác.
Là bộ phim đi đầu trong việc khai thác hình ảnh nhà báo, Nghề báo thực sự được khán giả hoan nghênh và đón nhận, đạt thành công nhất định. Cho đến hôm nay, đó vẫn là bộ phim về nghề báo được khán giả nhớ đến nhiều. 

Sau Nghề báo, đề tài về nhà báo được khai thác nhiều hơn với nhiều tác phẩm: Đèn vàng, Mặt nạ da người, Những nhân viên vui nhộn,… Mỗi tác phẩm có một góc nhìn và cách khai thác khác nhau nhưng đều xoay quanh câu chuyện nghề, chuyện đời của các nhà báo nói chung với những hướng đi và lựa chọn khác nhau.

Có thể thấy, cùng khai thác mảng đề tài người làm báo, nhiều tác phẩm điện ảnh nước ngoài chọn xây dựng câu chuyện dựa vào sự kiện và nhân vật có thật, trong khi phim Việt Nam chọn góc nhìn rộng hơn, bao quát hơn về người làm báo nói chung. 

Hình ảnh người làm báo trên phim Việt

Nghề báo được xem là bộ phim đi đầu trong việc đưa nhà báo lên phim ảnh, được khán giả đón nhận và nhớ đến. Tuy nhiên, vẫn có nhận định cho rằng, hình ảnh nhà báo trong Nghề báo còn khá gượng ép. Sự quyết liệt với nghề đến mức đánh rơi gia đình, xuề xòa với bản thân là điều khiến nhiều người làm báo phải suy nghĩ. Chi tiết người biên tập báo liên tục nhắc nhở nữ nhà báo chỉnh sửa lại trang phục đang lôi thôi vì vội vã dễ khiến người làm báo chạnh lòng! Xét cho cùng, việc chăm chút bản thân của mỗi nhà báo là điều tất yếu và cũng là một trong những “cánh cửa” quan trọng tạo điều kiện cho nhà báo thu thập được thông tin. Bên cạnh đó, câu chuyện nữ nhà báo vì công việc mà lơ là gia đình tạo nên một sự lựa chọn có phần khắc nghiệt. 

Sau Nghề báo, điện ảnh Việt Nam có thêm nhiều sản phẩm nói về nghề báo: Đàn trời, Nguyệt thực, Gái già xì tin,… Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm khai thác hình ảnh nhà báo ở vai phụ. Và hầu như ở bất kỳ tình huống, bối cảnh nào, người làm báo cũng phải đứng giữa những lựa chọn. Đàn trời cho chúng ta thấy, bên cạnh những nhà báo tâm huyết với nghề, sống ngay thẳng và quyết liệt trong cuộc chiến chống tham nhũng thì cũng có những nhà báo lựa chọn một con đường khác vì bản thân mình. Cám dỗ của tiền tài và chức vụ khiến nhiều nhà báo không đứng vững được trên hành trình của mình. Nhà báo vì thế cần có bản lĩnh để vượt qua thử thách và không “bẻ cong” ngòi bút. 

Sơn (diễn viên Thiên Bảo) và Hoàng (diễn viên Minh Luân) đại diện cho 2 quan điểm làm báo khác nhau trong Nguyệt thực

Sơn (diễn viên Thiên Bảo) và Hoàng (diễn viên Minh Luân) đại diện cho 2 quan điểm làm báo khác nhau trong Nguyệt thực

Mang hơi thở cuộc sống của thời đại 4.0, Nguyệt thực lại đặt nhà báo vào một lựa chọn khác giữa báo chí chính thống và lá cải, giữa kinh tế và báo chí. Được viết kịch bản bởi nhà báo, biên kịch dày dạn kinh nghiệm, Nguyệt thực có những tình tiết về nghề báo và người làm báo mang hơi hướng đời thực. Trong thời đại công nghệ, thông tin phát triển nhanh chóng và thị hiếu của người đọc cũng dần thay đổi; áp lực cạnh tranh về thời gian, lượt xem tin, bài khiến các nhà báo phải lựa chọn giữa tôn trọng sự thật với những bài viết chính xác, được kiểm chứng với việc đưa thông tin phù hợp với thị hiếu người xem, sử dụng các thủ thuật về giật tít nhằm thu hút người đọc.

Mỗi bộ phim lựa chọn một góc khác nhau của nghề báo để tiếp cận. Với điểm chung là góc nhìn bao quát, các bộ phim cho thấy thực trạng xã hội và những khó khăn chung của người làm báo. Nghề báo đối mặt với nhiều cám dỗ và thử thách. Người làm báo phải thực sự vững vàng và bản lĩnh để hoàn thành chức trách của mình, đáp lại sự tin cậy của bạn đọc./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết