Tiếng Việt | English

18/02/2020 - 11:33

Nhạc sống "ám ảnh" hàng xóm

Hát là một loại hình giải trí, vui chơi, nhưng trong thời buổi này, có lúc lại bị lạm dụng. Chỉ cần một cái loa di động, một cái micro, thậm chí chỉ một người cũng ra trước nhà, vỉa hè hát hò ầm ĩ. Điều này đã làm ảnh hưởng đến đời sống những người xung quanh.

Nhạc sống
Nhạc sống "nở rộ" ở nhiều nơi

Hai, ba người cũng chơi nhạc sống 

Nắm bắt được nhu cầu, những năm qua, loại hình kinh doanh dịch vụ nhạc sống, karaoke di động nở rộ, dán số điện thoại quảng bá để ai cần liên hệ phục vụ tận nơi. Vì thế, nhạc sống, karaoke di động luôn có mặt trong những buổi tiệc liên hoan, giao lưu, độ nhậu,... Nhiều cơ sở cho thuê dàn âm thanh bội thu vì nhu cầu khá nhiều. 

"Những ngày tết, mỗi lần thuê dàn nhạc sống cũng tốn bạc triệu nhưng nhiều người vẫn chịu chi. Có nhiều người bảo, tiệc mà không hát thì buồn chán lắm. Hoặc có những nhà, theo hàng xóm nên cũng thuê khi có tiệc cho bằng người ta" - anh Hùng, một người cho thuê nhạc sống ở TP.Tân An, tỉnh Long An cho biết.

Ngoài đi thuê, có những gia đình sẵn sàng bỏ ra vài triệu bạc mua bộ loa, cái micro. Vậy là vui hát, buồn hát, không vui và không buồn cũng hát. Karaoke, nhạc sống di động, hiện nay nở rộ từ thành thị đến nông thôn, về cả vùng sâu, vùng xa, biên giới. Và cứ thế là các "ca sĩ" cứ vô tư phô trương giọng hát, có người hát mà cứ như đang thét. Điều đáng nói, nhiều người đã không ý thức khi mở âm thanh hết cỡ, hát giữa trưa, kể cả đêm khuya, gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Nhiều người khó chịu nhưng cũng phải cắn răng chịu đựng.

"Ở gần nhà tui, có hai, ba ông cứ nhậu là ra ngồi trước vỉa hè, mở loa hát nghêu ngao, ì xèo,... Hỏi thì mấy ổng lấy lý do, nhậu hát mới sung, mới hay, lại không say. Có người lại tự hào bảo, hát hay không bằng hay hát. Hay, dở gì chưa biết nhưng những người xung quanh thấy rất phiền" - đó chính là than phiền của nhiều người khi nói về nhạc sống, karaoke di động.

"Hát gì mà hát hoài"

Hơn chục năm trước, ngoài những quán karaoke đã được cách âm thì nhiều người có nhu cầu làm ca sĩ phải chờ trong xóm có đám cưới, đám hỏi mới có dịp thể hiện. Vậy nhưng, bây giờ, chỉ cần gầy một bàn nhậu xoài, cóc, ổi cũng dựng ra cả dàn nhạc sống di động hát hò inh ỏi. 

"Mỗi lần bị tra tấn như thế, tôi đều rất khó chịu, nhưng cũng chẳng biết làm sao. Có lần nhắc, họ bảo, lâu lâu mới hát, ngày vui thông cảm. Hơn nữa, cũng có nghe chuyện nhiều nơi nhắc hàng xóm chuyện hát hò ầm ĩ nhưng rồi xảy ra đánh nhau, án mạng nên tôi cũng làm ngơ. Vì vậy, mỗi lần nếu bị hàng xóm tra tấn tiếng ồn, tôi đóng kín cửa để đỡ nhức đầu" - ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân ở xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, phàn nàn.

Tối 15/02/2020, tại một góc phố thuộc phường 4, đoạn đường Nguyễn Văn Tạo, chúng tôi nhìn thấy một nhóm người có vẻ đang dự tiệc sinh nhật bật nhạc sống với âm lượng lớn hát đủ thể loại nhạc từ bolero, rock đến nhạc trẻ, thậm chí còn cả nhạc chế,... Nhạc càng to, càng làm những người ngồi nhậu thích thú, có mấy người còn đứng dậy ra góc sân nhảy theo điệu nhạc sàn, remix.

Tại đó, những câu hát “Quay về đi về đi em hỡi. Em đã sai hãy làm lại từ đầu...”, “Rót mãi những chén chua cay này, lêu bêu như gã du ca buồn, lang thang bước với trái tim ta tật nguyền",... cứ vang xa. Xen lẫn những bài hát sôi động là những ca từ sầu não, lời dường như không phù hợp trong ngày mừng sinh nhật: "Ngày em thay áo, áo hoa pháo đỏ rượu nồng. Có ai nát cả cõi lòng. Đứng nhìn em bước bên chồng... Từng thu thay lá, lá rơi đắp mộ cuộc tình"...

Sau bài hát ấy, cứ thế chiếc micro lại được truyền tay cho người khác. Có người còn nhảy lên làm MC, huyên thuyên trên trời dưới đất, thế là âm thanh cứ vang vang, inh ỏi lan ra cách đó hàng trăm mét.

Cũng không ít nơi, khi tổ chức nhạc sống, còn thuê cả mấy cô mặc quần áo mỏng dính, phô trương da thịt để góp vui. Như trên đoạn đường Hùng Vương, TP.Tân An, chúng tôi nhiều lần chứng kiến, do tò mò nên có đông người đứng lại xem làm cản trở giao thông.

Vừa qua, tại quán nhậu ở góc đường Trịnh Quang Nghị, TP.Tân An, vào lúc 21 giờ, thực khách đang chúc tụng, trò chuyện, bỗng dưng tiếng nhạc xập xình. Một thanh niên dừng xe máy, phía sau chở theo bộ loa rồi cầm micro tiến vào, hát lia lịa và đi các bàn bán kẹo kéo. 

Cạnh đó, có mấy thanh niên đang ngồi nhậu cũng mượn micro và hát mấy bài nhạc remix. Thế là những bàn xung quanh cũng chẳng trò chuyện được gì vì tiếng ồn quá lớn từ loa phát ra. 

Gần đây, trên đường xuống Châu Thành, cặp Đường tỉnh 827A, chúng tôi thấy một số nhà tổ chức hát nhạc sống ầm ĩ. Có mặt ở gần đó, chúng tôi nghe không ít lời phàn nàn "Trời ơi trời. Hát gì mà hát hoài, từ trưa đến tối, điếc cả tai! Đã vậy, thì quay cái loa vào trong nhà, đằng này lại cứ quay ra ngoài, sang hướng nhà người ta. Muốn yên cái đầu mà không được".

Nhạc sống di động

Nhạc sống di động

Đưa vào quy ước cộng đồng dân cư

Qua ghi nhận của phóng viên, nếu so với thời gian 2, 3 năm trước, có vẻ tình trạng hát nhạc sống, karaoke di động gây ồn ào đã giảm, nhiều người đã có ý thức chấp hành quy định không quá 22 giờ. Các hộ kinh doanh dàn nhạc sống cũng thực hiện nghiêm túc hơn thủ tục đăng ký kinh doanh. Có địa phương đạt 100% như tại các huyện: Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Trụ và Vĩnh Hưng.

Tuy nhiên, tình trạng karaoke, nhạc sống di động gây ồn ào cũng có lúc, có nơi, thời điểm vẫn diễn ra, gây bức xúc. Trong đó, "nở rộ" nhiều hơn trong dịp lễ, tết. Tất niên hát, tân niên, khai trương, chia tay cũng hát,...

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Châu Thành - Trần Tấn Vĩnh cho biết, việc xử lý về gây tiếng ồn cũng rất khó, vì vi phạm này cũng phải sử dụng máy để đo âm lượng, trong khi ở xã không có máy. Thời gian qua, trong nỗ lực xây dựng xã văn hóa, xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, chính quyền cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội,...

Qua đó, cũng đề cập đến việc tổ chức hát karaoke, nhạc sống, nhất là không vặn âm thanh quá lớn, tổ chức quá giờ quy định. "Hiện nay, ở các ấp đều xây dựng quy ước, trong đó có gắn quy định karaoke di động, nhạc sống. Qua tuyên truyền, tình trạng karaoke, nhạc sống gây tiếng ồn, hoạt động quá giờ đã giảm nhiều. Hiện ở địa phương, tổ chức nhạc sống, chủ yếu là ở nhà có đám, tiệc, còn chuyện tụm vài người nhậu rồi hát hò ì xèo đã hạn chế rất nhiều"- ông Trần Tấn Vĩnh nói.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh có 1.256 hộ kinh doanh cho thuê dàn nhạc sống, karaoke di động, tập trung nhiều tại các huyện: Châu Thành (187), Tân Thạnh (138), Tân Trụ (107), Cần Giuộc (101), Bến Lức (100), TP.Tân An (125). Thời gian qua, cơ quan chức năng các cấp đã tiến hành gần 250 cuộc kiểm tra tại 978 cơ sở kinh doanh karaoke cố định, nhạc sống, karaoke di động. Qua đó, đã lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 500.000.000 đồng. Nội dung kiểm tra chủ yếu về thời gian hoạt động, nội dung bài hát, các điều kiện kinh doanh theo quy định.

Thông tin với báo chí, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng cho biết, thời gian qua, Sở hướng dẫn cán bộ cơ sở việc đưa nội dung quy định liên quan đến hoạt động nhạc sống, karaoke di động vào quy ước tại cộng đồng dân cư gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để cùng nhau thực hiện. Đến nay, các địa phương cơ bản thống nhất đưa nội dung trên vào quy ước hàng năm tại cộng đồng dân cư. 

Thời gian tới, Sở tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định về quản lý nhạc sống trên địa bàn tỉnh; tập trung kiểm tra về giờ hoạt động, nội dung bài hát, an ninh, trật tự, tiếng ồn đối với hoạt động nhạc sống. Mặt khác, nâng cao hơn nữa vai trò quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm kịp thời của chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích