Tiếng Việt | English

30/03/2018 - 09:55

Nhạc sống ơi, bao giờ người dân hết bị “tra tấn”?

Việc xuất hiện loa, micro di động khiến việc hát nhạc sống dễ dàng hơn bao giờ hết. Giờ đây, không cần thuê dàn nhạc với đàn organ, loa, ampli, trống,...mà chỉ cần chiếc loa di động, micro và điện thoại được kết nối Internet thì ai cũng có thể “khoe giọng” ở bất cứ nơi đâu. Dàn nhạc “kẹo kéo” này giúp người dân có thêm phương tiện giải trí, thế nhưng, khi ý thức chưa cao thì việc giải trí này mang lại nhiều phiền toái cho những người xung quanh.

Nhạc sống là sinh hoạt văn hóa chính đáng của người dân nhưng người sử dụng phải biết điều tiết thời gian, âm lượng để không ảnh hưởng đến người xung quanh. (Trong ảnh: Người dân hát nhạc sống ở tiệc cưới) Ảnh minh họa: Huỳnh Du

Không quá giờ nhưng quá ồn!

Dịch vụ cho thuê dàn âm thanh phát triển mạnh từ thành thị đến nông thôn, nhất là khi xuất hiện dàn nhạc “kẹo kéo”. Với giá thuê từ vài chục ngàn đến hơn 100.000 đồng/giờ, dàn “kẹo kéo” sẵn sàng phục vụ khách hàng. Thế nên, đám cưới thuê nhạc, đám giỗ thuê nhạc, thôi nôi, đầy tháng thuê nhạc, không có đám tiệc, buồn buồn cũng thuê nhạc hay vài ba người, nhấm nháp xị rượu đế hoặc ít chai bia, hứng chí cũng kêu nhạc về hát,...

Bên cạnh đó, người dân dễ dàng tìm mua loa di động phục vụ các chương trình văn nghệ tự phát sau những giờ lao động vất vả. Ngoài tạo thêm sân chơi thì việc hát nhạc sống mang lại khá nhiều phiền toái. Bà N.T.Đ, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, than phiền: “Ôi! nhạc sống biết bao giờ mới hết. Giờ, người ta không hát quá giờ quy định như trước nhưng tiếng ồn vẫn ảnh hưởng đến hàng xóm”.

Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa - Lê Văn Quang cho biết: “Phong trào văn hóa - văn nghệ ở xã phát triển khá mạnh. Nhiều gia đình mua loa di động để có thể ca hát lúc rảnh rỗi. Điều đó chỉ thực sự tốt khi người sử dụng biết điều tiết thời gian, âm lượng để không ảnh hưởng đến người xung quanh”.

Nhưng trên thực tế, không phải người hát nhạc sống nào cũng ý thức được điều đó nên hàng xóm đôi lúc trở thành thính giả bất đắc dĩ khi phải chịu đựng những “ca sĩ” nghiệp dư trong lúc cần được nghỉ ngơi. Theo báo cáo của UBND thị xã Kiến Tường, việc nhạc sống hoạt động sau 22 giờ hoặc mở âm thanh quá mức quy định giảm hơn trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp mở âm thanh lớn, ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Khó xử lý vi phạm tiếng ồn

Nói về nhạc sống, có 2 vấn đề thường được nhắc đến là giờ giấc và âm lượng. Giờ giấc được quy định rất cụ thể, không được quá 22 giờ. Nhưng còn âm lượng? Để xác định âm lượng vượt mức quy định hay không là cả một vấn đề. Nếu hàng xóm nói rằng quá ồn, còn người hát vẫn nói trong mức cho phép thì sao?

Nhạc sống tại tiệc cưới. Ảnh minh họa: Huỳnh Du

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường - Quách Cao Minh cho biết: Để đo được độ ồn, cần thành lập đoàn kiểm tra nhưng khi thấy đoàn đến, người hát điều chỉnh âm thanh phù hợp nên rất khó xử phạt. Đo độ ồn đối với nhạc sống là rất khó. Chính vì thế, việc xử phạt vi phạm về tiếng ồn không khả thi.

Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử lý vi phạm về tiếng ồn khi sử dụng nhạc sống. Đó cũng là ý kiến của Phòng Văn hóa Thông tin TP.Tân An trong báo cáo gửi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Phòng cho rằng, kinh phí mua sắm thiết bị đo độ ồn khá cao, người sử dụng thiết bị đo phải có chứng chỉ đào tạo, đo xong phải gửi kết quả đi giám định thì mới có cơ sở xử phạt. Chính vì những khó khăn đó, Phòng Văn hóa Thông tin thành phố đề xuất UBND tỉnh nên có thêm quy định không được hát vào giờ nghỉ trưa và thay quy định về độ ồn bằng quy định về số lượng loa, loại loa, công suất loa bảo đảm âm thanh vừa phải.

Tập trung tuyên truyền

Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc cho biết, hiện tại, cách tốt nhất để hạn chế việc hát nhạc sống làm ảnh hưởng đến những người xung quanh là tăng cường tuyên truyền, vận động. Ông Quốc khẳng định, sử dụng nhạc sống trong sinh hoạt văn nghệ là nhu cầu giải trí chính đáng của người dân, nhưng phải sử dụng sao cho văn minh và không ảnh hưởng đến người khác.

Ngày nay, không khó để người dân thuê hoặc tự trang bị cho mình một dàn nhạc sống phục vụ thú vui ca hát. (Trong ảnh: một bữa tiệc nhỏ ở thôn quê cũng có nhạc sống phục vụ)

Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định 5015/QĐ-UBND quy định quản lý hoạt động nhạc sống trên địa bàn tỉnh, tình trạng sử dụng nhạc sống quá thời gian quy định giảm rõ rệt.

Theo Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Tâm: Hiện, có trên 60% cơ sở kinh doanh karaoke, nhạc sống có đăng ký kinh doanh và các đơn vị đều cam kết thực hiện đúng quy định về giờ giấc cũng như nội dung bài hát. Việc hát nhạc sống quá giờ quy định giảm đáng kể.

Tuy nhiên, có một thực trạng đến nay vẫn chưa quản lý được là dàn âm thanh di động mà các gia đình tự trang bị phục vụ nhu cầu giải trí cá nhân và gia đình, không mang tính thương mại. Chính vì vậy, cách tốt nhất để quản lý việc sử dụng dàn âm thanh di động chính là tuyên truyền, vận động. Và khi đó, vai trò của chính quyền, các đoàn thể tại cơ sở cần được phát huy.

Bí thư kiêm Trưởng ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa - Nguyễn Văn Sửa cho biết: “Trước đây, ở ấp Bình Lợi cũng có vài trường hợp sử dụng nhạc sống quá giờ quy định nhưng thời gian gần đây không còn nữa. Ban ấp cùng các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nên ý thức người dân được nâng lên”.

Tại huyện Tân Trụ, các quy định về hoạt động karaoke di động, nhạc sống được đưa vào quy ước ấp. Bí thư kiêm Trưởng ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ - Ngô Thị Huỳnh Hoa cho biết: “Nhằm nâng cao ý thức người dân trong sử dụng nhạc sống, các đoàn thể, ban ấp thường xuyên tuyên truyền, vận động trong các cuộc họp, trên đài truyền thanh và trong quy ước ấp cũng có nội dung đó”. Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận tại một số địa phương. Tuy nhiên, nỗ lực đó cần được thực hiện một cách triệt để và đều khắp mới có thể đưa hoạt động nhạc sống đi vào nề nếp.

Quyết định 5015/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý hoạt động nhạc sống trên địa bàn tỉnh cũng quy định: “Ấp, khu phố nào thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm quy định trong hoạt động nhạc sống sẽ xem xét, đề nghị không công nhận danh hiệu ấp, khu phố văn hóa hàng năm” và “Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nội dung thực hiện tốt quy định của pháp luật trong hoạt động nhạc sống ở hộ gia đình, ấp, khu phố là một trong các tiêu chí đánh giá, công nhận danh hiệu gia đình, ấp, khu phố văn hóa ở địa phương”. Mong rằng, thời gian tới, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hoạt động này được đưa vào nề nếp.

Phương Phương

Điều 17, Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường, quy định, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA bị xử phạt từ 1-5 triệu đồng. Mức xử phạt sẽ tăng dần theo số dBA vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn. Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn thì giới hạn tối đa cho phép tiếng ồn tại khu vực thông thường là 70dBA từ 6 giờ đến 21 giờ và 55dBA từ 21 giờ đến 6 giờ sáng.

Quyết định 5015/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định: “Phải bảo đảm sự yên tĩnh chung, không gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau” nên người dân có thể hát nhạc sống suốt từ sáng đến 22 giờ, kể cả vào giờ nghỉ trưa. Việc này gây ảnh hưởng đến những người xung quanh./.

Chia sẻ bài viết