Huy động nhiều nguồn lực
Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững của tỉnh là huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh có mô hình Tiết kiệm tín dụng, Góp vốn xoay vòng, Góp xi măng xây nhà, Đồng hành với phụ nữ yếu thế; UBMTTQ Việt Nam các cấp có các mô hình Xây dựng nhà Đại đoàn kết, Hỗ trợ bò sinh sản, Hỗ trợ vốn sản xuất, Giới thiệu việc làm, Hỗ trợ tiền khám bệnh nan y cho hộ nghèo; Ngân hàng Chính sách xã hội có các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm; Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam các cấp với phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, mô hình 5+1 và 10+1 (5 hoặc 10 hộ hội viên khá, giàu hỗ trợ 1 hộ hội viên nghèo);...
Các cấp, các ngành dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần chăm lo cho những đối tượng yếu thế
Trước đây, ông Đỗ Văn Mười Dét (ấp Đông Nam, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2021, ông được Chi hội CCB ấp Đông Nam hỗ trợ 30 triệu đồng không lãi suất từ mô hình 10+1 để mua 2 con bò. Ông Dét chia sẻ: “Trở về cuộc sống đời thường, đa số CCB thiếu vốn sản xuất. Vì vậy, khi có mô hình 10+1 giúp gia đình tôi và nhiều CCB vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Ông Đỗ Văn Mười Dét (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh) vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình 10+1
Công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay chăm lo cho người nghèo, những đối tượng yếu thế cũng là yếu tố quan trọng giúp tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Trong đó, phải kể đến các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập như Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm An Lạc, Trung tâm Phoenix, Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em mồ côi Thanh Bình, Trung tâm Dưỡng lão Hồng Hoa, Mái ấm Tâm Đức,... luôn đồng hành với trẻ em mồ côi, người già neo đơn.
Phó Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm An Lạc - Trần Thị Lũy cho biết: “Hiện mái ấm nuôi dưỡng 53 trẻ em mồ côi. Ngoài khoản trợ cấp của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em mồ côi, các khoản hỗ trợ của các nhà hảo tâm, mái ấm còn tự sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm, vẽ và bán tranh gây quỹ nuôi trẻ”.
Hiện Cơ sở bảo trợ Mái ấm An Lạc nuôi dưỡng 53 trẻ em mồ côi
Huyện Châu Thành là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp của tỉnh. Đầu năm 2022, huyện có 0,8% hộ nghèo, 2,44% hộ cận nghèo; đến cuối năm chỉ còn 0,53% hộ nghèo, 2,02% hộ cận nghèo. Trên địa bàn huyện có 2 xã xóa trắng hộ nghèo là Hòa Phú và Dương Xuân Hội.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ: “Công tác chăm lo cho người nghèo luôn được các cấp, các ngành phối hợp thực hiện tốt. Năm 2022, huyện vận động các nhà hảo tâm xây dựng 61 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho người nghèo với tổng kinh phí trên 3 tỉ đồng; hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, với tổng số vốn cho hộ nghèo vay gần 5,5 tỉ đồng, hộ cận nghèo vay trên 76 tỉ đồng; tổ chức trao tặng trên 730 phần quà của lãnh đạo tỉnh cho hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023”.
Trách nhiệm không của riêng ai
Bên cạnh kết quả đã đạt, công tác giảm nghèo của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Huệ - Trần Quốc Bảo cho biết: “Huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao với 2,53%. Nguyên nhân chủ yếu là kết cấu hạ tầng phát triển không đồng đều giữa các khu vực; chưa có khu, cụm công nghiệp thu hút lao động; lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp; một số hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng; một vài cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trong khâu tổ chức thực hiện; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như tổ chức thực hiện thiếu chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao”.
Mặt khác, nguồn vốn phân bổ cho công tác giảm nghèo đến các địa phương chậm nên việc triển khai, thực hiện và giải ngân ở mức thấp; thủ tục hành chính, quy chế quyết định chính sách phức tạp dẫn đến nguồn vốn sử dụng chưa hiệu quả. Ngoài ra, một số địa phương tuy thực hiện công tác giảm nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững, cuộc sống của các hộ mới thoát nghèo còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng thiếu việc làm vẫn còn, đào tạo nghề chưa gắn nhu cầu lao động của xã hội; nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả nhưng chậm nhân rộng; tính lan tỏa trong công tác truyền thông giảm nghèo còn hạn chế.
Các cấp, các ngành dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần chăm lo cho những đối tượng yếu thế
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai thông tin: “Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng thành công xã NTM, huyện NTM. Để công tác giảm nghèo thật sự đi vào chiều sâu cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, bởi đây không là trách nhiệm của riêng ai”.
Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về tính nhân văn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, thói quen của người nghèo; hướng dẫn áp dụng các mô hình sinh kế, cách thức trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững, công tác trợ giúp xã hội cho các đối tượng yếu thế.
Dù còn nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác giảm nghèo nhưng phải khẳng định tỉnh vẫn là “điểm sáng” trong huy động nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo. Cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm 23% số hộ nghèo (chỉ tiêu đề ra 15%), đến nay, hộ nghèo còn 0,99%, cận nghèo 2,29%./.
Lê Ngọc